Những cây cầu trên sông Gianh giúp dân thoát nghèo

Hàng loạt cây cầu được bắc qua các đảo nổi sông Gianh, vùng Nam thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình) đã tạo cú hích cho hàng chục ngàn hộ dân phát triển kinh tế. Trong tương lai, 10 xã vùng Nam Ba Đồn sẽ được kết nối thêm những cây cầu mới nhằm phát triển dân sinh, cứu hộ cứu nạn, thúc đẩy du lịch lưu vực sông Gianh rộng lớn.

Cầu qua 4 thôn đảo Cồn Nâm, Minh Hà, Đông Thành, Tân Định (xã Quảng Minh) vừa cứu hộ cứu nạn mùa lũ vừa giúp dân thông thương phát triển kinh tế
Cầu qua 4 thôn đảo Cồn Nâm, Minh Hà, Đông Thành, Tân Định (xã Quảng Minh) vừa cứu hộ cứu nạn mùa lũ vừa giúp dân thông thương phát triển kinh tế

Những chiếc cầu động lực

Bắt đầu là cầu Quảng Hải 1 và 2 được đưa vào sử dụng năm 2009 đã chấm dứt cảnh cô lập ngàn năm của 11 xã vùng Nam Ba Đồn với thế giới bên ngoài.

Phà Phù Trịch ngừng hoạt động, người dân vùng các xã đảo ven sông Gianh phấn khởi.

Ông Đinh Phận, xã Quảng Lộc kể: “Cầu Quảng Hải hoàn thành, người dân chấm dứt cảnh đi phà bất tiện, làm việc được thuận lợi hơn”.

Nhung cay cau 4.jpg
Cầu Công Hòa từ xã Quảng Trung qua thôn Công Hòa phá bỏ thế ngàn đời lụy đò

Sau cầu Quảng Hải, nhu cầu đi lại giữa các đảo nổi sông Gianh ngày càng bức thiết, và những cây cầu nối các đảo cứ thế dần hình thành.

Ông Nguyễn Cương, nguyên Trưởng thôn Cồn Sẻ, xã Quảng Lộc nói: “Năm 2014, tỉnh Đoàn Quảng Bình vận động tài trợ xây dựng cầu Cồn Sẻ, nối từ tỉnh lộ 559 sang thôn Cồn Sẻ, phục vụ 3.600 khẩu trong thôn. Thêm bà con đi xuất khẩu lao động về xây nhà tầng kiên cố, cuộc sống khấm khá hơn”.

Nhung cay cau 1.jpg
Cầu dân sinh thôn Cồn Sẻ xã Quảng Lộc, thị xã Ba Đồn giúp dân lưu thông thuận tiện

Trong khi đó, cầu Công Hòa, nối từ đường tỉnh lộ 559 sang thôn Công Hòa, xã Quảng Trung được Sở GTVT tỉnh Quảng Bình đầu tư xây dựng năm 2019 với tổng mức đầu tư 21 tỷ đồng, phục vụ cho 1.600 nhân khẩu đi lại thuận lợi.

Cụ Nguyễn Hải cho biết: “Sau 6 năm có cầu, đời sống của người dân thay đổi rõ rệt, nhà kiên cố được xây mới nhiều hơn, vật liệu chở về tận nơi không đắt đỏ như vận chuyển tàu thủy bất tiện. Đặc biệt mùa mưa bão, cầu Công Hòa là cái phao cứu hộ cứu nạn cho bà con, cho gia súc, gia cầm thoát khỏi nước lũ. Rồi có 10 trường hợp đi cấp cứu trong đêm, nhờ có cầu mà mạng sống được kịp thời giữ lại nên bà con rất cảm ơn chủ trương xây cầu. Có thể nói, cầu Công Hòa cũng là cầu cứu dân đúng nghĩa”.

Nhung cay cau 2.jpg
Thôn Cồn Sẻ từ ngày có cầu, dân lưu thông làm ăn tốt hơn nên nhà cửa khang trang hơn

Về xã Quảng Sơn, đầu năm 2022, cầu nối thôn Thọ Hạ qua thôn Hà Sơn, được hoàn thành với 8,6 tỷ đồng, phục vụ 300 khẩu trong hốc núi.

Ông Nguyễn Văn Lành cho biết: “Cầu Hà Sơn giúp dân làng chúng tôi hơn 300 năm tồn tại hết cảnh cách trở đò giang. Cầu xây xong, "văn minh" cũng về theo, làm ăn tấn tới. Từ đây đến cả trăm năm sau, con cháu thôn Hà Sơn có cầu đi lại, học hành thuận tiện hơn trước”.

Thêm dự án định hình vùng sông Gianh

Trước đây, người dân 4 thôn Cồn Nâm, Minh Hà, Đông Thành, Tân Định (xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn) mong ước có một cây cầu. Nay cầu qua thôn Cồn Nâm được hoàn thành đã chấm dứt vĩnh viễn cảnh lụy đò nhiều đời nay. Cầu được đầu tư 85 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, phục vụ khoảng 4.000 nhân khẩu.

Chủ tịch UBND xã Quảng Minh, ông Hoàng Ngọc Thắng, cho biết, cầu đã hoàn thành, chỉ còn thi công rải nhựa đường dẫn, ô tô đã về tận làng, 4 thôn cồn đảo thông thương thuận lợi, mưa lũ sẽ được cứu hộ cứu nạn tốt hơn trước đây.

Được biết, 4 thôn này có 90% đồng bào công giáo sinh sống. Ông Nguyễn Văn Liên, một người con đi lập nghiệp xa làng về thấy cầu mới xây, xúc động: “Nay về quê không còn lụy đò, ước mơ ngàn đời đến nay mới thành hiện thực. Với cây cầu này, người dân sẽ mở mang phát triển kinh tế mạnh mẽ, làm giàu, giảm nghèo nhanh hơn trước”.

Trao đổi với ông Trương An Ninh, Bí thư Thị ủy thị xã Ba Đồn, chúng tôi được biết, trong tương lai, ngoài cầu nối Cồn Nâm với thị xã Ba Đồn thì địa phương này còn đề xuất tỉnh có phương án nghiên cứu cầu từ Cồn Nâm qua vùng Bắc Trạch (huyện Bố Trạch), liên thông xuyên suốt vùng Nam Ba Đồn với các xã của huyện Bố Trạch ven sông Gianh, tạo hành lang phát triển kinh tế cho cả Ba Đồn và Bố Trạch.

20230304_091907.jpg
Vùng Nam thị xã Ba Đồn là vùng sông nước nên cần nguồn lực đầu tư lớn cho người dân phát triển

Cũng theo lãnh đạo thị xã Ba Đồn, hiện địa phương đang đề xuất tỉnh thông qua dự án Hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết hợp đường 2 đầu cầu qua thôn Minh Tiến (xã Quảng Minh), phục vụ đi lại cho khoảng 1.500 hộ dân thôn Minh Tiến và kết nối với 2 xã miền núi Liên Trạch, Lâm Trạch (huyện Bố Trạch).

Theo ông Ninh, vốn đầu tư cần đến 100 tỷ đồng nhằm tạo hạ tầng động lực, xe ô tô đi 2 làn, ngoài phát triển bao tiêu hàng hóa còn thuận tiện phục vụ du lịch từ Ba Đồn đi vào khu vực Phong Nha - Kẻ Bàng (Bố Trạch).

Ông Đoàn Minh Thọ, Chủ tịch UBND thị xã Ba Đồn cho biết, 10 xã vùng Nam Ba Đồn còn nhiều tiềm năng phát triển, do đó, địa phương sẽ dành nguồn lực nhằm đầu tư hạ tầng, đề xuất xây thêm cầu, đường, để hơn 60.000 dân ở đây ổn định, đồng thời thu hút du lịch về lưu vực sông Gianh, phát triển kinh tế cho cả vùng.

Tin cùng chuyên mục