Chỉ cần lợi, bất chấp luật
Sáng 2-5 vừa rồi, tổ công tác của Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) số 1 (thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an ) phát hiện xe khách 42 chỗ biển số Tuyên Quang chở 69 người chạy trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Tổ đã lập biên bản xử phạt tài xế và chủ xe 69 triệu đồng với lỗi chở quá số người quy định.
Cùng ngày, đội cũng đã xử phạt trên 30 triệu đồng đối với tài xế và chủ xe khách 38 chỗ biển số Tuyên Quang chở 52 người và xe khách 42 chỗ chở 67 người trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Kỷ lục nhất phải nói đến vụ lực lượng CSGT phát hiện xe khách (chạy tuyến Thanh Hóa - Hà Nội) 45 chỗ nhưng đã nhồi nhét tới… 104 người, vượt hơn 100% sức chở của xe. Thực tế cho thấy có quá nhiều doanh nghiệp vận tải “lờn luật”, dù lực lượng chức năng đã xử lý hàng chục trường hợp vi phạm.
Theo Cục CSGT, hành vi đón khách trái quy định, nhồi nhét khách, đón trả sai vị trí của xe khách là thực trạng tồn tại nhiều năm nay. Do nhu cầu đi lại tăng cao, nhất là vào những dịp lễ tết, các đơn vị quản lý xe khách hám lợi nhuận nên bất chấp quy định của pháp luật, vô tư vi phạm dù mức xử phạt cao.
Tại anh - tại ả, tại cả đôi bên
Xung quanh vấn nạn này, không ít ý kiến cho rằng chính hành khách cũng là một phần gây nên thực trạng trên. Chính việc người dân không vào bến xe mua vé của các hãng vận tải uy tín, mà tự ý đón xe dọc đường cho tiện đã trở thành kẽ hở để các nhà xe lợi dụng.
Trong những ngày lễ, trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai hướng đi Hà Nội, hàng trăm lượt xe khách ngang nhiên dừng đậu xe. Nhiều đoạn, người dân xé luôn rào chắn để băng lên đường cao tốc chờ xe. Các nhà xe không bỏ lỡ cơ hội, khi có khách ngay lập tức tấp vào lề đường đón khách, dù rằng theo quy định các xe không được dừng đậu, đón trả khách trên tuyến cao tốc này.
Tương tự, từ đoạn đầu tỉnh Lào Cai đến Vĩnh Phúc, có đến vài chục bến đón khách tự phát. Người dân đứng hàng dài để đón được xe đi hướng Hà Nội. Chính sự thỏa hiệp, chấp nhận đi trên những chiếc xe đông đúc của hành khách phần nào dẫn đến tình trạng nhồi nhét khách.
Tuy nhiên, nhiều người cũng cho rằng tâm lý chung của phần đông người đi xe khách là muốn đi nhanh để khỏi lỡ việc và họ sẵn sàng chấp nhận cảnh nhồi nhét. Chị Nguyễn Thị Nguyệt (35 tuổi, quê Quảng Bình) kể: “Nhiều lúc lên xe rồi mình mới biết là xe bắt khách, nhồi nhét. Trên xe không còn một lối đi. Nói thật, ghê lắm nhưng nếu không đi thì không có xe và không kịp thời gian công việc. Những chuyến đường dài không phải lúc nào cũng có sẵn xe để đi, đâu phải ai cũng có nhiều lựa chọn, nhất là công nhân, sinh viên, người lao động nghèo”.
Còn anh Võ Văn Hùng (29 tuổi, quê Thừa Thiên - Huế) nói: “Tôi từng đi nhiều chuyến xe khách từ TPHCM về quê, cũng bị nhồi dữ lắm. Có lần, dịp lễ, mình phản ứng thì tài xế kêu thông cảm, mọi người nhường nhau một chút để ai cũng kịp về quê, nên nghe xuôi xuôi và ráng chịu đựng. Thật ra, không ai muốn đi trong tình trạng nhồi nhét như vậy cả. Không còn chỗ ngồi vẫn phải leo lên vì không đi thì đứng cả ngày nhiều khi cũng không có xe nào. Có người đợi mãi không được phải đi taxi, chi phí quá cao”.
Chuyện nhà xe “vì miếng cơm” mà bất chấp luật giao thông, tính mạng của hành khách, chuyện người dân thỏa hiệp với những chuyến xe “bão táp”… đã trở thành chuyện muôn thuở, dường như khó thay đổi. Cái vòng lẩn quẩn cứ thế tiếp tục, người đi cứ muốn tiện bắt xe dọc đường thì cứ sẽ có nhà xe nhồi nhét, và ngược lại.
Nếu ngành chức năng không có được những giải pháp căn cơ thì vấn nạn này vẫn là bài toán khó cho câu chuyện đảm bảo an toàn giao thông trên các cung đường.