Những công viên mọc lên từ bãi rác

Ý tưởng biến bãi rác, đất trống thành công viên cây xanh, điểm vui chơi công cộng đã dễ dàng nhận được sự đồng lòng và chung sức của cư dân. Do vậy, phường Hiệp Bình Chánh (quận Thủ Đức, TPHCM) có những công viên mọc lên từ bãi rác.

Ý tưởng hay 

Anh Trần Minh Tú, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, cho biết: “Hiệp Bình Chánh là phường có dân số đông nhất nhì TPHCM. Diện tích toàn phường chỉ 646ha, nhưng dân số chính thức đến 88.135 người, con số thực tế còn lớn hơn. Nằm ở cửa ngõ TPHCM, nơi có nhiều dự án treo, dân chủ yếu là người nhập cư nên việc tổ chức cuộc sống chưa đi vào nền nếp. Các khu đất trống dọc theo các tuyến đường Phạm Văn Đồng, quốc lộ 13, hay hành lang các kênh rạch, sông Sài Gòn bị biến thành những bãi rác lộ thiên. Hàng tuần, lực lượng trật tự đô thị và đoàn thanh niên tổ chức dọn dẹp, nhưng rồi ngay sau đó, rác lại xuất hiện trên các trục đường, trong các khu dân cư. Để giữ vệ sinh và môi trường đô thị phải bắt đầu bằng việc nâng cao ý thức của mọi người và vận động được người dân cùng tham gia. Ý tưởng biến bãi rác thành công viên xuất hiện từ đó”. 

Những công viên mọc lên từ bãi rác ảnh 1 Công viên trong khuôn viên chung cư Hiệp Bình Chánh phục vụ người dân
Bây giờ, chương trình biến bãi rác thành công viên đã được thực hiện suôn sẻ, nhưng những ngày đầu cũng gặp không ít khó khăn. Trở ngại đầu tiên là một số cán bộ băn khoăn rằng, sẽ là việc khó khả thi, vì chưa có địa phương nào thực hiện.

Trở ngại kế tiếp là tiền đâu để thực hiện khi ngân sách nhà nước hạn chế. Kinh phí để dọn rác, làm sạch kênh rạch đã khó xoay xở, nay lấy đâu ra hàng trăm triệu đồng để xây dựng công viên.

Giải pháp được chọn là xã hội hóa để huy động sức dân chung tay cùng tham gia xây dựng và quản lý, hưởng thụ. Thực tế ý tưởng này đã tìm được sự đồng thuận, do hợp ý đảng và lòng dân. 

Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh Trịnh Trọng Thành trực tiếp chỉ đạo chương trình biến bãi rác thành công viên, cặn kẽ trình bày: “Đây là 1 trong những nội dung trong 7 chương trình đột phá của TPHCM. Để ý tưởng thành hiện thực, 1 kế hoạch chi tiết 5 bước đã được đặt ra. Đầu tiên là khảo sát đánh giá tình hình. Chính quyền xây dựng chương trình kế hoạch thực hiện, tổ chức các buổi phát động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa mới. Kế tiếp là triển khai xây dựng các công viên ở các khu đất trống bỏ hoang, bãi rác. Các cán bộ tổ chức lấy ý kiến người dân, vận động, tuyên truyền chuẩn bị kinh phí với tinh thần công khai, minh bạch. Khi đã chuẩn bị xong, chính quyền thông báo rõ thời gian thi công, tiến độ công trình, lắp đặt máy tập thể dục. Bước 4 là thông báo cho người dân biết việc đưa vào sử dụng công trình, xây dựng quy chế phân công nhiệm vụ quản lý theo dõi công trình và vận động người dân tham gia sinh hoạt, hỗ trợ chăm sóc cây xanh, bảo quản các thiết bị tập thể dục ngoài  trường. Và bước cuối là tổng kết, thi đua khen thưởng”. 

Khơi sức dân để lo cho dân

Có mặt bên rạch Môn ở khu phố 5, Phó Chủ tịch Trịnh Trọng Thành xắn tay áo cùng người dân trong khu phố dọn rác, san đất chuẩn bị mặt bằng xây công viên mới. Sau 2 ngày khởi công, bãi rác ven rạch đã dọn sạch. Khuôn viên công viên 500m2 nằm bên con rạch Môn đã thành hình.

Ông Thành cho biết, nơi đây vốn là hành lang của rạch nhưng nhiều người mang rác ra đổ, tạo thành bãi rác. Công trình có trị giá xây lắp trên 200 triệu đồng. Người dân trong khu vực đóng góp sức lao động, còn Công ty in Lê Văn Lộc ủng hộ 160 triệu đồng và thiết bị tập thể dục.

Cách công viên đang xây dựng không xa, giữa khu chung cư Hiệp Bình Chánh, có 1 công viên đã đưa vào sử dụng mấy tháng nay. Công viên 400m2, khang trang, sạch đẹp được thành hình trên bãi đất trống đầy cỏ và rác. Sáng sớm hay chiều, công viên luôn đông đúc cư dân đến vui chơi, giải trí. 

Khi lòng dân đã thuận, chỉ 1 ý tưởng, chương trình biến bãi rác thành công viên ở phường Hiệp Bình Chánh đã thu được kết quả khả quan. Trên địa bàn phường đã có  6 công viên cây xanh xây dựng xong, đưa vào hoạt động tại các khu phố: 1, 2, 5, 6, 7 và 3 công viên đang triển khai xây dựng. Các công viên nhỏ có diện tích chừng 100m2; cũng có công viên lớn đến 800m2.

Trong các công viên, ngoài ghế đá cho người dân ngồi nghỉ ngơi còn có 21 máy tập thể dục. Tổng kinh phí trên 1 tỷ đồng, trong đó gồm 899 triệu đồng dành cho xây dựng và 203 triệu đồng lắp đặt máy tập thể dục; người dân tham gia hàng trăm ngày công. Toàn bộ kinh phí đều huy động theo hình thức xã hội hóa. 

Ông Trần Dương, Bí thư Chi bộ Khu phố 6, cho biết: “Khu phố 6 có 20.000 dân, các công trình phúc lợi chưa nhiều. Khu phố đã nỗ lực đi đầu trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người nghèo đến vệ sinh kênh rạch, làm sạch môi trường. Khi phường phát động chương trình biến bãi rác, đất trống thành công viên, Khu phố 6 đã tiên phong. Thành quả thu được không chỉ là 1 công viên, khu vui chơi phục vụ người dân, mà điều quan trọng hơn là ý thức người dân thay đổi dần. Nay người dân rất có ý thức đoàn kết xây dựng nếp sống mới”. 

Tin cùng chuyên mục