Những “cuộc gặp” không ngẫu nhiên

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tiếp lãnh đạo cấp cao của 2 tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới là ông Rory Sexton, Phó Chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng của Apple và ông Alex Rogers, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn Qualcomm kiêm Chủ tịch Qualcomm Technology Licensing. 

Cùng thời gian này là các chuyến thăm và làm việc chính thức giữa lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn Hitachi và Tập đoàn Canal + với lãnh đạo Bộ TT-TT.

Trong năm 2019, lãnh đạo cấp cao của Facebook và Google cũng đã đến Việt Nam, trực tiếp làm việc với lãnh đạo Bộ TT-TT để giải quyết những vấn đề còn vướng mắc giữa các bên. Các hoạt động này không hề diễn ra “ngẫu nhiên”, khi thời gian qua, các hãng công nghệ của thế giới đều xem Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn cũng như là môi trường tốt để có thể thực hiện các chiến lược đầu tư phát triển dài hạn của mình.

Hiện nay, Apple đang có khoảng 30 đối tác là các nhà cung cấp linh kiện cho sản phẩm của Apple tại Việt Nam (trên tổng số 1.200 nhà cung cấp tại khu vực châu Á); tuy nhiên, những nhà sản xuất các linh kiện quan trọng nhất cho Apple đều đang đặt tại Việt Nam. Trong những năm tới, dự kiến tổng lượng hàng mà các nhà cung cấp tại Việt Nam sản xuất cho Apple sẽ tiếp tục gia tăng.

Trong cuộc gặp Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, ông Rory Sexton đã bày tỏ mong muốn thường xuyên có những cuộc gặp gỡ, trao đổi với lãnh đạo Bộ TT-TT để cập nhật tình hình hoạt động của Apple tại Việt Nam, đồng thời có được sự hỗ trợ từ bộ này, nếu có những khó khăn, vướng mắc trong tiến trình hoạt động. Với Qualcomm, tập đoàn này trong nhiều năm qua đã có những quan hệ hợp tác chặt chẽ với các nhà mạng viễn thông cũng như doanh nghiệp Công nghệ thông tin - Truyền thông (ICT) Việt Nam.

Trong những năm qua, với nhiều đột phá về chính sách và hạ tầng, Việt Nam ngày càng khẳng định được vị thế trong làng công nghệ thế giới. Việc Samsung liên tiếp mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển ở Việt Nam; Intel duy trì nhà máy sản xuất chip; LG tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất các thiết bị điện tử ở Việt Nam… đã nói lên điều đó. Với hơn 50.000 doanh nghiệp ICT và hơn 1 triệu kỹ sư ICT, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng hợp tác với các hãng công nghệ lớn của thế giới.

Thông qua những doanh nghiệp công nghệ lớn của Việt Nam như Viettel, VNPT, FPT, CMC, hay qua những công ty công nghệ nhỏ hơn; sự tham gia nhiều mặt, kể cả đầu tư lớn của các tập đoàn công nghệ lớn thế giới vào quá trình định hình phát triển công nghệ cao ở Việt Nam ngày càng rõ nét. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ sinh thái của các tập đoàn công nghệ lớn như Samsung, Apple.

Ngay như với việc phát triển mạng viễn thông thế hệ 5G, Qualcomm đã chia sẻ với Bộ TT-TT về tình hình phát triển công nghệ 5G trên thế giới, xu thế hợp nhất các nhà sản xuất thiết bị viễn thông, cũng như giải pháp dài hạn, ngắn hạn của các quốc gia trên thế giới liên quan đến triển khai 5G.

Tháng 9-2020, Viêt Nam sẽ đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh và Triển lãm thế giới số 2020 (ITU Digital World 2020). Đây sẽ là một bước tiến mới khẳng định vị thế Việt Nam trong làng công nghệ thế giới.

Tin cùng chuyên mục