Những cuộc gọi khẩn cấp

Sau khi thông tin về chương trình “Xe gạo nghĩa tình” do Báo SGGP phát động, với sự tài trợ 110 tấn gạo của Tập đoàn Tân Long, được đăng tải, đường dây nóng Báo SGGP đã tiếp nhận nhiều cuộc gọi, tin nhắn khẩn thiết đề nghị hỗ trợ từ công nhân, người lao động ở các khu vực bị cách ly, phong tỏa. Báo SGGP lập tức chuyển thông tin đến Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Thủ Đức cùng các quận, huyện để xác minh, cứu giúp.
Những phần quà từ “Xe gạo nghĩa tình” của Báo SGGP được trao tận tay người lao động khó khăn. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Những phần quà từ “Xe gạo nghĩa tình” của Báo SGGP được trao tận tay người lao động khó khăn. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Kịp thời tiếp tế hàng hóa

Ngày 15-7, anh Vũ Đức Cường (ngụ tại khu phố 1, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM) gọi đến đường dây nóng, giọng đầy lo lắng: “Em và anh chị em công nhân, lao động tự do tại khu nhà trọ 14 phòng bị cách ly y tế đã cạn thức ăn rồi. Em hỏi hết các phòng, ai còn nhiều lắm là 1kg gạo, còn lại chỉ có vài gói mì. Xin hãy giúp chúng em!”. Bộ phận tiếp nhận thông tin liền liên lạc với Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 7 và Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận 7. Ngay buổi chiều cùng ngày, lương thực thiết yếu đã được chuyển đến tay người lao động trong khu nhà trọ này.

Ông Võ Khắc Bình, Chủ tịch LĐLĐ quận 7, cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh của Báo SGGP và một số nguồn tin khác về việc người dân, công nhân, người lao động sống sâu trong các hẻm nhỏ bị thiếu lương thực, thực phẩm trong thời gian phong tỏa, Ủy ban MTTQ Việt Nam và LĐLĐ quận đã khẩn trương chuyển quà đến tay người đang cần. Mỗi phần quà gồm 5kg gạo A An, 1 thùng mì cùng một số nhu yếu phẩm và rau củ.

Tương tự, lời khẩn thiết mong được hỗ trợ của chị Lê Thanh Ngọc, công nhân Công ty giày Thượng Đình, cũng được Báo SGGP nhanh chóng chuyển đến Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn. Chị Ngọc cho biết, nhà máy có người mắc Covid-19, chị và những công nhân ở các bộ phận không liên quan, không có tiếp xúc với F0 được thông báo về cách ly tại nhà. Vừa bước vào căn phòng trọ tầm 10m2 tại xã Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn), người mẹ có hai con nhỏ bàng hoàng khi thấy toàn bộ khu nhà trọ bị giăng dây phong tỏa vì có ca mắc. Vậy là hơn 300 người ở 100 phòng trọ rơi vào cảnh ngơ ngác, bởi lâu nay mọi người lo đi làm, chưa ai kịp chuẩn bị thực phẩm dự trữ. “Nghĩ đến 14 ngày tới không biết lấy gì để ăn, nhất là những đứa trẻ, tôi và nhiều người lo âu. Thực tế, chỉ bữa cơm chiều nay và ngày mai thôi chúng tôi đã lo lắng lắm rồi”, chị Ngọc chia sẻ.

Đại diện Báo SGGP cũng chuyển các hoàn cảnh ấy đến Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn nhờ hỗ trợ. Vậy là những phần gạo, mì gói, trứng, nhu yếu phẩm, thậm chí cá tươi và rau, được tiếp tế đến công nhân lao động ngay trong ngày.

Linh hoạt hình thức chăm lo

Công tác chăm lo cho người dân, nhất là người khó khăn, trong các khu phong tỏa luôn được các ngành, các cấp quan tâm. Với sự chung tay của các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, nhiều chương trình đã được khởi xướng với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn Trương Thị Mỹ Hạnh cho biết, ngoài chương trình “Xe gạo nghĩa tình” phối hợp với Báo SGGP trao gạo, nhu yếu phẩm kịp thời đến người lao động ở các khu phong tỏa, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể huyện, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hóc Môn đã vận động 125 tấn gạo, 4.800 thùng mì gói, 18.000 quả trứng (gà, vịt) và hàng ngàn nhu yếu phẩm thiết yếu trị giá khoảng 16,5 tỷ đồng để chăm lo cho hơn 42.700 hộ nghèo, hộ cận nghèo, người khuyết tật, lao động tự do, hộ dân trong các khu vực bị phong tỏa có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hóc Môn còn phối hợp các nhóm thiện nguyện tổ chức “Chương trình ATM gạo - Túi gạo tình thương”, “Phiên chợ 0 đồng”, “Gian hàng 0 đồng”... để người dân khó khăn được cung cấp nhu yếu phẩm thiết yếu nhất.

Theo đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5, thời gian qua, quận 5 cũng nhận được nhiều khoản hỗ trợ, đóng góp để chăm lo cho người dân trên địa bàn. Bên cạnh hỗ trợ người dân nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, quận 5 còn tổ chức chăm lo cho các cựu thanh niên xung phong, ban công tác mặt trận, sinh viên khó khăn. Đến nay, bằng nhiều hình thức, Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 5 đã chăm lo cho gần 1.000 hộ khó khăn.

Đại diện Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Bình Thạnh chia sẻ: Từng thời điểm, quận đã linh hoạt tổ chức các hoạt động kịp thời hỗ trợ người dân. Từ xe gạo, ATM gạo, đến gian hàng 0 đồng, tủ lạnh bao rộng,... với cùng mục tiêu là nhu yếu phẩm, hàng hóa thiết yếu được trao kịp thời đến tay người đang cần, nhất là người dân trong các khu cách ly, phong tỏa.

Việc các địa phương triển khai gói hỗ trợ và chăm lo đã giúp người dân phần nào bớt đi nỗi lo thiếu thốn. Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm liên tục được chuyển đến các hộ dân từ chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhà hảo tâm còn thể hiện tinh thần tương thân tương ái, nghĩa tình của người dân TPHCM

Tin cùng chuyên mục