Những điều thú vị trong các ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của Phạm Tuyên

Ngày 18-2, tại Hà Nội, ở buổi giao lưu và ra mắt sách "Bài hát lớn lên cùng con" - tác giả Phạm Hồng Tuyến kể về hoàn cảnh sáng tác và những điều thú vị xung quanh hơn 20 ca khúc thiếu nhi nổi tiếng của cha mình đó là nhạc sĩ Phạm Tuyên.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, con gái Phạm Hồng Tuyến cùng khán, thính giả có những giây phút giao lưu ấm áp
Nhạc sĩ Phạm Tuyên, con gái Phạm Hồng Tuyến cùng khán, thính giả có những giây phút giao lưu ấm áp

Nhạc sĩ Phạm Tuyên - cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, chỉ riêng mảng sáng tác dành cho thiếu nhi, ông cũng đã giữ một vị trí quan trọng mà không phải nhạc sĩ nào cũng có được.

Nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam thuộc lòng những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên như Cô và mẹ, Trường cháu là trường mầm non, Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ...

Nhiều thế hệ thiếu nhi Việt Nam thuộc lòng những bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên như Cô và mẹ, Trường cháu là trường mầm non, Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ...

Mỗi bài hát thiếu nhi của Phạm Tuyên giống như một món quà thuần khiết, hồn hậu của người bố dành tặng con gái và bạn bè của con để rồi với tình thương yêu trong trẻo, tất cả đã lan tỏa, trở thành bài ca của các thế hệ thiếu nhi…

Kí ức của cô bé Phạm Hồng Tuyến gắn với những bài hát của bố, năm tuổi thu thanh bài Đêm pháo hoa mừng cái “tết thanh bình đầu tiên sau bao năm chiến tranh”. Trường cháu là trường Mầm non là bài hát bố Phạm Tuyên viết tặng trường con gái Phạm Hồng Tuyến học, giờ trở thành bài “Mầm non ca” cùng với Cả tuần đều ngoan bé nào cũng hát và người lớn đều thuộc. Rồi khi Hồng Tuyến vào lớp một và lớn dần lên, bố Phạm Tuyên lại viết Chúng em là học sinh lớp một, Ở trường cô dạy em thế, rồi Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội, Theo cánh đu bay…

Chia sẻ về ca khúc Tiễn thầy giáo đi bộ đội, tác giả Phạm Hồng Tuyến kể, năm 1979, cô học lớp 4, khi đó chiến sự xảy ra ác liệt trên toàn biên giới sáu tỉnh phía Bắc và lệnh Tổng động viên được ban ra. Thầy giáo dạy Văn của cô tên Việt cũng có trong danh sách nhập ngũ. Vẫn biết đó là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc song cả lớp cũng nhao nhác vì sắp phải chia tay thầy. Trong giờ ăn tối hôm đó, Hồng Tuyến đã kể chuyện này cho bố mẹ. Khi ấy bố nghe rất chăm chú, thi thoảng hỏi han vài điều. Bất ngờ là chỉ vài hôm sau, ông đưa cho con một bản nhạc viết tặng cho thầy giáo chúc thầy lên đường mạnh giỏi.

Bài hát bắt đầu thật giản dị “Ngày mai thầy lên đường/ Đi làm anh bộ đội/ Tạm biệt mái trường xinh để lên miền biên giới…”. Bài hát này sau đó đã vang lên trên làn sóng Đài tiếng nói Việt Nam, đã bay khắp cả nước đến với nhiều lớp học, nơi có các thầy giáo lên đường ra trận… Bài ca nhỏ ấy đã trở thành kỷ niệm tuổi thơ của bao các bạn cùng lứa.

Bài ca "Tiễn thầy giáo đi bộ đội" đã trở thành kỷ niệm tuổi thơ của bao các bạn cùng lứa

Bài ca "Tiễn thầy giáo đi bộ đội" đã trở thành kỷ niệm tuổi thơ của bao các bạn cùng lứa

“Tiễn thầy giáo đi bộ đội” là một trong sáu ca khúc bố tôi viết thời chiến tranh biên giới phía Bắc. Nếu như “Chiến đấu vì độc lập tự do”- bài hát thường được gọi với cái tên khác là “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới” là khúc tráng ca cùng lời kêu gọi vang động hồn thiêng sông núi, Tiếng đàn bên bờ sông biên giới da diết, sâu lắng thì Tiễn thầy giáo đi bộ đội lại là bài ca thủ thỉ trong sáng với nét tươi trẻ của lớp măng non.

Chia sẻ về ca khúc đặc biệt này, nhà báo Tạ Bích Loan xúc động nói, có rất nhiều cuộc chia ly, tiễn người lính ra mặt trận song bài “Tiễn thầy giáo đi bộ đội” với ngôn ngữ trong trẻo, giản dị đã chạm tới trái tim của người nghe, đặc biệt là con trẻ. Bài hát thiếu nhi nhưng lại chuyển tải thông điệp sâu sắc về ý chí của dân tộc. Khi đất nước lâm nguy thì những người thầy cũng sẵn sàng xếp giáo án lên đường bảo vệ tổ quốc. Những câu chuyện của con trẻ nhưng mang âm hưởng, mang dấu ấn của cuộc sống đương thời.

Trong “Bài hát lớn lên cùng con”, bên cạnh những mẩu chuyện là một số hình ảnh tư liệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên, gia đình, người thân, bút tích viết tay của một số bài hát

Trong “Bài hát lớn lên cùng con”, bên cạnh những mẩu chuyện là một số hình ảnh tư liệu về nhạc sĩ Phạm Tuyên, gia đình, người thân, bút tích viết tay của một số bài hát

Đến với “Bài hát lớn lên cùng con”, người đọc sẽ gặp một “khung trời hoài niệm” về các bài hát như những lát cắt sinh động về cuộc sống sinh hoạt, chuyện trường lớp, chuyện sơ tán, chuyện ở khu tập thể… của người Hà Nội những năm 70, 80 của thế kỉ trước. Với những “khuôn hình” hồi ức, chúng ta có thể hiểu thêm về một giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó không chỉ là câu chuyện của một cô bé Hà Nội lớn lên trong thời bao cấp, đó còn là câu chuyện của một thế hệ và đặc biệt đó là những nốt nhạc nhỏ xinh trên khuôn nhạc lớn rộng của tâm hồn người Việt Nam.

Đặc biệt hơn, gần tựa đề mỗi bài hát trong cuốn sách đều được gắn một mã QR code, người đọc có thể quét bằng điện thoại thông minh để nghe hoặc xem clip bài hát được thu âm, có những bài “nguyên gốc” từ tư liệu hiếm có, rất sống động.

Tin cùng chuyên mục