Những “kho thuốc” chực nổ ở khu dân cư - Ai chịu trách nhiệm?

Vấn đề đặt ra là ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trước việc có rất nhiều cơ sở thu mua, tái chế phế liệu vẫn ngày ngày hoạt động và nằm xen kẽ trong các khu dân cư mà không có các biện pháp bảo đảm an toàn?

Gần 2 năm đã trôi qua nhưng người dân cả nước vẫn chưa thể quên được vụ nổ kinh hoàng đã xảy ra tại khu đô thị mới Văn Phú (ở Hà Đông, Hà Nội) vào tháng 3-2016 làm 5 người chết cùng hàng chục người khác bị thương và hơn 30 căn hộ hư hỏng chỉ vì một cơ sở thu mua phế liệu ở đây dám đùa với "tử thần" khi cưa bom để lấy thuốc nổ.

Thế nhưng vụ nổ này chưa phải là những gì khủng khiếp nhất, đau xót nhất do bom đạn giữa thời bình gây ra.

Cho tới thời điểm này, người dân ở thôn Quan Độ, xã Văn Môn, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vẫn đang rất bàng hoàng, kinh hãi về vụ nổ khủng khiếp xảy ra vào sáng sớm 3-1 tại một điểm tập kết phế liệu của một cơ sở thu phế liệu trong thôn Quan Độ làm 11 người thương vong và rất nhiều ngôi nhà bị phá hủy, hư hỏng nặng.

Từng được xem là một làng đại gia, làng tỷ phú nhờ nghề thu mua phế liệu nhưng sau vụ nổ, cảnh làng xóm ở Quan Độ bị cày xới ngổn ngang, tan hoang và cũng rất tang thương.

>> Hiện trường vụ nổ. Clip: HOÀNG TĨNH

Rõ ràng, qua vụ nổ lớn xảy ra tại thôn Quan Độ, một làng nghề nổi tiếng về thu gom, tái chế phế liệu lớn nhất nhì miền Bắc, và không ít các vụ cháy, nổ khác xảy ra ở nhiều địa phương khác do bom, đạn, chất nổ gây ra cho thấy việc quản lý vật liệu nổ, vũ khí hiện nay còn nhiều lỗ hổng chết người.

Qua đó cũng là hồi chuông báo động về tình trạng tràn lan các cơ sở thu mua, tái chế phế liệu nằm trong các khu dân cư ở nhiều tỉnh thành trong cả nước.

Thống kê của UBND huyện Yên Phong, chỉ riêng xã Văn Môn nhưng đã có tới hơn 100 doanh nghiệp tư nhân kinh doanh phế liệu, cùng với đó là rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình cũng tham gia vào việc thu gom, tái chế phế liệu, khiến chính quyền địa phương và cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát.

Vì vậy chỉ riêng một cơ sở của ông Nguyễn Văn Tiến (54 tuổi, ở thôn Quan Độ, chủ cơ sở có điểm tập kết phế bị nổ lớn vào sáng 3-1) dễ dàng thu mua và cất trữ được tới 7 tấn đạn và đầu đạn cũ loại 12 ly 7 và 14 ly 5 để tháo dỡ lấy phế liệu, chẳng khác gì là một kho thuốc nổ giữa khu dân cư.  

Những “kho thuốc” chực nổ ở khu dân cư - Ai chịu trách nhiệm? ảnh 1 Vụ nổ lớn ở thôn Quan Độ đã làm hư hỏng, thiệt hại nhà cửa, tài sản của  nhiều hộ dân nơi đây

Thống kê của Bộ Công an, tính hết năm 2017, cả nước đã xảy ra trên 3.000 vụ cháy, nổ, làm chết hơn 75 người và trên 150 bị thương, trong đó có nhiều vụ cháy, nổ có nguyên nhân từ vũ khí, bom mìn, súng đạn còn sót lại sau chiến tranh, cùng với là sự chủ quan, thiếu hiểu biết, hoặc cố tình vi phạm các quy định về việc quản lý, sử dụng vật liệu cháy nổ của không ít cá nhân.

Trong khi đó, thu mua, tái chế phế liệu là hình thức kinh doanh, sản xuất mà pháp luật không cấm nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các điều kiện bảo đảm an toàn về cháy nổ và môi trường.

Tuy nhiên, trước tình trạng bùng phát tràn lan nhiều cơ sở kinh doanh, thu mua, tái chế phế liệu không tuân thủ các quy định về môi trường, phòng chống cháy nổ đang là những mối đe dọa nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân.

Hơn nữa, vấn đề đặt ra là ai, cơ quan nào chịu trách nhiệm trước việc có rất nhiều cơ sở thu mua, tái chế phế liệu vẫn ngày ngày hoạt động và nằm xen kẽ trong các khu dân cư mà không có các biện pháp bảo đảm an toàn?

Và trong trường hợp xảy ra cháy nổ, tai nạn thảm khốc thì ai sẽ chịu trách nhiệm trước tính mạng và tài sản của người dân?

Những “kho thuốc” chực nổ ở khu dân cư - Ai chịu trách nhiệm? ảnh 2 Thôn Quan Độ trở nên hoang tàn, xơ xác sau vụ nổ khủng khiếp ở một điểm tập kết thu mua phế liệu trong thôn
Những “kho thuốc” chực nổ ở khu dân cư - Ai chịu trách nhiệm? ảnh 3 Vụ nổ  thảm khốc ở thôn Quan Độ đã cày xới đất đai, hư hỏng nhà cửa và làm thương vong 11 người  dân 

Trước những mối nguy hiểm từ bom, mìn, vật liệu nổ đang đe dọa cuộc sống người dân, đòi hỏi Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp cần triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế tới mức thấp nhất hậu quả từ bom, mìn, vật liệu nổ gây ra.

Trong đó, cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để cán bộ, người dân chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật và tham gia phòng ngừa, đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan vũ khí, vật liệu nổ.

Tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương trong việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát tình trạng thu gom, tàng trữ, mua bán, sử dụng trái phép bom, mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Đồng thời, phải có chế tài xử lý nghiêm đối với mọi trường hợp mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, tàng trữ vật liệu nổ, cũng như có hình thức xử lý nghiêm đối với các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm, chức năng quản lý nhưng lại buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, kiểm soát để xảy ra vi phạm, đe dọa tới sự an toàn của người dân và xã hội.

Tin cùng chuyên mục