Những mối đe dọa trong tương lai

Theo thông báo mới nhất của Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace, nước Anh dự kiến cắt giảm biên chế của lực lượng quân đội từ 76.500 xuống còn 72.500 vào năm 2025 nhằm tập trung xây dựng lực lượng quân sự để đối phó tốt hơn với những “mối đe dọa trong tương lai”. 
 Thiết giáp Warrior được triển khai trong quân đội Anh. Ảnh: REUTERS
Thiết giáp Warrior được triển khai trong quân đội Anh. Ảnh: REUTERS

Quân số giảm bớt nhưng quân đội Anh sẽ nâng cấp trang thiết bị quân sự để hoạt động tốt hơn.

Đây là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại và quốc phòng thời hậu Brexit của London vừa được công bố. Theo tiết lộ của tờ The Guardian và The Sun tuần trước, nước Anh sẽ tìm cách nâng số lượng đầu đạn hạt nhân từ 180 lên 260 vào giữa thập niên này.

Trong những năm gần đây, London ngày càng có những xung đột với cả Moscow và Bắc Kinh, liên quan đến các vấn đề gián điệp, tấn công mạng, nhân quyền... Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng khẳng định chi tiêu ngân sách quốc phòng Anh sẽ vẫn giữ ở mức 2,2% GDP, cao hơn đáng kể so với yêu cầu đặt ra của NATO.

Tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 không khiến các nước gắn kết hơn, thấu hiểu hơn mà sự cạnh tranh (trong đó có cả những đòn đe nẹt về kinh tế) và dè chừng lẫn nhau, lại đang lớn dần lên và không dập tắt cuộc chạy đua vũ trang nhằm cạnh tranh chiến lược. Việc các nước như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia... đang dốc sức ưu tiên cho chiến lược về quân sự, quốc phòng thông qua ngân sách quốc phòng không ngừng tăng lên, một dấu hiệu cho thấy môi trường an ninh đang trở nên xấu đi.

Ví dụ, ngân sách cho quốc phòng năm 2021 của Nhật Bản sẽ ở mức kỷ lục gần 52 tỷ USD, tăng 1,1% so với năm 2020. Mục tiêu của Nhật Bản là phân bổ nguồn lực chế tạo chiến đấu cơ tàng hình mới và mua tên lửa chống hạm tầm xa - dấu hiệu cho thấy Tokyo đang trên đà đạt được khả năng ngăn chặn các mối đe dọa an ninh từ bên ngoài. Tương tự, Ấn Độ cũng đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng với mức tăng 1,4%, từ 64,5 tỷ USD của tài khóa 2020-2021 lên 65,44 tỷ USD cho tài khóa 2021-2022. Trung Quốc tăng ngân sách quốc phòng năm 2021 thêm 6,8%, lên mức 1.350 tỷ nhân dân tệ (209 tỷ USD), nhanh hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế trong năm ngoái (chỉ ở mức 2,3%).

Môi trường an ninh khu vực đang dần xấu đi khi các quốc gia đối thủ muốn dùng sức mạnh quân sự như một vũ khí răn đe đối phương. Giới quan sát nhận định, trong ngắn hạn, ít có khả năng xu thế này sẽ đảo chiều và chi tiêu quân sự trên thế giới sẽ tiếp tục tăng.

Tin cùng chuyên mục