
Đêm 24 rạng ngày 25-8-1945, lực lượng khởi nghĩa Sài Gòn - Chợ Lớn đồng loạt đánh vào các cơ quan công sở bị chiếm đóng ở Sài Gòn. Trong đội ngũ đoàn viên Nghiệp đoàn và Thanh niên Tiền phong tham gia ngày tổng khởi nghĩa ấy có ông Trần Văn Ngà, nguyên là thanh niên tiền phong. Đã 63 năm trôi qua nhưng ông không thể quên những giây phút tay cầm tầm vông, người giắt dao găm, hừng hực khí thế tham gia khởi nghĩa…

Bác sĩ Trần Văn Ngà vẫn hàng ngày ghi chép lại ký ức.
1. Quê ở xứ dừa (Bến Tre), Trần Văn Ngà lên Sài Gòn học từ nhỏ. Năm 1938, ông xin vào làm thư ký ở nhà băng Đông Dương. Ông kể: “Lúc bấy giờ tôi đã biết thế nào là cách mạng đâu. Lâu lâu có nghe người dân xì xầm hai chữ Việt Minh nhưng tôi cũng không tìm hiểu vì mình xuất thân từ học sinh rồi đi làm chỉ mong kiếm sống. Chỉ có một điều chắc chắn là, tôi cũng như rất nhiều người dân Sài Gòn lúc ấy căm thù giặc Tây đến tận xương tủy bởi chúng quá coi thường người Việt ta. Đau nhất là khi chúng gọi ta là “Annamite” một cách miệt thị”.
Rồi một hôm, một đồng nghiệp lớn tuổi tên là Nguyễn Văn Hằng đưa Ngà một quyển truyện nhỏ có tên “Bước đường cùng” của tác giả Nguyễn Công Hoan rồi dặn: “Cậu nên xem truyện này nhưng nhớ đừng để người ngoài phát hiện báo cho Tây bởi đây là truyện cấm”. Nghe lời dặn, Ngà đọc quyển truyện. Anh đọc đi đọc lại đến ba lần và lòng căm thù giặc lại càng sục sôi hơn bao giờ hết.
Một ngày đầu năm 1945, thấy các đồng nghiệp chuyền tay nhau vài bức hình, anh cũng tìm đến xem chung. Đó là những bức hình khốc liệt về nạn đói ở Thái Bình và Nam Định, nạn đói đã cướp đi biết bao sinh mệnh của đồng bào miền Bắc. Anh lặng im và suy nghĩ, mình phải làm gì đó.
Rồi “ban kịch sinh viên Sài Gòn” được thành lập với những Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Bùi Kim Bích… Trần Văn Ngà cũng xin gia nhập ban kịch với công việc chính là đi quyên góp giúp đồng bào bị nạn đói ở miền Bắc. Hơn ai hết, ông lại càng hiểu, ở những thanh niên nắm vai trò chủ chốt trong ban kịch kia, có cái gì đó khang khác những thanh niên bình thường khác. Vì họ cũng như ông, căm thù giặc đến tận xương tủy.
2. Khi Nhật hất cẳng Pháp ở Nam bộ, chúng mưu đồ lập một tổ chức thanh niên để huy động lực lượng trẻ tuổi Sài Gòn về làm việc cho chúng. Nắm bắt ý đồ này, một nhóm thanh niên yêu nước đã thành lập tổ chức Thanh niên Tiền phong. Anh Phạm Ngọc Thạch, một thanh niên yêu nước giữ vai trò chủ tịch. Trần Văn Ngà làm đoàn trưởng đoàn Nguyễn Tri Phương, một nhánh của lực lượng Thanh niên Tiền Phong. Khoác áo thân Nhật nhưng đoàn viên của Thanh niên Tiền phong lại làm việc chống Nhật! Ngày ngày, tổ chức vẫn họp nhưng chủ yếu là nghe phổ biến tình hình chung và bàn các biện pháp chống Nhật.
Ngày 19-8-1945, Cách mạng Tháng Tám thành công ở miền Bắc. Không lâu sau, lệnh khởi nghĩa được ban bố trong đội ngũ những người thanh niên trẻ tuổi. Ngày khởi nghĩa cũng được ấn hành: 25-8, ngay sau khởi nghĩa ở Huế 2 ngày. Ai cũng hồi hộp chờ ngày Sài Gòn nổi dậy.
Nhiều cánh quân của Nghiệp đoàn, Thanh niên Tiền phong với những khuôn mặt trẻ tuổi tập trung lại từ khắp ngõ ngách của Sài Gòn. 19 giờ ngày 24-8, lực lượng khởi nghĩa bắt đầu đánh chiếm các trụ sở lớn bị chiếm đóng. Tòa đô chính, Sở Cảnh sát, Nhà đèn, đồn, bót… đều thấy người của lực lượng khởi nghĩa. Ở một khu vực ở quận 1, thanh niên thuộc đoàn Nguyễn Tri Phương do Trần Văn Ngà dẫn đầu giữ vai trò cảnh giới. Tay ai cũng lăm lăm ngọn tầm vông, bên hông dắt dao găm chờ đợi giây phút thắng lợi…
Đến sáng hôm sau, cả triệu người dân Sài Gòn - Chợ Lớn tiến về nội thành Sài Gòn với khí thế bừng bừng. Những khẩu hiệu, nụ cười hiện diện khắp nơi...
Sau Cách mạng Tháng Tám, Trần Văn Ngà tập kết ra Bắc, được đào tạo thành một bác sĩ. Hiện nay ông Ngà đang sống cùng con cháu tại TPHCM.
Thạch Thảo