Những nghiên cứu thầm lặng

Trung tâm Hạt nhân TPHCM

Là cơ sở nghiên cứu đặt tại TPHCM, Trung tâm Hạt nhân TPHCM gắn liền với các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, triển khai dịch vụ trong lĩnh vực kỹ thuật hạt nhân và các kỹ thuật phi hạt nhân khác có liên quan; nghiên cứu và triển khai về an toàn bức xạ, về an toàn hạt nhân và môi trường; nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghệ sinh học, nông nghiệp, y tế…

Có thể nói nhiệm vụ của trung tâm khá nặng nề và các hoạt động gắn liền với nhiệm vụ ấy cũng khá âm thầm, nên trong dịp kỷ niệm 30 thành lập Trung tâm hạt nhân TPHCM, Tiến sĩ Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm hạt nhân TPHCM cho biết đơn vị có vai trò luôn gắn liền với đời sống kinh tế xã hội của TPHCM và cả khu vực.

Điều này khá rõ qua công tác kiểm tra chất thải phóng xạ của một cơ sở hạt nhân, đang là mối quan tâm hàng đầu trên cả hai phương diện: quản lý chất thải và bảo vệ an toàn. Đáng nói việc kiểm soát chất thải phóng xạ đã được triển khai ở nước ta nhưng áp dụng các kỹ thuật không phá hủy để đo hoạt độ gam-ma, kiểm tra chất thải phóng xạ vẫn còn là vấn đề mới mẻ.

Trước thực tế này trung tâm đã làm chủ được kỹ thuật phổ kế gam-ma trong việc kiểm tra chất thải phóng xạ bằng phương pháp quét gam-ma phân đoạn (Segmented Gamma Scanning Technique-SGS) và kỹ thuật dùng hai đề-tếc-tơ đồng nhất. Các kết quả nghiên cứu đã được áp dụng để kiểm tra một số thùng thải phóng xạ rắn của lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt…

Gắn liền với đời sống xã hội còn là những nghiên cứu và triển khai áp dụng trong lĩnh vực sinh học, nông nghiệp. Theo Tiến sĩ Trần Quốc Dũng, với chức năng ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong sinh học và nông nghiệp nên trung tâm đã nghiên cứu các đồng vị đánh dấu như P-32, N-15… trong hấp thu và chuyển hóa phân bón của thực vật với hệ đất - phân - cây trồng.

Qua đó đã thành công trong việc sử dụng phân bón hiệu quả cho cây trồng ở đồng bằng sông Cửu Long, khu vực TPHCM, Đồng Nai... và được Trường Đại học Cần Thơ, Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam ký hợp đồng dịch vụ với đơn vị trong phân tích đồng vị N-15, phục vụ các chương trình nghiên cứu về phân bón cho các loại cây trồng trên các nền đất khác nhau.

Trung tâm cũng đã có các chương trình hợp tác với Viện Khoa học nông nghiệp Miền Nam, Viện Di truyền nông nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm, Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng nghiên cứu đột biến chọn tạo giống cây trồng bằng phương pháp chiếu xạ và sinh học phân tử và đã tạo được các dòng biến có triển vọng trên hoa lan, mè, mía... và các giống lúa đột biến có năng suất cao và phẩm chất tốt được trồng với diện tích lớn.

TẤN BA

Tin cùng chuyên mục