Những ngôi nhà ấm tình đồng đội

Những ngôi nhà ấm tình đồng đội

Mỗi năm, từ sự góp sức của bạn đọc khắp nơi, Báo SGGP đã xây và trao tặng hàng chục, có khi hàng trăm căn nhà tình nghĩa, tình thương cho các gia đình chính sách và gia đình nghèo. Buổi lễ bàn giao nhà lần nào cũng đầy ắp xúc động.

Trong buổi trao tặng nhà tình thương mới đây tại hai tỉnh Tây Ninh và Tiền Giang, ngoài nỗi hân hoan của cả người trao và người nhận, những người chứng kiến đã rưng rưng xúc động trước nghĩa tình của những cựu binh dành cho những đồng đội còn nghèo khó hoặc những đồng đội đã hy sinh của mình.

Những ngôi nhà ấm tình đồng đội ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Lan (trái) và bà Huỳnh Thị Lánh, chị liệt sĩ Huỳnh Văn Minh tại buổi lễ bàn giao nhà. Ảnh: H.T.

Phát biểu trong buổi lễ nhận nhà, anh Phạm Văn Bạch ở huyện Bến Cầu tỉnh Tây Ninh, đã xúc động đến nỗi không nói trọn một câu cảm ơn. Anh Bạch xúc động cũng phải, bởi, ở cái tuổi 55, một thân một mình, không nhà cửa, lang thang bán vé số dạo khắp nơi, cha mẹ anh chị em cũng qua đời không còn ai. Cuộc sống bấp bênh làm anh mang nhiều chứng bệnh trong người.

Thương cảnh sống cô đơn của người cựu công nhân hậu đài Đoàn Văn công Giải phóng năm xưa, những đồng đội cũ của anh đã góp tiền giúp anh chữa bệnh. Cũng là một cựu binh, bà Nguyễn Thị Lan, một bạn đọc của Báo SGGP đã xúc động khi đọc bài báo viết về anh Bạch và đã nhận tài trợ tiền xây tặng anh căn nhà làm chỗ trú ngụ những năm tháng cuối đời…

Mừng anh có nhà mới, Báo SGGP đã trích quỹ từ thiện, mua tặng anh giường tủ, bàn ghế; đại diện lãnh đạo đơn vị cũ của anh cũng tặng anh số tiền kha khá đủ để anh làm vốn làm ăn sinh sống.

Chứng kiến cảnh nhận nhà mới của bà Huỳnh Thị Lánh, chị ruột liệt sĩ Huỳnh Văn Minh, chúng tôi càng xúc động hơn trước tình đồng đội của những người đã từng một thời chia lửa bên nhau. Anh Huỳnh Minh, đồng đội cũ của liệt sĩ Huỳnh Văn Minh là người tích cực nhất trong việc vận động xây tặng căn nhà này.

Anh nói: “Mỗi lần về quê, ghé ngang nhà đốt nhang cho “nó”, tôi đau lòng khi nhìn căn nhà rách nát tả tơi của bà chị nó…”. Năm 1967, liệt sĩ Huỳnh Văn Minh thoát ly khi vừa tròn 15 tuổi. Hai năm sau, anh hy sinh ở cái tuổi 17. Trước khi tắt thở trên tay đồng đội, anh còn nhắn lại với người đồng đội cùng tên: Hòa bình, nếu anh còn sống trở về, hãy tìm cách giúp đỡ bà chị em. Nhà chỉ còn hai chị em, chỉ thương em lắm…”.

Nhiều năm sau hòa bình anh Minh cũng chẳng có điều kiện giúp đỡ người chị liệt sĩ vì anh cũng chỉ là một viên chức hưu trí nghèo. Anh xót xa và thấy mình có lỗi. Biết chuyện này, một lần nữa, bà Nguyễn Thị Lan lại nhận lời tài trợ 7 triệu đồng để sửa sang lại ngôi nhà làm chỗ thờ phượng liệt sĩ Huỳnh Văn Minh.

Mới đây, Báo SGGP lại chuyển 7 triệu đồng do bạn đọc góp tặng để xây nhà tình thương cho vợ con anh Lê Văn Hà ở ấp Long Hòa A xã Bàn Long huyện Châu Thành tỉnh Tiền Giang, một cựu chiến sĩ quân tình nguyện tại chiến trường Campuchia vừa qua đời vì bệnh nặng.

Câu chuyện của ông Phạm Khánh Vân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bàn Long càng làm chúng tôi thấm thía ý nghĩa của việc xây tặng ngôi nhà này: “Hôm đám tang anh, ai cũng đau lòng khi nhìn chiếc quan tài đặt giữa căn chòi lá rách nát bên bờ sông. Chúng tôi đọc lời truy điệu anh giữa cơn mưa tầm tã, nước mưa trộn với nước mắt, ướt nhòe…”. 

YẾN NHI

Tin cùng chuyên mục