
Không một bộ môn nghệ thuật nào có đông công chúng tham gia và hưởng thụ như ca hát. Với con số 6.000 thí sinh trong cả nước đã háo hức đến với Sao Mai từ những vòng thi cơ sở cho đến hàng vạn khán giả ngồi trước màn ảnh nhỏ, và hàng ngàn khán giả trực tiếp đến với các vòng chung kết và xếp hạng tối 15-7-2007 tại hòn đảo Ngọc Việt, nơi thành phố biển Nha Trang xinh đẹp, là đủ chứng minh điều ấy.

Thứ trưởng Bộ VH -TT, NSND Lê Tiến Thọ (phải) trao giải cho các thí sinh đoạt giải nhất. Ảnh: NAM VIÊN
Một đêm diễn có thể chưa hài lòng tất cả khán giả hay những người làm nghệ thuật. Và dù có ai nuối tiếc cho một trong số các thí sinh “lẽ ra”, hoặc “giá mà”... thì những ngôi Sao Mai 2007 lung linh đã có chủ nhân sở hữu. 9 thí sinh của vòng xếp hạng năm nay, đã tự bật lên vượt chính mình để đi đến đích. Thử lùi xa và nhìn lại một cách khách quan các vì Sao Mai của năm nay.
Đầu tiên, phải nói đến việc chọn bài của các thí sinh. Hợp sở trường, đúng tầm hay không, chưa bàn, duy có điều vòng xếp loại năm nay có đến 6/9 thí sinh chọn những bài hát chưa hề xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều này cũng như dùng con dao hai lưỡi, vì nếu là ca khúc hay, con đường dẫn đến thành công sẽ rất chắc chắn. Nhưng nếu bài hát không “gánh” nổi nhiệm vụ của mình, thí sinh lại không có gì sáng tạo nâng tầm ca khúc lên và tạo sự đột phá bất ngờ, thì lại là điều bất lợi. Trăng Vàng (Đức Trịnh) của Bùi Thị Thu Huyền và Nếu phải xa nhau (Xuân Phương) của chàng trai đến từ Cần Thơ, Trần Hoàng Nghiệp, đã minh chứng điều đó.
Ba thí sinh chọn bài đã từng có người hát, nhưng với sự làm mới của chính mình, khiến cho ca khúc trở nên khác lạ hơn. Điều này làm cho vòng xếp loại không bị nhàm chán như những lần Sao Mai trước đây. Đó cũng chính là điều mong mỏi của ban tổ chức và công chúng đối với các thí sinh. Bởi ca sĩ chính là người sáng tạo thứ hai, đem xúc cảm của tác giả âm nhạc đến với người nghe bằng giọng ca và sự thăng hoa cảm xúc nồng nàn của mình.
Có lẽ sẽ nhiều người nhất trí rằng Lê Anh Dũng là người xứng đáng nhất với ngôi vị đứng đầu phong cách hát thính phòng. Sở hữu một chất giọng nam cao trong sáng ở cả hai vòng chung kết và xếp loại, Anh Dũng dường như đã khẳng định vị trí của mình và không có đối thủ. Bài hát Dương cầm thu không em (An Thuyên) không dễ hát sân khấu, nhưng với lối hát rõ lời chắt chiu từng câu và đầy truyền cảm, kèm theo kỹ thuật ca hát vững vàng, chàng trai Thanh Hóa đã nhận được sự bình chọn cao nhất của khán giả lẫn Ban giám khảo (BGK) là thế.
Khán giả cũng sẽ tiếc cho cô giáo Trần Thị Thu Hà. Chị và Đinh Thị Thành Lê đều có chung một chất giọng nữ cao trữ tình trong sáng, mượt mà, hát rất truyền cảm, đồng thời với một kỹ thuật thanh nhạc khá vững: rõ lời, hơi thở đầy đủ để cho giọng hát vang sáng ở bất cứ âm vực nào.
Thậm chí tầm cỡ giọng của Trần Thị Thu Hà trong ca khúc Trăng xuân (Vũ Duy Cương) còn cho thấy rất rộng, những nốt thấp đầy đặn hơn, lên cao - cho dù sử dụng kỹ thuật hát nhỏ lại - vẫn vang. BGK nghiêng về phía Đinh Thị Thành Lê bởi một chút may mắn của người Hà Tĩnh hát rất nhuyễn dân ca Hà Tĩnh và ở sự sáng tạo, làm mới ca khúc Hà Tĩnh mình thương (An Thuyên) mà đồng lòng trao giải nhất?
Ở vị trí dẫn đầu dòng nhạc nhẹ, Phạm Thị Hà Linh, cô gái đến từ Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội chưa hẳn đã làm thỏa mãn khán giả và BGK. Nhưng với Phật Bà nghìn mắt nghìn tay (An Thuyên), Hà Linh vẫn cho thấy đặc tính riêng biệt của dòng nhạc nhẹ: không cần phải có kỹ thuật thanh nhạc cao, mà chỉ với giọng hát tốt, hát rõ lời, xử lý tác phẩm tinh tế, kèm theo phong cách biểu diễn hết mình, phù hợp với thể loại âm nhạc này.
Thật tiếc cho Nguyễn Phúc Tiệp. Với chất giọng nam trung ấm áp và kỹ thuật thanh nhạc có bài bản, anh sẽ thành công hơn, nếu hát nồng nàn hơn, nhất là trong một ca khúc rất xúc động viết về Bác Hồ, như Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh).
Cũng tiếc cho Bùi Thị Thu Huyền, cho dù mang đến một “làn gió lạ” của dân ca Chăm, nhưng có lẽ chị đã lựa chọn không chính xác lắm bài hát thuộc một dòng âm nhạc mình chưa hiểu kỹ… Rất biết sử dụng lợi thế của mình bằng kỹ thuật hát không lời (vocal) rất mượt mà ở âm vực rất cao, mà nếu không vững kỹ thuật thanh nhạc, sẽ khó thực hiện tốt, Nguyễn Thị Hiền Anh chứng tỏ được sự tự tin đã đem đến kết quả đúng với khả năng của mình.
Cuối cùng là Nguyễn Thị Thu Phượng, chọn thể loại nhạc jazz để trình bày ca khúc Trăng khát (Lê Minh Sơn), chỉ tiếc ban nhạc với sự đều đều của tiết tấu phần đệm và Thu Phượng thiếu sự “tung hứng” đặc trưng của nhạc jazz và giá cô biểu diễn hết mình hơn, có lẽ kết quả sẽ khác.
Có nhiều ý kiến khen chê, nhưng theo thiển ý của chúng tôi: Sao Mai vẫn là một cuộc thi hát nghiêm túc, có chất lượng, dành cho đông đảo thanh niên có nguyện vọng ca hát. Cũng có thể thí sinh nào đó sau khi đoạt “vương miện” không phát huy được tài năng của mình, thì đó cũng chính là sự khắc nghiệt của con đường nghệ thuật…
Các thí sinh Sao Mai bằng nỗ lực của chính mình, cộng với sự nhận xét, góp ý của các nhà chuyên môn am hiểu âm nhạc, đã giúp họ nhìn lại ưu và nhược điểm của mình để hoàn thiện mình hơn. Và cùng với ước mơ rất lành mạnh, rất trong sáng là được ca hát, được làm đẹp cho cuộc đời bằng chính tiếng hát của mình, hàng ngàn thanh thiếu niên đã và sẽ tiếp tục chờ đợi mỗi mùa Sao Mai đến…
Nhạc sĩ Linh Nga Niê Kdam