Sau cả đời bôn ba ở xứ người, về hưu, họ không nghỉ ngơi mà cùng hội ngộ, ngày ngày tất bật với chuyện xây cầu ở các vùng nông thôn quê hương. Hơn 11 năm, 197 cây cầu đã được đưa vào sử dụng. Con số này không ngừng gia tăng hàng tháng.
Cầu hữu nghị
“Cầu của nhóm VK là cầu hữu nghị. Khi xã cần, xã báo tụi này làm, hai bên bình đẳng như nhau. Chứ đây không phải là cầu từ thiện, chúng tôi không bố thí”, ông Nguyễn Văn Công, 78 tuổi, kỹ sư nền móng, Việt kiều Pháp và là một trong những người sáng lập nhóm VK (Việt kiều) xây cầu nông thôn bắt đầu về câu chuyện xây cầu. Ông kể, đầu những năm 2000, những kiều bào Pháp, Mỹ, Canada, Nhật… vẫn thấy trẻ em cứ giơ cặp lên trời, cởi quần lội mương đi học. Rồi mưa gió, nhiều em rớt xuống kênh hay lật ghe, bao nhiêu người chết. Từ đó, mọi người hiểu hơn về hoàn cảnh của người dân nơi những vùng quê còn nhiều khốn khó, đi lại khó khăn. “Những người dân ở đó, sẽ không bao giờ nghĩ đến tương lai nếu cứ suốt ngày quẩn quanh trong xóm. Muốn đầu óc những người dân nghèo thay đổi thì mình phải làm cái gì để người ta thấy có thể thay đổi”, ông Công chia sẻ. Nghĩ xây cầu là việc nên làm, ai cũng đi được, năm 2004, ông Công và 9 kiều bào tụ lại, sáng lập ra nhóm VK chuyên đi xây cầu. Ban kỹ thuật, cố vấn là những kỹ sư cầu đường, kỹ sư công nghệ đã cả đời làm chuyên môn ở Pháp.
Ông Nguyễn Văn Công (bìa trái) cùng các kiều bào tham quan cầu VK197 ở Long An
Những kiều bào sáng lập nhóm xây cầu cùng chung suy nghĩ, mỗi người có tấm lòng từ thiện rồi, vấn đề là dùng sao cho tốt. Từ thiện là bố thí. Muốn đưa đất nước đi lên, không thể dựa trên sự bố thí được. “Cho” như thế chỉ là cho… cho xong chuyện, cho yên lòng mình, là làm cho mình chứ không khơi sức người ta vươn lên. Vì thế, cây cầu VK là cầu hữu nghị, bản thân cây cầu là đoàn kết, nhằm mục đích nối đôi bờ, là phương tiện giúp trẻ em đến trường được an toàn, giúp mọi người tự vươn lên, làm ăn buôn bán thuận lợi hơn. Từ 5 năm qua, việc xây cầu thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong đó, UBND xã góp 50%, kiều bào tặng 50% trị giá cây cầu, người dân góp ngày công lao động và cùng kiều bào trực tiếp thi công cầu. Ông Đinh Tuấn (Việt kiều Pháp), người đã tài trợ mỗi năm từ 5.000 - 10.000EUR để xây cầu, chia sẻ: “Việc xây cầu không phải là việc làm từ thiện. Đó chính là cái phước của những kiều bào chúng tôi, mình chỉ tài trợ trị giá 1 đồng mà thành ra sử dụng được hàng chục năm, giá trị biết bao nhiêu”.
Để nối mãi tình quê
Mục tiêu ban đầu của nhóm rất khiêm tốn: xây 10 cầu trong 3 năm. Lúc đầu, 10 kiều bào sáng lập mỗi người góp 300EUR mỗi tháng, gọi là “vốn mồi”. 3 năm đầu trôi qua, cả nhóm xây được 26 cây cầu. Từ đó tới nay, trung bình mỗi năm nhóm xây được 18 cây cầu. Qua hơn 11 năm, nhóm đã thiết kế, vận động tài chính và thi công, hoàn thành được 197 cây cầu bê tông khắp nơi với tổng chiều dài trên 5.000m, tổng trị giá hơn 23 tỷ đồng. “Được hỗ trợ một phần nhỏ, góp phần xây cầu thỏa niềm mơ ước của mọi người cũng là niềm hạnh phúc của chúng tôi. Vì thế, khi được mời đóng góp, chúng tôi không bỏ lỡ cơ hội được góp sức”, bà Lê Thị Giàu, Việt kiều Mỹ, bộc bạch.
Trong thư của ông Nguyễn Hữu Tá, Chủ tịch UBND xã Bình Phú (huyện Châu Phú, An Giang), cho biết: “Xã có 15 cây cầu tạm bợ, xuống cấp. Cầu kênh 14 vừa bị gãy vào ngày 27-9. Xã có kế hoạch xây lại cầu dài 40m, ước tính tổng kinh phí 620 triệu đồng. Huyện hỗ trợ 200 triệu đồng, còn lại xã vận động, rất khó khăn…”. Nhận được thư, nhóm VK phúc đáp, với chiều ngang 2m, mỗi thước tới của cầu có giá thành khoảng 7 triệu đồng. Xã đã có 200 triệu đồng là gần đủ xây 1 cây cầu. Theo nguyên tắc 50-50, kiều bào sẽ tặng thêm hơn 200 triệu đồng, là tổng cộng xã sẽ có 2 cây từ số tiền có sẵn. Tương tự, việc muốn xây 1, lại được 2, được 3 cây cầu cũng diễn ra ở tỉnh Sóc Trăng. Sau sự cố lật ghe khiến người lái đò vướng vòng lao lý, học sinh không dám xuống ghe đến trường, xã gọi điện báo nhóm VK. “Một tháng sau là có cầu”, nhóm VK cam kết và xây không những 1 mà tặng luôn địa phương 3 cây.
Các kỹ sư Việt kiều trong nhóm VK là đã tìm tòi, áp dụng công nghệ xây cầu lớn, hiện đại để xây cầu nông thôn. Thời gian xây rất nhanh và rẻ bằng 1/3 đến 1/2 so với cách làm thông thường mà độ bền lại cao. “Chúng tôi muốn trao lại câu chuyện đó, phương pháp đó cho quê nhà, sẵn sàng chuyển giao miễn phí công nghệ cho các địa phương. Nhóm VK già rồi nên cũng đang đào tạo một nhóm kiều bào trẻ để nối tiếp việc xây cầu”, ông Nguyễn Văn Công chia sẻ tâm huyết. Phương pháp xây cầu của nhóm VK gợi lên nhiều suy nghĩ về việc xây cầu nông thôn. Mới đây, nhóm VK tặng cầu 197 giúp xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, Long An. Cầu dài 55m, rộng 2,5m, tải trọng 2 tấn mà trị giá có 508 triệu đồng. Trong khi đó, ông Phan Vũ Cường, Chủ tịch UBND xã Thủy Đông, cho biết xã đang xây một cây cầu lớn tương tự, cách vị trí cầu VK197 khoảng 1km nhưng có tổng giá trị lên tới… 1,4 tỷ đồng!
Bí quyết xây cầu nhanh, theo các kỹ sư của nhóm VK là ở phương pháp cọc nhồi. Thay vì đổ sẵn bê tông trụ cầu ở trên bờ, đợi khô rồi mới đóng xuống kênh như thông thường, đội thi công 5 người của nhóm VK dùng khoan khoan sâu xuống kênh chừng 8m, rồi bỏ thép, đổ bê tông trực tiếp. Lên đến mặt nước, mỗi vị trí hợp thành một trụ, giúp kiểu dáng cầu thanh thoát, thẩm mỹ. Bằng phương pháp này, mỗi ngày bất chấp nắng hay mưa, đội có thể làm xong 1 trụ và chừng 1 tháng là xong 1 cây cầu. Tuổi thọ cầu được đảm bảo trên 40 năm. |
ĐƯỜNG LOAN