
Quần thể Angkor (ảnh) - kỳ quan hàng đầu thế giới về điêu khắc và kiến trúc, từ lâu đã có sức hút mãnh liệt du khách đến với Campuchia…Con số hơn 2 triệu người mỗi năm đã chứng minh điều đó, dù du lịch ở đất nước này mới phát triển vài năm nay. Nhưng thực sự khi đến Campuchia, người ta mới hiểu Campuchia còn có những sức lôi cuốn khác…

Quá nhiều những kiến trúc cổ được xây dựng hơn ngàn năm để người dân Campuchia ngày nay có thể nhìn ngắm lại những công trình kỳ vĩ của ông cha với niềm tự hào.
Con người của thế kỷ 21 như được sống trong bao câu chuyện truyền thuyết được khắc trên đá bằng những khối óc thông minh và những đôi tay cực kỳ tinh xảo của người xưa.
Đến Angkor, để thán phục và ngưỡng mộ, để bay theo trí tưởng tượng và để được trôi vào những dòng huyền thoại trên mặt đá nghìn năm như còn nóng hơi thở người.
Từng bàn tay vút cao, từng đôi chân uốn cong theo điệu múa, từng gương mặt viên mãn trong nụ cười bí ẩn của các vị thần Bayon… tất cả chính là cái hồn bất diệt của dân tộc Campuchia.
Nhưng thực sự, nếu Campuchia chỉ ỷ lại vào vốn cổ của mình thì chắc chắn con số khách du lịch sẽ không tăng đến chóng mặt như hiện nay (chỉ trong vòng mấy năm từ con số vài trăm ngàn người, bây giờ đã vượt hơn mức 2 triệu).
Chính ý thức làm du lịch từ bản sắc dân tộc đã làm nên sức sống cho du lịch Campuchia hiện nay. Có những điều tưởng rất nhỏ, nhưng lại không nhỏ chút nào.
Bởi khi xây dựng một khu nhà vệ sinh giữa đầm sen bạt ngàn, với những bông hoa thắm đỏ bên nhịp cầu tre lãng mạn là người xây dựng đã nghĩ đến sự ngạc nhiên đầy thú vị của du khách.
Quả thực, trước khi thăm đền Angkor Wat, để bắt đầu cuộc hành trình cùng những quần thể bằng đá ngất cao, hùng vĩ thì việc đưa du khách đến giữa thiên nhiên với hương sen ngào ngạt để vào nhà vệ sinh, thì quả là một ý tưởng diệu kỳ mà bất kỳ du khách nào khi đến đây cũng lấy làm thích thú.
Một nhà vệ sinh rất hiện đại, tiện nghi nhưng lại được thiết kế trong một ngôi nhà ngói cổ và ở giữa một đầm sen. Ý tưởng rất lạ, rất nên thơ ấy đã chộp đúng vào tâm lý của du khách, tiếc thay dù ta có vô khối những đầm sen, vô khối phong cảnh tuyệt vời, nhưng ta vẫn không thể đột phá ra khỏi lối mòn…

Và khi trên những con đường trải nhựa quanh co nối liền các đền đài cổ, không gì thú vị hơn là được ngồi trên những chiếc xe lôi trang trí đủ màu sặc sỡ.
Bởi trong không khí hoang sơ và cổ xưa ấy, ngồi trên những chiếc xe ô tô đời mới quả thật là không thích hợp.
Vì vậy, chiếc xe lôi luôn là phương tiện rất được du khách ưa chuộng, nhất là người phương Tây. Nhìn những chiếc xe lôi dập dìu ở các khu di tích, chợt thấy lòng chùng lại khi chạnh nhớ đến những chiếc xe lôi bị hất hủi và bạc đãi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Chiếc xe lôi ở Cần Thơ có kiểu dáng rất thanh tao, có lẽ nó cùng một khởi điểm với chiếc xe lôi này, nhưng đã được tạo dáng lại theo phong cách Âu châu, nên nó gần giống với chiếc xe song mã của giới quí tộc Pháp ngày xưa hơn.
Du khách về đồng bằng rất thích được ngồi trên những chiếc xe lôi ấy để đi dạo khắp thành phố. Cũng giống như ở Sài Gòn, những chiếc xích lô vẫn là phương tiện mà các ông tây, bà đầm rất mê.
Từ một khởi điểm, nhưng chiếc xe lôi ở Campuchia được trang điểm ngày càng đẹp hơn và đã trở thành một sức hút du lịch, một phương tiện di chuyển được ưa thích của du khách, nó hiện diện ở khắp mọi nơi với niềm tự hào.
Còn chiếc xe lôi ở miền Tây hiện nay đã trở thành phế thải vì đã bị cấm lưu thông không được vào thành phố(?!) Chúng ta đã không biết tận dụng cái riêng của mình để thu hút du khách và đã tự tước bỏ bản sắc của mình không hề thương tiếc…!!
Chỉ điểm xuyết một vài nét trong vài ngày làm du khách Campuchia cũng đã thấy biết bao nỗi chạnh lòng… Chạnh lòng để tự thương cho mình, thương cho một nét riêng của dân tộc bị mai một vì những suy nghĩ chủ quan của một số người…
BÍCH CHÂU