Hình như nét đẹp của ngày đầu năm với rực rỡ của vàng mai vừa kết hạt đã đánh thức cả vầng trăng đêm nguyên tiêu nên văn học dân gian vẫn còn lưu truyền những câu thơ hay đến vậy.
Tôi còn nhớ như in, sau tết như thế này, ngày xưa tôi vẫn thường theo chân ba mỗi khi đốt khói bảng lảng đồng chiều hay lúp xúp quẩy rọng (dụng cụ đựng cá được đan bằng tre hay trúc) bắt cá cạn mùa đìa.
Để rồi tối đến quây quần cùng nhau trên bộ ván bằng gỗ rất quý được để lại từ mấy đời trước, nghe mẹ kể chuyện Đông chuyện Tây như Tần Thủy Hoàng, Võ Tắc Thiên; riêng tôi, được nghe bà lẩy Kiều là thích nhất, sướng tai lắm.
Mỗi năm có bao nhiêu tháng là bấy nhiêu lượt trăng tròn rồi khuyết, nhưng ký ức về mỗi tuần trăng lại khác nhau lắm. Tôi được sinh ra ở thôn quê, nơi thanh bình làm sao!
Như rằm tháng Giêng, rằm tháng Bảy hay rằm tháng Mười, ngoài chuyện vui chơi như thường lệ, còn được hưởng lộc rằm sau khi mẹ cúng.
Rằm tháng Giêng vọng âm hưởng mùa xuân, bánh mứt ngày tết vẫn còn, cứ thế đánh chén.
Theo dân gian như thế thì chưa đủ đâu, rằm tháng Giêng còn là ngày vía của Phật tổ nên cũng tâm linh lắm, người dân ở tất cả mọi nơi không phân biệt nông thôn hay thành thị đều đi chùa với một trạng thái vô cùng đặc biệt: Rằm đầu năm cầu may và luôn hướng thiện để được an bình cả năm; ngoài ra các họ tộc lớn còn cúng tổ tiên nữa; rằm tháng Bảy thì trăng tròn nhưng buồn lắm, Nam bộ mình lúc đó mưa dầm dề gợi nhớ mối tình Ngưu Lang - Chức Nữ cùng nhịp cầu Ô Thước.
Đêm, trăng như soi đáy nước, buồn chạnh lòng, nghe não nuột và dân mình có tục cúng vong nhà hay gọi là cúng ma đói vào rằm tháng Bảy. Nói vậy thôi, đêm rằm nào cũng đẹp hết, trăng tròn như cái thúng ba hay bưng lúa lường vô bồ vậy.
Giờ thì khác rồi, đa số nông dân quê tôi đều làm 2 vụ lúa, đến công đoạn cuối cùng là thương lái xuất hiện và mua ngay, riêng lúa dự trữ để ăn chờ thu hoạch vụ sau được bà con cho vào bao để dễ bảo quản hay khuân vác đến nhà máy xay xát.
Có lẽ, rằm tháng Mười là rằm lớn nhất cuối cùng trong năm tính theo âm lịch, nhưng trước đó, rằm tháng Tám mới thật sự làm cho bọn trẻ con chúng tôi hăng hái nhất.
Vì không chỉ những thứ bánh hay trái cây đơn thuần như mọi khi cúng bái, mà còn được phá cỗ đêm rằm. Chúng tôi vừa được chơi lồng đèn ông sao, vừa được ăn bánh Trung thu và mơ những giấc mơ thần tiên khác nữa.
Còn mãi trong tôi là ký ức những bữa cơm chay của mẹ. Sau những bữa cơm như vậy, tôi có cảm giác con người mình trở nên thanh thản và nhẹ lòng hơn.
Đêm Nguyên tiêu đang đến dần ngoài cửa. Cảm ơn tuổi thơ yên ả, thanh bình nơi thôn quê cùng câu hát à ơi đưa nôi, câu ca dao, dân ca của mẹ đã theo tôi suốt những rằm trăng thuở nhỏ...