

Hoa- biểu trưng cho vẻ đẹp của người phụ nữ
Không chỉ là những người vợ, người mẹ suốt đời hết lòng vì chồng, vì con, phụ nữ ngày nay còn là những công dân gương mẫu, lao động và cống hiến hết mình cho xã hội, cho đất nước. Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, chúng tôi xin giới thiệu 4 trong rất nhiều những phụ nữ xuất sắc ấy tại TPHCM.
- Bà Ngô Thị Huệ – Chép sử phụ nữ Nam bộ bằng trái tim

Bà Ngô Thị Huệ (bìa trái)
Tham gia cách mạng từ khi còn rất trẻ, 22 tuổi, cô cán bộ Ngô Thị Huệ đã là Phó Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Long. Năm 1940, đồng chí bị địch truy bắt và kết án chung thân khổ sai. Năm 1945, cách mạng thành công đồng chí được đồng đội đón trở về và tiếp tục làm cách mạng.
Ngày nay, dì Ngô Thị Huệ đã 87 tuổi, vẫn mang nặng bên lòng ký ức về những năm tháng kháng chiến, về những người mẹ, người chị âm thầm hy sinh cho cách mạng…
Bây giờ, hòa bình rồi, những sự hy sinh ấy cần được ghi nhận và từng mảng ký ức đã được dì và 12 người bạn chiến đấu cùng thời kể lại để các nhà văn, biên kịch xây dựng lại thành những trang sử hào hùng, thành phim, thành sách: Phụ nữ Thành đồng, Người con gái Nam bộ cầm súng, Đội quân tóc dài, Những ngày tù ngục, Giữa ngàn thác lũ, Trường Sơn thời ấy, Vinh quang lặng lẽ…
“Việc làm ấy sẽ làm cho những người đã hy sinh vì Tổ quốc sống mãi trong lòng mọi người thân yêu, hôm nay và mãi đến sau này”, dì Ngô Thị Huệ nói thế.
Năm 1994, dì cùng ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp và nhiều người hảo tâm khác đã lập Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo. Với chức danh Phó chủ tịch Hội, dì đã đem những năm tháng cuối đời mình để làm những việc có ích cho đời: Giành lại nụ cười đẹp cho những trẻ hở hàm ếch, mang đến ánh sáng cho những đôi mắt mù lòa, tặng xe lăn cho những trẻ tàn tật. Hơn chục năm qua, dì cùng các đồng chí, những người hảo tâm đã góp phần xoa dịu những nỗi đau do chiến tranh, do nghèo khổ.
- Anh hùng LLVT – Đại tá bác sĩ Lê Kim Hà: Truyền lửa cho những thầy thuốc hôm nay

Anh hùng LLVT – Đại tá bác sĩ Lê Kim Hà (bên trái).
Khi cha đi tập kết, cô bé Lê Kim Hà mới học hết lớp 5, đã phải nghỉ học để phụ mẹ nuôi 7 anh em. 7 năm sau Hiệp định Genève, cũng là lúc cha trở về. Năn nỉ, hờn dỗi mãi Hà mới được cha cho đi làm “chị nuôi” trong đội đặc công thuộc Tỉnh đội Phước Thành (một phần của Bình Dương và Đồng Nai ngày nay) hoạt động ở chiến trường B2 miền Đông Nam bộ.
“Ngành y là lĩnh vực không có giới hạn, muốn làm tốt nhiệm vụ của người thầy thuốc thì không thể không có trình độ chuyên môn ngày tốt hơn…”, nghĩ vậy, sau khi về công tác tại Quân y viện 175, cô bộ đội Lê Kim Hà quyết tâm đi học.
Năm 1989, luận văn tốt nghiệp đại học với đề tài “Gây tê ngoài màng cứng bằng Lidocain kết hợp Fentanyl” của bác sĩ Lê Kim Hà với nhiều phát kiến mới hữu dụng đã được Hội đồng khoa học nhà trường đánh giá xuất sắc và sau đó được báo cáo điển hình tại Hội nghị Khoa học bệnh viện lần thứ 9 (để làm được thành công đề tài này, bác sĩ Hà phải thực hiện trên 200 trường hợp gây tê ngoài màng cứng).
Cũng từ kết quả này, qua nghiên cứu thực tế, năm 1992, bác sĩ Hà tiếp tục đưa ra sáng kiến “chọc kim vào màng cứng luồn dây Catheter tiêm Corticoid để chống viêm trực tiếp trên các rễ thần kinh” cho nhiều bệnh nhân bị viêm đa rễ thần kinh nặng khiến liệt tứ chi, suy hô hấp phải thở bằng máy và ăn uống qua đường ống.
Với phương pháp mới của bác sĩ Hà, chỉ sau 4 đến 6 ngày điều trị, sinh mạng các bệnh nhân đang “ngàn cân treo sợi tóc” đã phục hồi, và khỏi hoàn toàn sau 6 đến 8 tuần mà không cần phải đi nước ngoài. Bác sĩ Lê Kim Hà đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Thầy Thuốc ưu tú, Thầy thuốc nhân dân, Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2004…
Cho đến nay, với cương vị Chủ nhiệm Khoa hồi sức cấp cứu Bệnh viện 175, Đại tá bác sĩ Lê Kim Hà vẫn có mặt bên các giường bệnh để cứu chữa các bệnh nhân. Ngọn lửa và lời thề Hypprocat không chỉ sưởi ấm trái tim người thầy thuốc tài đức Lê Kim Hà mà còn lan sang những trái tim bác sĩ trẻ mới vào nghề.
- Anh hùng lao động Đinh Thị Gái: Học để hội nhập

Anh hùng lao động Đinh Thị Gái.
Sau năm 1975 XN Thuốc sát trùng Bình Triệu gặp nhiều khó khăn, nguồn nguyên liệu nhập ngoại trước đây trong kho cạn dần, sản xuất cầm chừng, thu nhập công nhân không đủ sống, nhiều người nản chí bỏ đi, nhưng Đinh Thị Gái thì không. Trong lúc khốn quẩn ấy, chị và một số công nhân khác vẫn bám trụ, cùng lãnh đạo xí nghiệp tìm kiếm nguyên phụ liệu trong nước để thay thế nguyên liệu ngoại nhằm duy trì vị trí một đơn vị chủ lực đảm nhận nhiệm vụ bảo vệ thực vật, cây trồng, mùa màng ở phía Nam.
Chị đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công ty ứng dụng vào sản xuất. 8 năm liên tục (1978 - 1985), chị được bầu chọn là chiến sĩ thi đua cấp thành phố.
Ngày 19-5-1980, công nhân Đinh Thị Gái được kết nạp Đảng. Vào Đảng rồi phải sống tốt hơn, nỗ lực phấn đấu phải cao hơn, chị Gái tự nhủ thế và việc đầu tiên chị chọn để thể hiện sự phấn đấu nỗ lực đó là đi học bổ túc văn hóa rồi tốt nghiệp kỹ sư kinh tế ở Đại học Bách khoa.
Thời của hội nhập và kinh tế thị trường, chị Gái lại lao vào học ngoại ngữ với quyết tâm phải đàm phán trực tiếp với đối tác mới mang quyền lợi xứng đáng về cho đơn vị. Chị là Ủy viên BCH Đảng bộ TPHCM từ khóa IV đến VII, Bí thư Đảng ủy công ty.
- Anh hùng lao động Nguyễn Thị Tùng – Tài năng, cầu thị và cần cù

Anh hùng lao động Nguyễn Thị Tùng (phải)
Tuổi thơ cơ cực, chị Nguyễn Thị Tùng học nghề may, mong nuôi sống bản thân, phụ giúp gia đình chứ không hề nghĩ rằng đường kim mũi chỉ ấy trở thành cái nghiệp đời mình. Cuộc đời chị thật sự thay đổi khi chị đăng ký thi tuyển vào lứa công nhân đầu tiên của may Việt Tiến.
Tài năng, sự cầu thị và tính cần cù chăm chỉ đã giúp chị trở thành chuyền trưởng. Để giúp các chuyền “ì ạch” vươn lên, chị đã lao vào vừa làm vừa động viên công nhân thi đua cùng nhau.
Với nhiều thành tích của 7 năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp thành phố năm 1985, chị được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.
NHÓM PV CHÍNH TRỊ