Nhà báo Sharon Mascall-Dare (Australia)

Những vấn đề thiết thực của nghề báo

Những vấn đề thiết thực của nghề báo

Bà gây ấn tượng với đám phóng viên chúng tôi bằng một phong thái cởi mở, nhiệt tình, phản ứng rất nhanh trước những vấn đề được đưa ra. Ở bà toát ra niềm đam mê và lòng nhiệt huyết với nghề báo. Phải chăng đó chính là yếu tố dẫn đến thành công của Sharon Mascall–Dare? Cảm nhận chung của chúng tôi sau những bài giảng của bà tại khóa học do Thông tấn xã Việt Nam và Cơ quan Giáo dục quốc tế Australia tổ chức: Đây là những vấn đề thiết thực của nghề báo…

Những vấn đề thiết thực của nghề báo ảnh 1

Sharon Mascall-Dare trong buổi dạy về báo chí cho các phóng viên trẻ tại TPHCM.

Sharon Mascall–Dare bắt đầu làm việc trong ngành truyền thông từ khi chưa đầy 20 tuổi, tính đến nay bà đã sản xuất và dẫn gần 1.000 giờ phát thanh, truyền hình và là tác giả của hàng trăm bài báo được xuất bản. Bà tốt nghiệp thạc sĩ ngành Ngôn ngữ đương đại, Wadham College, đại học Oxford, có bằng sau đại học ngành Phát thanh truyền hình, City University, London.

Bà là người sản xuất và dẫn chương trình của đài BBC suốt 6 năm trước khi chuyển tới Australia vào năm 1999. Sản xuất và dẫn chương trình phát thanh và truyền hình của BBC trong hơn 12 năm với 2 năm là phóng viên chính trị châu Âu. Sản xuất và dẫn các chương trình phát thanh cho ABC bao gồm cả kênh Radio National’s Asia Pacific trong 3 năm với tư cách phóng viên tự do. Phụ trách một số chuyên mục và viết bài cho các báo The Age, The Australia, The Sydney Morning Herald, The West Australian và The Independent Weekly trong 7 năm. Bà từng làm việc tại London, Paris, Brussels và Strasbourg… Cô đã đoạt giải Journalism Award và hiện nay đang là giảng viên ngành Truyền thông - khoa Giáo dục, Nghệ thuật và Khoa học Xã hội của Học viện Quản lý Australia…

Được hỏi cơ duyên nào dẫn bà đến với nghề báo, S. Mascall-Dare nói: “Hồi còn học ở trung học phổ thông, tôi học tại một trường dành cho nữ sinh. Kết thúc năm học, chúng tôi đã có một đêm lựa chọn nghề nghiệp. Đêm ấy không chỉ riêng tôi mà hầu hết đám nữ sinh đều cảm thấy ấn tượng trước một phụ nữ. Bà ấy là một phóng viên. Chúng tôi đều thấy bà ấy thật là đẹp... Tôi bắt đầu bước vào nghề ngay chính tại ngôi làng của mình - nơi chỉ có 50 người, trong một tờ báo địa phương xuất bản một tháng một lần. Bài viết đầu tiên của tôi là về cuộc sống của những người già trong vùng”.

Biết tôi là nữ phóng viên của Báo SGGP, bà vui vẻ trò chuyện: “Một người phụ nữ làm báo thường nhạy cảm hơn so với đồng nghiệp nam. Đặc tính dễ đồng cảm của người phụ nữ khiến cho các nữ nhà báo có khả năng nhìn thấu mọi vấn đề một cách sâu sắc… Tuy nhiên so với nam giới, phụ nữ làm báo phải chịu nhiều áp lực hơn. Không ít nữ phóng viên phải đấu tranh để chọn lựa giữa gia đình và sự nghiệp. Với tôi nghề báo là một nghề mà bạn phải sống với nó, nó giống như một nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời bạn. Khi tôi có gia đình, có con, tôi đã phải có một sự chọn lựa. Tôi vẫn muốn làm báo, nhưng tôi cũng muốn được chăm sóc cho gia đình của mình. Quyết định của tôi là làm một phóng viên tự do. Tôi trở nên độc lập hơn trong ngôn ngữ và phong cách làm báo. Tôi có thời gian để đi sâu vào một lĩnh vực mà tôi cũng rất thích, đó là sáng tác văn học”.

- Từng phỏng vấn nhiều nguyên thủ quốc gia, có người nào khiến bà phải “bó tay”?

- Đó là ông Bob Hawke, cựu thủ tướng của Australia. Có thông tin cho rằng trong quá khứ ông ta có liên quan đến một vụ đánh bạc và BBC giao cho tôi nhiệm vụ phỏng vấn ông ta về vấn đề này. Khi tôi tới, ông ta trở thành người phỏng vấn ngược lại tôi. Ông ta trả lời tôi bằng những điều mà ông ta muốn nói, hoàn toàn không phải là những điều mà câu hỏi của tôi đưa ra. Sau 3 tháng liên tục tôi “rượt đuổi” ông ta, rồi một ngày, trợ lý của ông đã gọi đến tôi là nói rằng ông không muốn trả lời về những vấn đề đó… Cho đến tận bây giờ tôi cũng không biết được cuộc phỏng vấn ấy của tôi thu được kết quả gì…

- Bà sáng tác thể loại gì trong lĩnh vực văn học?

- Tôi viết truyện viễn tưởng.

- Cảm nhận của bà về đất nước Việt Nam?

- Khi tôi 18 tuổi, người bạn trai đầu tiên của tôi là một quân nhân. Thời gian ấy, mọi người hay quan tâm đến những bộ phim về chiến tranh, nhất là chiến tranh ở Việt Nam. Tuổi thơ của tôi gắn liền với những bộ phim như thế. Tất nhiên đó là những bộ phim tập trung nói về lính Mỹ nhiều hơn và tôi biết về Việt Nam qua những bộ phim ấy… Đến tận bây giờ tôi mới có dịp đến đất nước của các bạn. Trong tôi hiện giờ đang có hai sự hình dung: một là từ những bộ phim và một là thực tế mà tôi cảm nhận được khi đặt chân đến đây. Quả là khó để hòa trộn hai điều này với nhau. Đất nước, con người Việt Nam gây cho tôi nhiều thú vị. Tôi cảm thấy mình học được từ các bạn nhiều hơn là các bạn học được ở tôi…  

Hà Giang

Tin cùng chuyên mục