Những vụ cháy kho dầu lớn trên thế giới

Bên cạnh vụ cháy kho dầu tại Cuba gây ra nhiều thiệt hại nặng nề, trên thế giới từng xảy ra những vụ cháy gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng khác. 
Vụ cháy kho dầu ở Cuba
Vụ cháy kho dầu ở Cuba

 Nguy cơ tăng phí nhập khẩu nhiên liệu 

Tại Cuba, lực lượng chữa cháy vẫn tục kiểm soát vụ hỏa hoạn, đồng thời hy vọng có thể dập tắt hoàn toàn đám cháy trong những ngày tới. Trong khi đó, giới chức nước này đã cảnh báo về những nguy cơ đối với môi trường và sức khỏe người dân từ vụ hỏa hoạn. Tính đến ngày 13-8, đã có 2 lính cứu hỏa thiệt mạng trong vụ cháy, 14 người mất tích, khoảng 100 người bị thương.

Hỏa hoạn bắt đầu bùng phát khi một bể chứa dầu tại kho dầu thô bên vịnh Matanzas bốc cháy sau khi bị sét đánh tối 5-8 (giờ địa phương). Lửa lan sang bể chứa thứ 2 vào sáng 6-8 và gây ra hàng loạt vụ nổ lớn. 4 trong số 8 bể chứa tại kho dầu, mỗi bể chứa 50 triệu lít nhiên liệu, đã đổ sập trong vụ cháy. Cùng với lực lượng cứu hỏa ở Cuba, hơn 100 lính cứu hỏa tăng cường từ Mexico và Venezuela đã đến hỗ trợ dập lửa cùng các phương tiện chữa cháy hạng nặng. Đến cuối ngày, lực lượng cứu hỏa vào được bên trong khu vực để phun bọt và nước lên tàn dư đám cháy.

Hiện chưa có thống kê đầy đủ về việc Cuba đã mất bao nhiêu nhiên liệu sau khi 4 bể chứa bị cháy. Chính quyền địa phương khẳng định vịnh Matanzas không bị ô nhiễm dầu, nhưng vẫn cảnh báo người dân xung quanh và thủ đô Havana đeo khẩu trang, tránh mưa axít do lượng khói lớn sinh ra từ vụ cháy. Ông Oscar Garcia, đại diện Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ở tỉnh Matanzas, ước tính có đến 6.232 tấn khí và hạt bụi đã được thải vào bầu khí quyển từ vụ hỏa hoạn. Giới chức Cuba đang đánh giá những tác động của vụ cháy đối với môi trường.

Vụ cháy kho dầu ở Matanzas còn đe dọa làm tăng chi phí nhập khẩu nhiên liệu của Cuba, quốc gia vốn phụ thuộc vào dầu nhập khẩu cho nhu cầu từ giao thông đến lưới điện. Theo các chuyên gia, Cuba có thể xây dựng kho chứa nổi có chi phí không nhỏ để phục vụ việc nhập khẩu nhiên liệu.

Nổ kho dầu ở Saudi Arabia do bị tấn công 

Trong tháng 3-2022, lực lượng vũ trang Houthis của Yemen đã nhận trách nhiệm vụ tấn công vào một kho dầu của Saudi Aramco - công ty dầu mỏ quốc doanh của Saudi Arabia. Thông tin này được đưa ra không lâu sau khi truyền thông đăng tải hình ảnh về một đám cháy lớn tại kho chứa dầu của Saudi Aramco. Vụ cháy xảy ra gần nhà máy North Jeddah Bulk, phía Đông Nam sân bay quốc tế ở TP Jeddah. Sau vụ hỏa hoạn, dầu Brent đã tăng 1,36% lên 120,65 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,39% với mức 113,9 USD/thùng.

Đây không phải lần đầu tiên kho dầu của Saudi Aramco bị tấn công. Trước đó, lực lượng này đã sử dụng tên lửa và máy bay không người lái nhắm vào ít nhất 6 địa điểm trên khắp vương quốc, bao gồm kho nhiên liệu và nhà máy hóa lỏng khí đốt tự nhiên của công ty.

Kể từ sau chiến dịch quân sự mà Saudi Arabia phát động ở Yemen, lực lượng Houthi đã tiến hành hàng ngàn vụ tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái xuyên biên giới vào nước này. Năm 2019, Houthi cũng tiến hành nhiều vụ tấn công nhằm vào Saudi Aramco. Các cơ sở ở Abqaiq và Khurais trúng đạn đã khiến một nửa lượng dầu Saudi Arabia khai thác hàng ngày bị gián đoạn.

Nằm ở phía Đông Saudi Arabia, Abqaiq là tỉnh có cơ sở chế biến dầu lớn nhất thế giới và nhà máy ổn định dầu thô (quá trình chưng cất một phần nhằm tạo ra dầu thô phù hợp với lưu trữ trong các bể chứa hoặc phù hợp cho việc vận chuyển) công suất hơn 7 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, Khurais là mỏ dầu lớn thứ 2 của Saudi Arabia, công suất 1,5 triệu thùng/ngày. Giới quan sát cảnh báo, những cuộc tấn công với cấp độ tương tự có thể trở nên vô cùng tồi tệ cho kinh tế toàn cầu, nhất là khi cả thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.

Nổ tại cơ sở lọc dầu trái phép ở Nigeria 

Ngày 22-4, xảy ra vụ cháy nổ ở cơ sở lọc dầu trái phép tại bang Rivers khiến hơn 100 người chết, phần lớn nạn nhân là thanh niên. Khoảng 150 người bị thương với nhiều mức độ bỏng khác nhau. Địa điểm xảy ra vụ cháy nổ ở khu vực Ohaji-Egbema của bang Imo trong khu rừng Abaezi, nằm giữa biên giới của 2 bang Rivers và Imo. Tháng 10-2021, một vụ cháy nổ gây hỏa hoạn cũng xảy ra tại một cơ sở lọc dầu bất hợp pháp ở bang River khiến 25 người chết.  

Tình trạng thất nghiệp lan rộng ở đồng bằng sông Niger khiến lọc dầu trái phép trở thành lối thoát nghèo với nhiều người ở khu vực. Cơ sở lọc dầu chui thường rút dầu thô từ đường ống của công ty lớn và dùng bồn chứa tự chế để sản xuất nhiên liệu trái phép. Quá trình này sử dụng nhiều hóa chất độc hại, dễ dẫn đến tai nạn chết người và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Nigeria là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất châu Phi. Theo ước tính, nước này mất trung bình 200.000 thùng dầu mỗi ngày, chiếm hơn 10% sản lượng khai thác, do tình trạng người dân lấy trộm dầu từ các đường ống dẫn dầu. Vấn nạn trộm cắp và phá hoại đường ống dẫn dầu đã góp phần gây ô nhiễm rất lớn ở những khu vực khai thác dầu.

Indonesia: Thiệt hại 8 triệu USD do nổ kho dầu

Ngày 29-3-2021, nhà máy lọc dầu Balongan thuộc sở hữu của công ty dầu khí nhà nước Pertamina ở miền Tây Java của Indonesia bùng cháy dữ dội. Có 4 bể chứa dầu bị cháy. Cơ quan thiên tai địa phương cho biết, 1 người chết vì lên cơn đau tim sau vụ nổ, 6 người bị thương nặng. Ít nhất 30 người bị thương nhẹ. Khoảng 1.000 cư dân quanh nhà máy lọc dầu buộc phải sơ tán. Pertamina tuyên bố đóng cửa nhà máy lọc dầu Balongan và thực hiện biện pháp kiểm soát dòng chảy dầu để ngăn ngọn lửa tiếp tục cháy lan.

Balongan là một trong những nhà máy lọc dầu lớn nhất Indonesia, được xây dựng từ năm 1994, có công suất lọc 125 thùng dầu/ngày. Viện Phát triển và Kinh tế tài chính Indonesia (INDEF) ước tính, vụ hỏa hoạn nghiêm trọng gây thiệt hại khoảng 8 triệu USD cho công ty dầu khí quốc gia Indonesia.

Tin cùng chuyên mục