Trong bối cảnh kinh tế Mỹ, châu Âu đang vật lộn với núi nợ công, thậm chí nhiều ý kiến còn bi quan cho rằng thế giới sẽ bước vào cuộc khủng hoảng kinh tế mới, Ngân hàng châu Á (ADB) lại cho rằng, đây là một cơ hội dành cho châu Á với những dòng vốn rót vào từ các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn tìm được kênh đầu tư an toàn.
Sau những phiên giảm điểm liên tiếp trong nhiều ngày qua, thị trường chứng khoán thế giới ngày 10-8 đã dễ thở hơn sau tuyên bố của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) duy trì mức lãi suất siêu thấp 0-0,25% trong 2 năm tới. Cùng với việc xem xét thêm một số công cụ tài chính khác, FED hy vọng sẽ vực dậy nền kinh tế Mỹ đang suy giảm trong thời gian tới.
Sau thông báo của FED, thị trường chứng khoán châu Á từ Tokyo, Sydney, Hồng Công, đến Seoul đồng loạt tăng điểm lần lượt 1,05%; 2,64%; 2,34%; 0,27%. Tại châu Âu, các sàn giao dịch Frankfurt, Luân Đôn, Paris… cũng chứng kiến xu hướng này trong phiên giao dịch mở cửa, với mức tăng trung bình khoảng 2%. Tuy nhiên, đến 23 giờ theo giờ Việt Nam, thị trường Luân Đôn, Tây Ban Nha, Ý, Pháp… bất ngờ quay đầu tụt điểm lần lượt 3,05%; 5,49%; 6,65%; 5,54%...
Cơ hội lớn
Theo ADB, trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các nhà đầu tư luôn mong muốn tìm kiếm một kênh đầu tư an toàn. Giá vàng mỗi ngày lập một mốc mới phần nào phản ánh xu hướng trên trong bối cảnh đầu tư vào thị trường chứng khoán, bất động sản đem lại nhiều rủi ro. Chính vì lẽ đó, người đứng đầu Văn phòng hội nhập kinh tế khu vực của ADB, ông Iwan Azis, nhận định với kinh tế tăng trưởng mạnh, các nền kinh tế mới nổi ở châu Á, trong đó có Việt Nam, chắc chắn sẽ tiếp tục là điểm đến thu hút các nhà đầu tư nước ngoài sau cuộc khủng hoảng trên thị trường chứng khoán. Nguyên nhân giúp cho khu vực châu Á khác biệt so với phần còn lại của thế giới, theo ông Azis, là nhờ “những nền tảng vĩ mô vững chắc”.
Với việc kiểm soát chặt chẽ thị trường tài chính và tăng cường nguồn dự trữ ngoại hối quốc gia kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á hồi năm 1997, khu vực này hiện đang có nguồn dự trữ cũng như khả năng thanh khoản thặng dư và có nhiều công cụ tài chính hơn để thu hút các nhà đầu tư. Tăng trưởng kinh tế châu Á đạt 9,2% trong năm 2010 và dự báo sẽ đạt 7,7% trong năm nay và 7,6% trong năm 2012. Với dân số chiếm 60% thế giới, GDP đứng thứ 2 trong 5 châu lục (chỉ sau châu Âu), sở hữu nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá..., châu Á sở hữu những yếu tố phát triển kinh tế đáng mơ ước mà các nhà đầu tư không thể làm ngơ.
Thách thức không nhỏ
Tuy nhiên, theo ADB, châu Á cũng có thể sẽ vấp phải những khó khăn trong thời gian tới. Đầu tiên, đó là các hoạt động xuất khẩu của khu vực này tới các thị trường truyền thống ở Mỹ và châu Âu dự báo sẽ sụt giảm. Theo báo cáo mới nhất ngày 10-8, sản lượng kinh tế Singapore trong quý 2 giảm đến 6,5% khi nhu cầu hàng điện tử giảm mạnh trên toàn cầu. Các nhà kinh tế nhận định đó là dấu hiệu cho thấy một cuộc suy thoái kỹ thuật (suy giảm kinh tế trong 2 quý liên tiếp) lần 2 trong 3 năm qua đối với Singapore - đất nước phụ thuộc vào xuất khẩu.
Trong khi đó, xuất khẩu của Thái Lan trong tháng 6 cũng giảm 1% so với tháng 5. Theo HSBC, tuy xuất khẩu Trung Quốc trong tháng 7 tăng cao kỷ lục 20% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng các hoạt động sản xuất của nước này đang giảm do chính quyền đang muốn làm chậm lại nền kinh tế phát triển nóng. Credit Suisse Group AG, công ty tài chính có trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ cho biết ngay cả xuất khẩu của Trung Quốc, trong thời gian tới cũng sẽ chậm lại do nền kinh tế Mỹ ảm đạm, kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm.
Xuất khẩu của châu Á vẫn phụ thuộc lớn vào nhu cầu tại Mỹ và châu Âu, mặc dù đã có những điều chỉnh đẩy mạnh tái cân bằng lại nền kinh tế thế giới, nhằm giúp tăng trưởng toàn cầu bớt phụ thuộc vào mối quan hệ này và dựa nhiều hơn vào nhu cầu trong nước.
Sau cùng, ADB cũng khuyến cáo các nhà hoạch định chính sách tại châu Á cần phát triển các công cụ để giải quyết các dòng vốn đầu tư không ổn định có thể dẫn tới những “chu kỳ tăng trưởng - sụp đổ”.
Đỗ Văn (tổng hợp)