Nhiều doanh nghiệp ngành GT-VT kinh doanh thua lỗ kéo dài

Nợ đọng, bỏ thầu giá thấp, đầu tư không hiệu quả…

Nợ đọng, bỏ thầu giá thấp, đầu tư không hiệu quả…

Chỉ trong bốn năm từ 2001-2004, ngành giao thông vận tải đã được đầu tư tới 44.353 tỷ đồng. Thế nhưng, đến cuối năm 2004, tổng số lỗ lũy kế của DN ngành GT-VT lên đến trên 1.000 tỷ đồng. Ngoài Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GT-VT kinh doanh có hiệu quả, còn lại 11 tổng công ty khác thuộc Bộ GT-VT bị lỗ lớn. Tại sao lại có tình trạng này?

  • Nợ đọng chồng chất…
Nợ đọng, bỏ thầu giá thấp, đầu tư không hiệu quả… ảnh 1

Công trình xây dựng cầu Nhị Thiên Đường 2 (TPHCM) thi công chậm vì giá trúng thầu thấp.

Cuối năm 2004, số liệu thống kê cho biết tổng số khoản nợ phải thu của các DN thuộc Bộ GT-VT chưa được thanh toán là trên 4.156 tỷ đồng. Nếu tính thêm phần khối lượng xây dựng đã hoàn thành nhưng chưa nghiệm thu thì tổng số nợ đọng lên đến 6.223 tỷ đồng. Trong đó, nợ từ các dự án vốn ngân sách trung ương do Bộ GT-VT quản lý là 3.073 tỷ đồng, nợ từ các dự án của địa phương là 2.124 tỷ đồng.

Làm một phép tính đơn giản: Hiện Bộ GT-VT có khoảng 200 công ty xây dựng, nếu chia đều tổng số nợ đọng 6.223 tỷ đồng, bình quân mỗi công ty bị nợ trên 31 tỷ đồng. Số nợ này sớm nhất 2 năm sau mới được thanh toán và không được tính lãi.

Trong khi đó, DN phải vay vốn ngân hàng để hoạt động và chịu lãi suất bình quân 10%/năm. Như vậy, mỗi DN phải chịu lãi 3,1 tỷ đồng/năm. Đáng lo ngại hơn, do không trả nợ ngân hàng đúng hạn, nhiều DN đã bị ngân hàng “quay lưng”, không tiếp tục cho vay. Khó khăn lại chồng lên khó khăn.

Vấn đề đặt ra là tại sao số nợ đọng lại nhiều đến vậy? Theo lãnh đạo một số DN, để tạo việc làm, dù vốn lưu động thấp, nhưng nhiều đơn vị vẫn phải “nhắm mắt” vay vốn ngân hàng thực hiện các công trình với tổng vốn đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, do tình trạng dàn trải về đầu tư, nhiều địa phương dù ngân sách chỉ có khả năng đáp ứng cho vài công trình giao thông, nhưng lại sẵn sàng cho đầu tư theo phương thức BT (đầu tư và chuyển giao) - đơn vị thi công ứng vốn trước, ngân sách trả chậm sau - nên đồng ý triển khai ngay nhiều công trình mà lẽ ra phải chờ kế hoạch vốn của những năm sau. Nhiều chủ đầu tư dự án đã không thanh toán kịp thời khối lượng thi công hoặc chỉ trả vốn nhỏ giọt cho các công trình khiến các nhà thầu lâm vào cảnh “nợ chồng nợ”.

Mới đây, để giải quyết “hậu quả” nợ đọng, Chính phủ đã buộc phải ứng vốn của kế hoạch năm 2005 trên 1.700 tỷ đồng để trang trải một phần nợ thuộc ngân sách Trung ương từ năm 2002 trở về trước. Đối với các khoản nợ của địa phương, Bộ GT-VT cũng triển khai nhiều biện pháp, nhưng đến nay, theo Bộ trưởng Bộ GT-VT Đào Đình Bình, số nợ của các địa phương vẫn còn khoảng 1.605 tỷ đồng (trong đó, có 1.056 tỷ đồng nợ khối lượng XDCB đã được nghiệm thu).

  • Bỏ thầu giá thấp: “Uống thuốc độc giải khát”!

Theo Bộ trưởng Đào Đình Bình, do sức ép về tạo việc làm và tâm lý muốn có bằng được công trình nên một số đơn vị khi tham gia đấu thầu các công trình giao thông đã bỏ thầu với “giá thấp một cách bất hợp lý”. Với các mức giá này, kể cả khi được thanh toán thì DN vẫn có thể bị lỗ.

Kết quả kiểm toán của cơ quan chức năng cho thấy, nhiều DN ngành GT-VT thua lỗ là do đã bỏ và trúng thầu chỉ bằng 50%-70%, thậm chí chỉ bằng 40%-50% giá dự toán. “Với mức giá này, rõ ràng là uống thuốc độc để giải khát. Vậy mà, nhiều DN vẫn cứ làm” – một vị lãnh đạo Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam ví von.

Tính đến hết năm 2004, có nhiều vụ bỏ thầu nhiều công trình thấp hơn giá dự toán khá nhiều, khiến giới xây dựng giật mình. Trong đó, có thể kể đến Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long với dự án cải tạo, nâng cấp QL2 Nội Bài - Bắc Ninh (giai đoạn 1), đường B1 - cầu Đá Bạc, đường R5 Hải Phòng, đường 2A - Lăng Cô, cầu Nhị Thiên Đường 2; Tổng Công ty Xây dựng đường thủy với các công trình cảng Tiên Sa, cảng Cái Lân, đường hầm Hải Vân; Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 với dự án cải tạo QL1 đoạn Đông Hà - Quảng Ngãi, cầu Dần Xây…

Điều đáng nói là mặc dù thua lỗ, nhưng một số DN ngành GT-VT lại đầu tư mua sắm trang thiết bị, công nghệ khá tràn lan, kém hiệu quả. Kết quả kiểm tra cho thấy, một số DN đã không có khả năng trả được nợ ngân hàng do đầu tư tài sản lớn như Tổng Công ty Xây dựng đường thủy đã chi 350 tỉ đồng đầu tư 3 tàu nạo vét, 3 tàu vận tải và tàu HP.01 (được Nhà nước cho khoanh nợ đến năm 2005); Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long vay vốn ODA 65 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất dầm thép khẩu độ lớn (được Nhà nước cho hoãn nợ đến năm 2004); Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8 vay vốn ODA 29,6 tỷ đồng để đầu tư dây chuyền sản xuất đá…

  • Kiên quyết giải thể những DN thua lỗ kéo dài?

Thực trạng trên đã được Bộ GT-VT nhận ra từ lâu và đề ra nhiều giải pháp khắc phục. Bên cạnh việc xử lý nợ đọng, Bộ GT-VT cũng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính tìm cách giải quyết vấn đề nợ vay ngân hàng của các DN. Về phía DN, Bộ GT-VT đã yêu cầu các đơn vị dứt khoát chấm dứt ngay tình trạng nhận công trình chưa rõ nguồn gốc vốn. Đối với việc bỏ thầu giá thấp, Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết sẽ kiên quyết không phê duyệt kết quả đấu thầu.

Quyết liệt hơn, ngay từ đầu năm 2005, Bộ trưởng Đào Đình Bình đã có chỉ thị yêu cầu “các đơn vị, tổng công ty và doanh nghiệp trực thuộc Bộ GT-VT phải công khai tình hình tài chính với cấp trên”. Chỉ thị này nhấn mạnh, Bộ GT-VT sẽ kiên quyết giải thể hoặc cho phá sản đối với những DN sản xuất kinh doanh thua lỗ kéo dài. Đồng thời, không áp dụng hình thức sáp nhập hoặc chia tách thành nhiều DN đối với những đơn vị thua lỗ lớn, nợ quá nhiều.

Về lâu dài, Bộ trưởng Đào Đình Bình cho biết, việc bố trí các nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vay ngân sách… đầu tư cho các công trình giao thông sẽ là biện pháp giảm áp lực về vốn cho DN. Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh và làm quyết liệt tiến trình cổ phần hóa, bán, khoán, cho thuê… các DN trực thuộc bộ. “Vấn đề nhân sự cũng rất quan trọng. Chúng tôi sẽ kiên quyết thay thế những cán bộ lãnh đạo thiếu năng lực. Đồng thời, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của DN”.

NGUYÊN PHONG
 

Tin cùng chuyên mục