Nỗi ám ảnh của ngành y

Làm nhiệm vụ cứu người nhưng nhiều y sĩ, bác sĩ lại bị chính bệnh nhân và người nhà hành hung trọng thương, thậm chí là mất mạng. 
Bảo vệ BV Chợ Rẫy thường xuyên tuần tra để kịp thời xử lý các tình huống mất an ninh trật tự
Bảo vệ BV Chợ Rẫy thường xuyên tuần tra để kịp thời xử lý các tình huống mất an ninh trật tự
Giờ đây, thay vì chỉ lo chữa trị cho bệnh nhân, các cán bộ, nhân viên y tế còn nơm nớp lo sợ, canh cánh đề phòng vì có thể bị hành hung bất kỳ lúc nào… 
Bác sĩ ăn đòn như… cơm bữa
Những vụ hành hung cán bộ, nhân viên y tế ngay tại bệnh viện (BV) xảy ra liên tục trong thời gian qua đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an ninh, an toàn trong BV. Tại BV Thể thao Việt Nam, 2 đối tượng (trong đó, có 1 người là bố của bệnh nhi đang điều trị tại BV) đánh bác sĩ ngay ngoài cổng, sau đó lôi vào trong BV và tiếp tục hành hung, bắt bác sĩ phải quỳ xuống xin lỗi. Một trường hợp khác, tại BV Đa khoa Thạch Thất (Hà Nội), người nhà bệnh nhân đã đánh bác sĩ Lê Quang Dương bị chấn thương sọ não. Tiếp đó là vụ một sinh viên y khoa thực tập tại BV Đa khoa Thái Nguyên bị hăm dọa và hành hung. Gần đây nhất, vào cuối tháng 6-2017, trong lúc đang làm nhiệm vụ tại bãi gửi xe của BV Sản - Nhi Nghệ An, ông L.M H. bất ngờ bị một người đàn ông cầm dao đuổi đánh và đâm nhiều nhát, khiến ông H. bất tỉnh tại chỗ. Người dân và bảo vệ BV đã khống chế đối tượng, đưa ông H. đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, ông H. đã tử vong. 
"Bệnh viện phải là đơn vị chủ động đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tính mạng cho cán bộ, nhân viên y tế, khu cấp cứu phải bố trí lực lượng bảo vệ giỏi và được trang bị những dụng cụ cần thiết (roi điện, lưới tung…), để khi xảy ra sự cố thì có thể bắt đối tượng một cách nhanh chóng mà không gây thương tích. Bên cạnh đó, đội ngũ bảo vệ cần được tập huấn thường xuyên. Khi có sự cố gây mất trật tự, bác sĩ chỉ cần ấn nút, các bảo vệ có bộ đàm liên lạc với nhau, tập hợp nhanh chóng, xử lý ngay tại chỗ và báo cho công an địa phương phối hợp xử lý" -

TS-BS NGUYỄN ĐÌNH PHÚ, Phó giám đốc BV Nhân dân 115
Mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể về các vụ hành hung y bác sĩ, nhưng theo thông tin trên các báo đài, chỉ tính những sự việc gây tổn thương nặng đối với tính mạng của người bị hại, từ năm 2010 đến nay, cả nước đã có trên 22 vụ, trong đó 1 bác sĩ bị hành hung đến tử vong. Chia sẻ về những câu chuyện đắng cay trong nghề, Tiến sĩ Võ Xuân Sơn, bác sĩ từng làm việc tại Khoa Ngoại thần kinh BV Chợ Rẫy, kể lại khi ông còn công tác ở BV Chợ Rẫy, các bác sĩ cấp cứu và ngoại thần kinh hàng ngày đều gặp những tình huống bệnh nhân hành hung, lăng mạ bác sĩ vô căn cứ; từ hành động đạp, đấm đá, phun nước miếng cho đến nắm áo, xé áo… “Túi áo blouse trắng của chúng tôi sau mỗi đêm trực nếu không rách thì cũng bị dơ, do bệnh nhân nắm trúng khi khám cho họ. Còn việc nghe người bệnh chửi rủa thì thường xuyên và là… chuyện nhỏ”, Tiến sĩ Võ Xuân Sơn chua chát nhớ lại. 
Còn theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó giám đốc BV Từ Dũ, Khoa Sản là nơi mà các y bác sĩ phải chịu nhiều áp lực. Đối với thai phụ, mặc dù có thể tầm soát nhưng cũng không thể dự đoán hết được những biến chứng y khoa sẽ xảy ra. Vì vậy, một số trường hợp dù bác sĩ thực hiện đúng quy trình nhưng vẫn xảy ra tai biến, bị người nhà sản phụ đòi hành hung hoặc chửi rủa xúc phạm danh dự. “Chính điều này tạo nên áp lực lớn đối với người thầy thuốc. Khi tai biến y khoa xảy ra, có những bác sĩ bị đe dọa, bị ám ảnh tới mức không dám đi làm, phải sau một thời gian mới ổn định tâm lý, quay trở lại công việc”, bác sĩ Mỹ Nhi tâm sự.  
Cơ chế nào bảo vệ nhân viên y tế?
Theo bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, việc thành lập hội nghề nghiệp trong thời gian tới được kỳ vọng sẽ là bảo vệ quyền lợi chính đáng của những người hành nghề y, các tai biến y khoa sẽ được xem xét cụ thể hơn. Từ đó, có thể giảm thiểu những hạn chế về việc hành hung, lăng mạ các y bác sĩ. “Hội sẽ xem xét sự cố thuộc về lỗi y khoa hay là tai biến y khoa không mong đợi. Người bệnh và thân nhân sẽ cảm thấy minh bạch hơn khi câu trả lời được đưa ra từ hiệp hội, không có điều gì che giấu cả”.
Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu về chống bạo hành nhân viên y tế, đồng ý bổ sung Điều 134 Bộ luật Hình sự về tình tiết tăng nặng đối với những trường hợp hành hung người đang chăm sóc sức khỏe cho mình. Việc thông qua bổ sung điều luật này đã nhận được sự ủng hộ của dư luận, đặc biệt là những người làm nghề y. Đây sẽ là cơ sở, là khung pháp lý đầu tiên giúp cho những người hoạt động trong lĩnh vực y tế cảm thấy được bảo vệ, có một môi trường làm việc an toàn. Tuy nhiên, luật pháp cũng nên quy định xử lý đối với người nhà bệnh nhân có hành vi hành hung bác sĩ.

Tin cùng chuyên mục