Đọc bài viết “Nha Trang và Mũi Né bị xếp hạng bãi biển “tệ” nhất - Cơ hội nhìn lại mình”, tôi và nhiều người hay đi du lịch biển cảm thấy buồn nhưng không quá ngạc nhiên về kết quả bình chọn này. Tuy chính quyền địa phương đã có ý kiến phản biện trước thông tin mà Tạp chí National Geographic xếp hạng nhưng cũng nên tỉnh táo nhìn nhận những tồn tại, yếu kém về quản lý, quy hoạch ở 2 bãi biển này chưa phù hợp với xu thế phát triển ngành du lịch bền vững của nước nhà.
Nếu chỉ nhìn ở con số du khách quốc tế và nội địa vẫn tìm đến 2 địa danh du lịch biển nổi tiếng năm sau cao hơn năm trước và ngày càng có thêm các sự kiện lớn, mang tầm quốc tế được tổ chức tại đây để ngủ quên trên chiến thắng thì lãnh đạo của 2 địa phương nói trên chưa thấm thía nỗi buồn khi bãi biển bị xếp hạng “tệ nhất” trong 99 bãi biển đẹp nhất thế giới. Thực tế cho thấy, không phải được xếp hạng nhất là giữ được ngôi vị của mình mãi mãi. Nếu không biết tôn tạo, giữ gìn vẻ đẹp, sức cuốn hút tự nhiên của bãi biển nước xanh trong, cát trắng mịn màng như ở Nha Trang, Mũi Né thì danh hiệu này sẽ bị mờ đi trong mắt du khách. Ai đã từng đi du lịch ở 2 thắng cảnh biển nổi tiếng này không thể quên hình ảnh bãi biển với cát trắng trải dài hun hút, nước biển trong xanh, môi trường tự nhiên thuần khiết sạch đẹp…
Còn bây giờ, nơi đây đang bị sức ép đô thị hóa quá nhanh, kèm theo sự buông lỏng về quản lý, quy hoạch, kiến trúc khiến cho không gian tự nhiên, công cộng bị thu hẹp. Nhà hàng, khách sạn, resort mọc lên như nấm và không theo quy chuẩn kiến trúc, án ngữ mặt biển nên chiếm hết tầm nhìn, lối đi xuống bãi biển, xâm hại thô bạo môi trường biển. Đó là chia kể, bãi biển bị chia cắt, bị xâm lấn vô tội vạ bởi kiểu kinh doanh “ăn xổi ở thì”, chạy theo lợi nhuận và sự vô tâm hủy hoại bãi biển của con người như xả nước thải chưa qua xử lý ra thẳng bờ biển, xả rác bừa bãi khiến bờ biển phải kêu cứu.
Hậu quả của tình trạng mạnh ai nấy làm du lịch và mạnh ai nấy khai thác tối đa tiềm năng du lịch - lộc trời ban tặng, bất chấp lợi ích chung đã dẫn đến thực tế du khách quốc tế và nội địa đến một lần rồi quay lưng, bỏ chạy. Vì tầm nhìn ngắn nên người ta thả cửa khai thác, tận thu, tận hưởng và ít quan tâm đầu tư, gìn giữ vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng cho những danh lam thắng cảnh nổi tiếng này. Chính vì thế, kết quả bình chọn đã xếp 2 bãi biển Nha Trang, Mũi Né vào top những bãi biển tệ nhất thế giới, âu cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh cho chính quyền, các cơ quan liên quan và những người làm du lịch ở đây.
Những gì chúng ta đã cố gắng làm tốt nhất để thu hút du khách quốc tế và du khách nội địa thật đáng ghi nhận. Thế nhưng, đừng vì tự hào thái quá về những gì thiên nhiên ban tặng và những gì chúng ta đang cầm trong tay mà không nhìn thấy tồn tại cùng những vết đen, thói quen xấu đang từng ngày hủy hoại hình ảnh đẹp đẽ, nên thơ của bãi biển Nha Trang và Mũi Né.
Nếu không có biện pháp và các quyết sách ngăn chặn nguy cơ xâm hại môi trường, cảnh quan ở 2 bãi biển này và nhiều bãi biển, vịnh đẹp khác trong cả nước thì sẽ có ngày chúng ta phải trả giá đắt cho sự vô tâm, thiếu trách nhiệm này. Mục tiêu của chúng ta là đẩy mạnh khai thác tiềm năng du lịch biển, thu hút thêm lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Để làm được điều này thì các địa phương - nơi có những danh lam thắng cảnh như Vịnh Hạ Long, Nha Trang, Vân Phong, Mũi Né, Phú Quốc… phải hành động bằng cách tự hoàn thiện, xây dựng hình ảnh, thương hiệu của mình ngày càng đẹp hơn, ấn tượng hơn.
KHANH NHƯ
Lời cảnh báo không thừa
Việc biển Nha Trang và Mũi Né xếp loại “tồi” nhất thế giới có thể xem là lời cảnh báo cần thiết. Dư luận có quyền đặt dấu hỏi về thực trạng khai thác du lịch, công tác đầu tư, quản lý tài nguyên biển ở 2 địa chỉ du lịch biển này.
Thực tế cho thấy, biển Nha Trang đang đối mặt với nguy cơ ô nhiễm nặng bởi mỗi khi có trận mưa lớn, biển từ màu xanh biến thành màu vàng của nước ô nhiễm từ sông Cái đổ về, kéo theo đó là vô số rác, túi ni lông và củi khô. Dọc bờ biển đường Trần Phú và đường Phạm Văn Đồng còn có 4 cống nước thải đen ngòm liên tục chảy ra biển mà nhiều năm nay TP Nha Trang vẫn chưa tìm ra cách khắc phục. Một khi tốc độ xây dựng quá nóng cộng với việc giải quyết nước thải chưa khoa học (cho ống chảy thẳng xuống biển) thì Nha Trang cũng như các vùng biển khác của Việt Nam sẽ vẫn mãi xuống cấp và “mất điểm” trong mắt người nước ngoài. Nha Trang - hiện đang là thành viên Câu lạc bộ Những vịnh đẹp nhất thế giới (được công nhận vào năm 2003) - “lọt” vào danh sách các bãi biển kém nhất trong nhóm 100 bãi biển đẹp nhất thế giới là một điều vô cùng đáng buồn.
Báo chí từng đề cập rất chính xác vấn đề các bãi biển đẹp của VN bị băm nát bởi quy hoạch ở các địa phương, hoặc biến thành tài sản riêng cho những nhóm lợi ích. Dọc các bãi biển đẹp, từ Đà Nẵng, Hội An đến Quy Nhơn, Nha Trang, Mũi Né là nhà hàng, khách sạn cao cấp mọc lên như nấm. Việc Tạp chí National Geographic đưa đánh giá thấp bãi biển Nha Trang, Mũi Né là một lời cảnh báo nữa với ngành du lịch Việt Nam về việc sử dụng và quản lý không tốt tài nguyên thiên nhiên biển.
LÊ THIÊN NGÂN (lethienngan…@gmail.com)