Ngày 22-8, Nga chính thức trở thành quốc gia thành viên thứ 156 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây không những là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế nước này mà còn là niềm mong đợi từ lâu của các nhà đầu tư phương Tây. Tuy nhiên, sự kiện trọng đại này của Nga đã trở thành nỗi lo và tiếc nuối của giới đầu tư Mỹ.
Việc gia nhập WTO sau gần 2 thập niên đàm phán sẽ mang lại cho Nga nguồn lợi khoảng 918 tỷ USD/năm nhờ các ưu đãi về thuế quan (theo Reuters). Hàng rào thương mại được hạ thấp khi Nga vào WTO sẽ mở ra những cơ hội làm ăn mới ở Nga cho các công ty nước ngoài. Nga sẽ hạ thuế quan nhập khẩu từ mức khoảng 15% hiện nay xuống còn 7% cho tất cả các lĩnh vực trong nền kinh tế, áp dụng đối với 155 quốc gia thành viên của tổ chức này.
Trong khi các công ty ở châu Âu, châu Á được hưởng nhiều lợi thế từ ưu đãi thuế quan để tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường 142 triệu dân, thu nhập gia tăng và tầng lớp trung lưu đang phát triển mạnh, thì các công ty lớn của Mỹ xuất khẩu hàng hóa sang Nga như Caterpillar, Deere và General Electric (GE)… đều không được đảm bảo những lợi thế như vậy ở Nga.
Theo báo New York Times, nguyên nhân là do Quốc hội Mỹ trước đó đã không chấp nhận đề nghị của Tổng thống Barack Obama, trao cho Nga quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn. Điều này rất quan trọng vì luật của WTO bắt buộc bất kỳ nước nào muốn được hưởng lợi ích từ tổ chức này phải áp dụng cùng quy tắc thương mại cho tất cả các quốc gia thành viên.
Nga là một trong 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của hãng máy công nghiệp Caterpillar. Trong 5 năm qua, doanh thu xuất khẩu máy móc của công ty Mỹ này sang Nga đã đạt 2 tỷ USD. Khi Nga vào WTO, mức thuế đánh vào các mặt hàng xe cộ nhập khẩu sẽ giảm từ 15% xuống 5%. Song, Caterpillar vẫn phải chịu đóng thuế cao hơn 100.000 - 700.000 USD/chiếc xe tải dùng trong ngành khai thác mỏ so với mức thuế mà Công ty Nhật Komatsu phải nộp. Ngoài ra, Caterpillar cũng sẽ chịu sự cạnh tranh gay gắt từ đối thủ Shantui của Trung Quốc hay Leibherr của Đức tại thị trường Nga.
Địa vị thành viên WTO rõ ràng đang đặt nhiều công ty lớn của Mỹ vào thế rủi ro khi cạnh tranh với các đối thủ châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… Xuất khẩu của Mỹ sang Nga sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực nếu quốc hội chưa dỡ bỏ điều khoản sửa đổi Jackson-Vanik (áp dụng từ thời Chiến tranh lạnh nhằm hạn chế thương mại với Liên Xô và các nền kinh tế mà Mỹ coi là phi thị trường). Đây chính là rào cản trong việc thiết lập quan hệ thương mại song phương giữa Mỹ và Nga. Cả thế giới đã sẵn sàng phê chuẩn quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn với Nga, ngoại trừ Mỹ. Do đó, Nga có quyền từ chối những lợi ích đầy đủ của Mỹ.
Chừng nào Quốc hội Mỹ còn chưa trao cho Nga quy chế quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn, chừng đó, thị phần của Mỹ tại Nga vẫn còn chịu tác động bất lợi. Thomas Donohue, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ, nhận định: “Trong khi các công ty châu Á và châu Âu đã bắt đầu thu được lợi ích từ thị trường Nga do áp dụng quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn, Mỹ có nguy cơ bị bỏ lại phía sau một lần nữa” .
HẠNH CHI