Nối dài đời sống cho những vở kịch

Ngoài công diễn trên sân khấu, thời gian gần đây, các đơn vị xuất bản đã giới thiệu đến bạn đọc nhiều ấn phẩm là những vở kịch nổi tiếng. Không chỉ nối dài đời sống cho những vở kịch, sách còn mang đến cho độc giả một cách thưởng thức mới. 

Cần thiết và hữu ích

Nhã Nam vừa liên kết với NXB Văn học ra mắt ấn phẩm Trong khi chờ đợi Godot, một vở kịch nổi tiếng của nhà văn Samuel Beckett, từng được trao giải Nobel Văn chương năm 1969. Vở kịch được công diễn lần đầu năm 1953 tại Paris, không lâu sau được dịch và diễn khắp thế giới. Chỉ với 5 nhân vật (cùng 1 nhân vật chỉ được nhắc tên), vở kịch với những câu thoại đặc sắc, đánh dấu bước khởi đầu cho các thử nghiệm trong cách tân kịch của Samuel Beckett. 

Nối dài đời sống cho những vở kịch ảnh 1 Một số vở kịch được in thành sách, đã ra mắt độc giả trong thời gian qua
Sau vở kịch R.U.R, Tao Đàn tiếp tục giới thiệu đến độc giả vở kịch Bệnh trắng (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Karel Čapek. Đây là vở kịch chống chiến tranh nổi tiếng nhất của Karel Čapek được viết vào năm 1937, được công diễn lần đầu tiên tại Nhà hát Dân tộc Praha vào năm 1937. Sau chiến tranh, vở kịch được diễn nhiều lần ở châu Âu. Bộ phim Séc chuyển thể cùng tên Bệnh trắng ra đời ngay trong năm 1937. Năm 1987, Bệnh trắng được biểu diễn tại Nhà hát kịch Việt Nam theo bản dịch này.

Bên cạnh đó, hai tác phẩm kinh điển là Lão hà tiện của Molière, Con chim xanh của Maurice Maeterlinck đã được NXB Kim Đồng đưa vào tủ sách “Văn học trong nhà trường”. Một số vở kịch nổi tiếng trên thế giới cũng được giới thiệu gần đây thông qua những cuốn sách như Người hảo tâm thành Tứ Xuyên (Sống và NXB Dân trí), Rạp Eden (Domino Books và NXB Văn học), Ruồi (Sách thật và NXB Hội Nhà văn)… 

Trước đó ở trong nước, nhiều vở kịch của các nhà văn cũng được in thành sách như Hồn Trương Ba da hàng thịt (Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn) và Nàng Sita (NXB Trẻ) của Lưu Quang Vũ, Kịch (NXB Trẻ) của Hồ Anh Thái, vở chèo Vong bướm (Nhã Nam và NXB Thời đại) và Tuyển tập kịch (NXB Trẻ) của Nguyễn Huy Thiệp, Dòng xoáy nghiệt ngã (NXB Văn hóa - Văn nghệ) của Bích Ngân… 

Trước đây, nhà văn - đạo diễn Nguyễn Thu Phương cũng có 2 kịch bản được NXB Sân khấu in thành sách là Cây lẻ bạnLối nhỏ vào đời. Nhà văn Nguyễn Thu Phương đánh giá cao việc in kịch bản thành sách. Chị lý giải: “Vốn dĩ văn học kịch là một nhánh của văn học nói chung, nên cũng có lượng độc giả quan tâm đón đọc - những độc giả này không chỉ là dân trong nghề sân khấu mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, kể cả là người hâm mộ của biên kịch, của nhà văn sẵn có từ trước. Đôi khi các cây bút trẻ mới vào nghề cũng chọn cách đọc kịch bản từ sách để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao bút lực. Việc làm này, do đó theo tôi là rất cần thiết và hữu ích”.        

Giữ lại giá trị nguyên tác 

Theo ông Nguyễn Xuân Minh, Giám đốc bản quyền Công ty Sách Nhã Nam, kịch cũng là một thể loại trong văn chương và thể loại này vẫn có những độc giả nhất định, hay giới nghiên cứu chờ đón. Văn chương không chỉ có tiểu thuyết, truyện ngắn, mà còn có cả thơ và kịch. Theo ông Xuân Minh, so với các tác phẩm văn học, số người đọc quan tâm đến thơ, kịch… ít hơn nhiều. Tuy nhiên, khi xuất bản những tác phẩm như vậy, đơn vị này không đặt quá nặng vào vấn đề doanh thu hay lợi nhuận. Quan trọng là tìm được độc giả trân trọng cuốn sách và nỗ lực của những người thực hiện. “Có được điều đó là chúng tôi đã thấy vui lắm rồi. Trong tương lai, chúng tôi có thể tiếp tục dịch và giới thiệu thêm một vài vở kịch nổi tiếng thế giới đến với độc giả Việt Nam”, ông Minh cho biết.

Ở vai trò là tác giả và đạo diễn, nhà văn Nguyễn Thu Phương cho rằng, việc in kịch bản thành sách mang lại cho độc giả và khán giả giá trị nguyên tác của văn bản gốc. Đó hoàn toàn là văn phong, chữ nghĩa của chính tác giả, không qua chỉnh sửa hay thay đổi. Ngoài ra, vì là sách nên vẫn có giá trị lưu giữ trong sự nghiệp sáng tác của người viết, rất riêng biệt và độc lập - cho dù kịch bản có được dàn dựng hay không thì cũng đã ra mắt công chúng và có cơ hội tiếp cận. 

Tuy nhiên, theo nhà văn Nguyễn Thu Phương, chuyện gì cũng có hai mặt. Trong trường hợp tác phẩm sân khấu thật sự hay và hấp dẫn, tạo được tiếng vang, khán giả trở thành độc giả - bỏ công tìm kiếm để đọc kịch bản nguyên tác và nhanh chóng nhận ra mọi thứ không phải như họ đã hình dung, thì sẽ thành “lợi bất cập hại” cho biên kịch... “Thực tế cho thấy, kịch bản sân khấu vốn dĩ thuộc văn học kịch nhưng không phải kịch bản nào dựng thành vở diễn hay thì cũng có đủ chất văn chương hay đáng để tìm đọc - và ngược lại, không phải mọi vở diễn thành công đều xuất phát “nguyên xi” từ kịch bản tốt và hoàn chỉnh về kết cấu thể hiện, đôi khi còn để lộ những nhược điểm, những hạn chế trong tay nghề của biên kịch. Chính vì vậy, theo tôi biết, sách kịch bản luôn chỉ được in với số lượng khá khiêm tốn, cũng chưa có trường hợp nào trở thành ấn phẩm bán chạy”, nhà văn Nguyễn Thu Phương nói.

Tin cùng chuyên mục