Nỗi đau thời… Ebola

Gordon Kamara phải nói như hét vào điện thoại bởi tiếng còi hụ xe cứu thương át hết giọng anh: “Hôm nay không được rồi. Chúng tôi không còn ở thị trấn nữa”. Nam y tá này cho biết trong suốt những tuần gần đây, chuông điện thoại của anh không ngừng đổ từ sáng sớm đến tận đêm. Đối tượng gọi điện thì đủ cả, từ bạn, bạn của bạn, thân quen với gia đình và cả những người không hề quen biết. Nhưng họ đều có chung một mục đích là khẩn cầu Kamara cứu lấy người thân của họ đang bị bệnh dịch Ebola đe dọa đến tính mạng.

Cả tuần, Kamara và các đồng nghiệp chạy đua trên những con đường đầy ổ voi, ổ gà trong chiếc xe cứu thương cũ kỹ để chở bệnh nhân mắc bệnh Ebola đến các bệnh viện. “Chẳng có phút nào để nghỉ ngơi cả”, Kamara chỉ kịp nói vậy bởi lại phải nhận một cuộc gọi khác. Cả thủ đô Monrovia gần 1,5 triệu dân của Liberia (một trong những tâm điểm của bệnh dịch Ebola ở Tây Phi) chỉ có 15 chiếc xe cứu thương. Số xe này như muối bỏ bể so với nhu cầu chuyên chở người bệnh bởi mỗi tuần có đến hàng trăm ca phơi nhiễm Ebola mới tại TP này.

“Chúng tôi tỏa đi khắp các cộng đồng dân cư ở Monrovia. Ban đầu chỉ có 1 khu vực bị khoanh dấu đỏ vì có bệnh nhân Ebola. Nhưng giờ đây, cả bản đồ TP chỉ toàn một màu đỏ”, Kamara cho biết. Những ngày ít bệnh nhân nhập viện, Kamara cũng phải chạy từ 10-15 chuyến. Còn những ngày đông, tần suất sẽ tăng lên gấp đôi, từ 20-30 chuyến. Những y tá theo xe cứu thương như Kamara giờ chỉ có thể tranh thủ nghỉ ngơi trên xe vào những lúc không có người nhập viện.

Tưởng chừng việc chạy suốt trên đường đã là cực nhọc nhưng Kamara cho biết mệt mỏi nhất là đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế nhưng phải đợi do hết giường bệnh. Có thời điểm, xe cứu thương phải đợi bên ngoài nhiều giờ đồng hồ với bệnh nhân, có những người đã rơi vào tình trạng hôn mê. Theo Kamara, bệnh viện, các trung tâm y tế tại Monrovia hiện đều trong tình trạng quá tải. Nhiều trung tâm chỉ có 50 giường bệnh nhưng thường xuyên bị nêm chặt với 85 bệnh nhân. Người bị đè trên giường, người chen dưới đất; cảnh tượng, theo Kamara, không khác gì thời chiến ở Liberia.

Với nam y tá này, dịch bệnh Ebola giờ còn đáng sợ hơn cả chiến tranh bởi hòn tên, mũi đạn còn có thể né được chứ virus Ebola thì giờ luôn rình rập ngay trong gia đình của mình. Ý thức được mức độ nguy hiểm của việc hàng ngày phải tiếp xúc với bệnh nhân Ebola, Kamara giờ ở một căn nhà tách biệt hẳn với 6 đứa con của mình để tránh khả năng lây nhiễm. 5 tháng qua, anh chỉ được gặp chúng có vài phút.

Tuy nhiên, Kamara không lấy thế làm buồn và cho rằng như vậy là đã quá hạnh phúc bởi đến nay, Ebola đã cướp đi không biết bao nhiêu đứa trẻ khỏi vòng tay của bố mẹ. Nam y tá nhớ lại trường hợp của một cô gái 17 tuổi mắc bệnh Ebola. Tối hôm đó, Kamara nhận được điện thoại của cha cô gái khẩn khoản nhờ anh đưa cô bé đến bệnh viện. Đến nơi, nhân viên thông báo không thể tiếp nhận thêm người.

Nhìn cô gái trẻ hôn mê trên cáng, Kamara biết rằng cô bé cần phải được điều trị càng sớm càng tốt nếu không sẽ khó lòng qua khỏi. Nhưng bệnh viện giờ đã kín bệnh nhân và không có cách nào khác, Kamara phải đưa cô bé về nhà và hy vọng hôm sau quay trở lại sẽ có giường trống. Nhưng đêm đó, cô bé đã trút hơi thở cuối cùng…

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục