Tiết kiệm, thân thiện môi trường
Tại Sở Tư pháp TPHCM, nước uống đóng chai loại 350-500ml và các đồ nhựa dùng một lần khác đã chính thức “biến mất” từ ngày 1-7. Bà Huỳnh Thu Thảo, Chánh Văn phòng Sở Tư pháp TPHCM, cho biết ngay từ giữa tháng 6-2019, khi Thủ tướng kêu gọi nói không với túi ni lông và đồ nhựa dùng một lần, văn phòng đã đề xuất ngay với ban giám đốc, duyệt đầu tư đồng bộ bình đựng nước và ly thủy tinh để phục vụ các hoạt động của sở.
Tương tự, từ ngày 1-8, Sở LĐTB-XH TPHCM cũng không còn sử dụng chai nước nhựa dùng một lần. Thay vào đó là các bình nước loại lớn. Trên bàn làm việc và bàn họp là loại bình và ly bằng sứ, đại biểu tự rót.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, chia sẻ sở cắt giảm tối đa các sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm cả sản phẩm phát sinh rác thải nhựa như bao bì, túi ni lông, sơ mi nhựa đựng tài liệu.
“Bút viết làm từ nhựa cũng giảm sử dụng. Giấy cũng sử dụng thật tiết kiệm, in 2 mặt và hạn chế dùng giấy vì bây giờ tài liệu, thư mời, công văn... đều đã gửi qua website, email. Trung bình hàng tháng, mỗi đơn vị tiết kiệm được khoảng 10 triệu đồng tiền mua sản phẩm nhựa dùng một lần và giấy, bút. Với hơn 40 đầu mối phòng, ban, trung tâm như vậy mỗi tháng, toàn sở tiết kiệm được số tiền lên tới 400 triệu đồng”, ông Lê Minh Tấn thông tin.
Không chỉ ở các sở ngành, việc “nói không” với sản phẩm nhựa dùng một lần đang được các quận huyện thực hiện với nhiều sáng tạo. Tại huyện Nhà Bè, trong một hội nghị tổ chức vào đầu tháng 8-2019 với sự tham dự của hơn 300 đại biểu, nhiều người lạ lẫm khi bên ngoài hội trường không còn những thùng nước đóng chai để sẵn như trước, mà là 2 bình nước lớn loại 20 lít, với mấy khay đựng ly thủy tinh úp xuống. Bên trong hội nghị, trên bàn đại biểu là bình nước và chiếc ly sứ màu trắng để đại biểu tự phục vụ.
Vận động người dân mang giỏ đi chợ
Bà Lại Thị Mai Hương, Chánh Văn phòng UBND huyện Nhà Bè, cho hay không sử dụng đồ nhựa là xu hướng văn minh tiến bộ. Khi có chủ trương hạn chế đồ nhựa dùng một lần, một số phương án được đưa ra như sử dụng ly giấy để thay thế. Nhưng nếu dùng ly giấy trong một buổi họp thì có khi lại không tiết kiệm, bởi ly giấy thực tế cũng là sản phẩm dùng một lần mà giá thành cũng không rẻ.
Theo bà Mai Hương, tới đây UBND huyện sẽ khuyến khích mọi người mang theo bình nước cá nhân để vừa vệ sinh vừa đỡ được phần nào công rửa ly của bộ phận phục vụ.
Tại huyện Củ Chi, UBND huyện đã bố trí chuyên biệt 4 phòng họp và 1 hội trường các máy nước uống nóng- lạnh để phục vụ, không sử dụng nước uống đóng chai loại 350 ml, 500ml. Ngay trước cửa phòng họp và cạnh cửa ra vào phòng họp, có sẵn các ly thủy tinh thay thế ly nhựa dùng 1 lần. UBND các xã cũng chuyển sang sử dụng bình trà và ly thủy tinh để phục vụ nước uống. Đặc biệt, không chỉ dừng ở trong phòng họp, phong trào “chống rác thải nhựa” lan tỏa tới cộng đồng, khu dân cư.
Bà Huỳnh Thị Vang, Trưởng phòng TN-MT huyện Củ Chi, cho hay ban quản lý 19 chợ trên địa bàn huyện đã tập trung vận động hơn 500 tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni lông, tăng cường sử dụng loại bao bì thân thiện với môi trường. Các cửa hàng, siêu thị hạn chế phát túi ni lông cho khách hàng. Toàn bộ 178 ấp, khu phố đã vận động người dân mang giỏ đi chợ đựng hàng, giảm sử dụng túi ni lông khó phân hủy. Các bạn trẻ thực hiện “Một ngày không dùng túi ni lông” và “Nói không với túi ni lông” hàng tuần, hàng tháng trong năm 2019.
Tại quận 7, Quận ủy và UBND quận cũng triển khai việc không dùng nước đóng chai và các sản phẩm nhựa dùng một lần từ cuối tháng 7 vừa qua. Các hoạt động đều được trang bị bình nước lớn, rót vào ly thủy tinh. Dù mới triển khai chưa đầy 2 tuần lễ, nhưng ông Dương Giao Linh, Chánh Văn phòng UBND quận 7, phấn khởi cho biết mọi người đều rất ủng hộ cách làm này.