Nỗi lo an ninh và an toàn hàng không

An ninh hàng không kể từ sau sự kiện 11-9 đến nay đã tiến một bước dài. Tuy nhiên, không vì thế mà hành khách đã hoàn toàn yên tâm. Sau sự kiện chiếc máy bay của Hãng Hàng không Malaysia MH370 mất tích đầy bí ẩn với nhiều thông tin khác nhau càng khiến cho hành khách bất an hơn.

Chỉ cách đây 3 ngày, hành khách đi máy bay càng có lý do để lo lắng nhiều hơn khi chiếc máy bay Boeing 737 của Hãng Hàng không Virgin Australia bị một hành khách mưu toan xông vào buồng lái buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Bali. Vụ việc này xảy ra chỉ sau vài ngày vụ cậu thiếu niên 16 tuổi đã ôm càng bánh xe máy bay hành khách từ San Jose, California (Mỹ) vượt Thái Bình Dương đến Hawaii. Thoạt nghe có vẻ buồn cười khi cậu bé này vô tư cho biết cậu leo hàng rào sân bay sau đó bám vào bánh xe chiếc máy bay gần nhất. Thật khó giải thích điều này khi hệ thống sân bay Mỹ được tăng cường an ninh tận răng.

Theo báo Christian Science Monitor, Cơ quan An ninh giao thông vận tải Mỹ từ 11-9-2011 tới nay đã đầu tư tổng cộng 80 tỷ USD vào an ninh hàng không. Nhiều sân bay ở Mỹ vì trang bị quá nhiều hệ thống báo động và liên tục báo động nhầm nên có khi người ta mặc kệ. Vấn đề đáng lo ngại hơn là nếu trường hợp khủng bố mang bom lên càng máy bay như kiểu của em thiếu niên kia thì điều gì sẽ xảy ra?

Những lỗ hổng an ninh hàng không đang đặt ra nhiều thách thức mang tính chất toàn cầu. Sau vụ chiếc máy bay MH370, Mỹ, Anh và nhiều nước yêu cầu Malaysia tăng cường an ninh hàng không. Khi mà bức màn bí mật của vụ MH370 chưa được vén lên, vẫn còn quá nhiều giả thuyết nên cũng khó cho Malaysia trong việc tập trung an ninh vào khâu nào. Trước mắt, Kuala Lumpur đã đề ra nhiều biện pháp an ninh mới theo hướng tăng cường an ninh khu vực buồng lái và tăng giám sát cơ trưởng, cơ phó. Ngoài ra, an ninh cửa khẩu được bổ sung nhiều máy dò kim loại. Trên các máy bay của Malaysia sẽ có thêm người thứ ba giám sát cơ trưởng và cơ phó trong trường hợp một trong hai người rời buồng lái, ngoài ra, các bữa ăn cho hai phi công sẽ được nấu riêng và kiểm tra kỹ đề phòng ngộ độc. Ngoài vấn đề an ninh, vấn đề áp dụng công nghệ thông tin phục vụ an toàn chuyến bay cũng đã được đặt ra nhằm tăng thêm khả năng liên lạc chặt chẽ giữa máy bay trong khi bay với mặt đất, trong đó có việc cập nhật liên tục dữ liệu của chuyến bay bao gồm cả độ cao, tốc độ gió, hướng đi, nhiệt độ động cơ, nắp và vị trí bánh lái. Độ dài của băng ghi âm trên buồng lái hiện nay chỉ khoảng 2 giờ đồng hồ. Như vậy nếu một chuyến bay dài 7 giờ như chuyến bay MH370 có sai phạm gì bắt nguồn từ buồng lái, kể cả hệ thống ghi âm hoạt động tốt thì những gì quan trọng diễn ra cũng không được ghi lại đầy đủ. Hơn nữa, kỹ thuật của hộp đen chưa được cải tiến sao cho dễ phát hiện hơn nếu máy bay rơi.

Hàng không thế giới đang trong giai đoạn bùng nổ. Đảm bảo an toàn cho hơn 50.000 chuyến bay mỗi ngày trên toàn thế giới với hơn 3 triệu lượt người di chuyển đang thực sự là bài toán khó. Từ những vấn đề an ninh đến kỹ thuật đảm bảo an ninh và an toàn hàng không sắp tới chắc chắn sẽ phải cải tiến nhiều hơn mới có thể đáp ứng được nhu cầu của ngành hàng không dân dụng.

THỤY VŨ

Tin cùng chuyên mục