Nỗi lo cây xanh gãy đổ

Dù đang là mùa khô nhưng thời gian gần đây, TPHCM có nhiều cơn mưa bất chợt. Mưa trái mùa làm nhiều cây xanh ngã đổ, đè trúng làm hư hại các phương tiện giao thông và một số người bị thương. Dù cơ quan chức năng đã thường xuyên có biện pháp kiểm tra, xử lý nhưng thực tế vẫn xảy ra nhiều vụ việc đáng tiếc. 
Nhân viên Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TPHCM cắt tỉa cây trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TPHCM
Nhân viên Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TPHCM cắt tỉa cây trên đường Trường Sơn, quận Tân Bình, TPHCM

Hiểm họa trên đường

Theo thống kê của Sở Xây dựng TPHCM, hiện thành phố có khoảng 235.618 cây xanh được trồng tại các công viên và khu vực công cộng. Tuy nhiên, không phải tất cả cây xanh đều đạt an toàn. Thực tế, việc cây xanh ngã đổ, đè trúng người tham gia giao thông gây thương tích liên tục xảy ra. 

Chiều 9-2, bà V.T.H (39 tuổi) chở theo con gái tên T. (19 tuổi) lưu thông trên đường Chu Mạnh Trinh, TP Thủ Đức, khi đến trước quán cà phê số 43 đường Chu Mạnh Trinh, thì bị một cây xanh ngã đổ đè trúng, khiến hai mẹ con bị thương và được người dân chở đi cấp cứu.

Trước đó, tháng 4-2021, hai người đi xe máy trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, khi đến đoạn gần đường Ký Con thì bất ngờ bị cây cổ thụ ngã đè lên xe máy, ngã nhào xuống đường. Hai người bị thương được người dân đưa đi cấp cứu. Cơn mưa lớn cũng khiến nhiều cây xanh ở quận 7 bật gốc, ngã đổ xuống đường, một ô tô bị đè đẹp…

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở một số tuyến đường như: Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3); Nguyễn Trãi, Trần Hưng Đạo, Bùi Thị Xuân (quận 1); Ba Tháng Hai (quận 10); Bắc Ái, Hồng Đức, Khổng Tử (TP Thủ Đức)… có nhiều cây cổ thụ lớn, chủ yếu là phượng, me tây, xà cừ, lim xẹt... cũng là những loại cây dễ gãy nhánh khi mưa gió lớn. Nhiều cây có độ nghiêng khá lớn, phần rễ trồi lên mặt đất, cành nhánh xum xuê, tiềm ẩn mối nguy cho người đi đường.

Dọc tuyến đường Trần Hưng Đạo (quận 1) có hàng trăm cây cổ thụ có nhánh lớn, xum xuê rất nguy hiểm cho người đi đường nếu chẳng may gãy nhánh. Cách đó không xa, trên đường Nguyễn Thái Học, nhiều bồn cây bị hư hỏng, vỡ nát, gạch đá, vữa xi măng nằm ngổn ngang trên vỉa hè; rễ cây trồi lên mặt đất, nguy cơ bật gốc rất cao. Tuyến đường Pasteur (quận 1), cây xanh hai bên đường có nhánh khá xum xuê, nặng tán, khi mưa to gió lớn có thể gây nguy hiểm nếu gãy nhánh.

Ông Nguyễn Quốc Bảo, ngụ đường Đặng Văn Bi, TP Thủ Đức, cho biết: “Những ngày mưa lớn lưu thông dưới những tán cây lớn, xum xuê tôi rất lo. Hiện nay, thành phố bắt đầu có những cơn mưa dông lớn nên việc rà soát, kiểm tra, xử lý các cổ thụ sâu bệnh, có nguy cơ gãy đổ để đảm bảo an toàn là rất cần thiết”.

Cần siết chặt trách nhiệm

 Trước thực tế năm nào cũng xảy ra những sự cố đáng tiếc liên quan đến gãy đổ cây xanh, phản ánh đến Đường dây nóng Báo SGGP, nhiều người dân cũng băn khoăn về các quy định hiện hành khi không may có sự cố xảy ra, bày tỏ mong muốn cần siết chặt trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan để hạn chế thấp nhất các tai nạn liên quan đến cây xanh. 

Theo Điều 11, Nghị định 64/2010/NĐ về quản lý cây xanh đô thị, cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây. Đơn vị quản lý cây xanh có trách nhiệm kiểm tra, xử lý cây xanh do đơn vị quản lý; nếu không làm tròn chức năng, khi xảy ra sự cố phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại do cây gãy, đổ gây ra. 

Là một trong những đơn vị có trách nhiệm quản lý cây xanh, trao đổi với PV Báo SGGP, đại diện Công ty TNHH MTV công viên cây xanh TPHCM cho biết, hiện công ty là một trong nhiều đơn vị trúng thầu chăm sóc cây xanh đường phố và công viên trên địa bàn các quận, huyện: 1, 3, 5, 6, 7, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Chánh, Nhà Bè. Công ty thường xuyên thực hiện chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh theo quy trình kỹ thuật và kế hoạch do chủ đầu tư thông qua đồng thời thường xuyên tuần tra, nhằm phát hiện các trường hợp xâm hại cây xanh, xây xanh có dấu hiệu hư hại, khiếm khuyết, mất an toàn. Khi xảy ra sự cố cây xanh, công ty bố trí lực lượng có mặt kịp thời để khắc phục. Đối với những thiệt hại về tài sản, sức khỏe người dân, tùy trường hợp cụ thể công ty sẽ có mức hỗ trợ phù hợp.

Về nguyên tắc, cây xanh ngã đổ gây thiệt hại về người và tài sản thì chủ sở hữu hoặc đơn vị được giao trực tiếp quản lý, chăm sóc cây xanh đó phải chịu trách nhiệm dân sự về bồi thường thiệt hại, theo quy định tại khoản 3, Điều 584, Bộ luật Dân sự.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Thị Minh Huyền, Đoàn Luật sư TPHCM, cho biết: “Trong từng trường hợp cụ thể cũng cần phải xem xét đến nguyên nhân cây xanh bị gãy đổ gây thiệt hại về người và tài sản. Nếu người/đơn vị đang là chủ sở hữu hoặc trực tiếp quản lý, chăm sóc cây xanh đã thực hiện chăm sóc cây xanh đúng theo quy định của pháp luật và nguyên nhân cây xanh bị ngã đổ là do khách quan không lường trước được, bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm bồi thường (theo quy định tại khoản 2, Điều 584, Bộ luật Dân sự). Trường hợp cây xanh ngã đổ gây thiệt hại về tài sản, thương tích cho con người không phải lý do bất khả kháng hay lỗi của người dân thì người dân sẽ được bồi thường theo quy định. Mức bồi thường sẽ căn cứ theo mức độ thiệt hại cụ thể của từng trường hợp”.

Tin cùng chuyên mục