Thiếu lối thoát hiểm, không có lực lượng PCCC tại chỗ, không có thiết bị báo cháy, phương tiện chữa cháy quá hạn, giăng mắc - cắt nối dây điện dính chùm… là những nguyên nhân có thể gây cháy, thậm chí cháy lớn, cháy lan, gây hậu quả nghiêm trọng ở các chung cư cũ. Thế nhưng, việc khắc phục, ngăn chặn các mối nguy hại này trong thời gian qua lại chưa hiệu quả.
Giỡn mặt... bà hỏa
Trái ngược với các cao ốc, nhà cao tầng, chung cư mới xây, công tác phòng cháy và chữa cháy tại những chung cư cũ (thời gian vận hành xấp xỉ 10 năm trở lên) ở TPHCM hiện rất lơ là. Được xây dựng từ thời Pháp thuộc, chung cư 727 Trần Hưng Đạo, phường 1, quận 5 có quy mô 10 tầng, với hơn 500 căn hộ nhưng chỉ có hai cầu thang bộ. Sau những lần xảy ra cháy vào các năm 2000, 2001, nhiều cư dân bị phỏng do thiếu lối thoát hiểm. Năm 2004, chung cư này được lắp đặt thêm hai cầu thang sắt, sau vài năm lại bị mục hư, việc thoát hiểm của cư dân khi có cháy nổ vẫn rất khó khăn.
Đáng ngại hơn, các bình chữa cháy mini, dây dẫn nước, vòi rồng đựng trong các tủ kiếng ở chung cư đã bị trộm lấy cắp. Ở một số tầng, bình chữa cháy còn nhưng bị bụi bám đen và hết hạn sử dụng. Thêm vào đó, hàng trăm căn hộ trống do chủ hộ tái định cư đi nơi khác bị biến thành những kho chứa rác thải, quần áo, rất dễ cháy lan khi có hỏa hoạn. “Nếu chung cư xảy ra cháy, tính mạng cư dân của cư dân chúng tôi sẽ khó mà an toàn. Nguy hiểm là vậy nhưng trước giờ chẳng thấy địa phương, ngành chức năng kiểm tra, khắc phục” - bà Hồng, một cư dân sống ở tầng 5 lo lắng.
Chung cư Trần Văn Kiểu, phường 14, quận 10 là chung cư tái định cư cho các hộ dân bị giải tỏa ở hai lô S và Q của chung cư Nguyễn Kim. Đưa vào sử dụng từ tháng 4-2004 nhưng tất cả các căn hộ ở đây đều không được lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu báo cháy. Đã vậy, các căn hộ tầng lửng được thiết kế theo dạng hở (không có tường ngăn phía trước, kiểu ki ốt) để phục vụ mua bán, kinh doanh nhưng chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 10 vẫn bố trí cho các hộ dân tái định cư vào ở. Nằm dưới những căn hộ này là bãi xe của chung cư luôn nồng nặc mùi xăng dầu.
Trường hợp bãi xe xảy ra cháy, tính mạng các hộ dân sống ở tầng lửng sẽ khó đảm bảo. Kiểm tra vấn đề an toàn PCCC tại đây vào tháng 4 - 2008, Sở Cảnh sát PCCC TP đã lập biên bản vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư phải xây tường ngăn giữa tầng trệt và các căn hộ tầng lửng, đồng thời dời bãi xe chung cư ra khỏi tầng trệt, nhưng đến nay, chủ đầu tư vẫn bất chấp.
Tình trạng thiếu lối thoát hiểm, thiếu ánh sáng hành lang, hệ thống dây điện sinh hoạt được giăng mắc - cắt nối dính chùm, không có lực lượng PCCC tại chỗ, không có thiết bị báo cháy, phương tiện chữa cháy quá hạn… còn phổ biến ở hàng loạt chung cư cũ khác trên địa bàn TP, như: chung cư Ngô Gia Tự, chung cư Ấn Quan (quận 10), chung cư Lý Chiêu Hoàng (quận Bình Tân), chung cư Hạnh Phúc (quận 5), chung cư Phan Văn Trị (Gò Vấp)…
Cần biện pháp hiệu quả
Nói về công tác PCCC ở các chung cư cũ, Thượng tá Vũ Văn Long, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC quận 8, cho biết, ý thức của một bộ phận lớn người dân trong việc phòng và chữa cháy ở các chung cư cũ còn rất kém. Nhiều hộ vẫn ngang nhiên sử dụng than tổ ong trong nấu ăn hàng ngày, đấu nối hệ thống điện không an toàn dù trước đó đã được khuyến cáo, tuyên truyền là không nên.
Thêm nữa, hầu hết các chung cư cũ đều có chung hạn chế là thiếu lối thoát hiểm. Phát hiện điều này trong quá trình kiểm tra, lực lượng của Sở Cảnh sát PCCC đã yêu cầu lắp đặt thêm thang thoát hiểm, tăng ánh sáng hành lang… nhưng sau đó không phải chung cư nào cũng thực hiện tốt. Các chung cư cũ lại không có ban quản trị nên việc xây dựng nguồn quỹ chung cư gần như không có, dẫn đến việc bảo trì, bảo dưỡng các thiết bị, phương tiện PCCC tại chỗ, lắp đặt các thiết bị chữa cháy tự động gần như không được thực hiện. Có trường hợp khi kiểm tra chung cư, phát hiện hệ thống thiết bị báo cháy không hoạt động nhưng lực lượng kiểm tra cũng chẳng biết phạt ai vì chung cư không có tổ chức điều hành.
Về việc mất an toàn PCCC ở chung cư 727 Trần Hưng Đạo (quận 5), Thượng tá Vũ Văn Long cho rằng “rất nghiêm trọng”. “Đây là chung cư cũ bị xuống cấp đang trong quá trình giải tỏa, 2/3 số cư dân ở chung cư đã được di dời. Số hộ dân còn lại vẫn đang phải sống trong tình trạng thiếu an toàn PCCC do chung cư chứa nhiều rác thải. Trong khi thiết bị chữa cháy tại chung cư chủ yếu trông chờ hệ thống nước chữa cháy vách tường nhưng hệ thống này cũng đang xuống cấp. Nếu quận 5 không đẩy nhanh tiến độ dời dân, vấn đề hỏa hoạn ở đây sẽ rất đáng ngại” - Thượng tá Long nói.
Trong khi đó, lãnh đạo một quận trung tâm TP cho rằng, để đảm bảo an toàn PCCC ở các chung cư cũ, UBND TP cần chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với các sở ngành khác xây dựng quy chế quản lý chung cư. Các chủ đầu tư, hoặc đơn vị thụ hưởng chung cư phải xây dựng một khoản kinh phí, giao cho một đơn vị cụ thể quản lý các chung cư cũ (chẳng hạn như ban quản trị) để sửa chữa hệ thống PCCC khi có dấu hiệu hư hỏng, hoặc lắp mới nếu chưa có. Thực tế trên cho thấy, việc PCCC ở các chung cư cũ chưa được các cấp ngành liên quan xem trọng, nếu không không có biện pháp khắc phục hiệu quả, nguy cơ cháy nổ sẽ khó lường.
TUẤN VŨ - KIM CHI