Nỗi lo xe gắn máy 2, 3 bánh chở hàng quá khổ gây tai nạn

Càng vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, những chiếc xe gắn máy 2, 3 bánh “gánh” trên mình những bao tải hàng hóa to đùng hay những chậu cây cảnh lớn càng xuất hiện nhiều ở TPHCM. Cũng dễ hiểu bởi tết là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Thế nhưng…
Nỗi lo xe gắn máy 2, 3 bánh chở hàng quá khổ gây tai nạn

Càng vào những ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi, những chiếc xe gắn máy 2, 3 bánh “gánh” trên mình những bao tải hàng hóa to đùng hay những chậu cây cảnh lớn càng xuất hiện nhiều ở TPHCM. Cũng dễ hiểu bởi tết là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Thế nhưng…

Bị kéo ngã giập mặt

Đầu tuần qua, trên đường Lý Thường Kiệt, đoạn gần chợ Tân Bình, một em học sinh đi xe đạp điện đã té giập mặt xuống đất vì bị một chiếc xe gắn máy chở hai bao tải căng cứng đồ đi sau vượt lên, đầu bao tải móc vào tay lái của em, khiến em loạng choạng và ngã. Em học sinh chừng độ 14 - 15 tuổi, mặt tái xanh khi được người dân xung quanh đỡ dậy. Với vài vết trầy nhẹ, sau khi được người dân nhặt giùm chiếc cặp xách bị văng ra xa, em học sinh đã lên xe và đạp đi trong sự đau đớn…

Cách đây vài năm, chỉ còn cách Tết Nguyên đán 5 ngày, tôi cũng đã bị một tai nạn tương tự trên đường Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh, đoạn gần Trường Đại học Mỹ thuật TPHCM. Giống như em học sinh, tôi cũng đang đi trên đường bất thình lình bị một người đàn bà chở theo một bao tải hàng hóa to đùng, từ sau vượt lên. Đầu của bao tải cũng đã móc vào tay lái của tôi và kéo tôi ngã xuống đường. Không may mắn như em học sinh, tôi bị té khá nặng: nửa mặt sưng vù, trán bị rách một đường khá dài. Người dân xung quanh đưa tôi vào Bệnh viện Nhân dân Gia Định để được cứu chữa. Câu chuyện xảy ra đã lâu nhưng tôi còn nhớ mãi nhận xét của một bác xe ôm khi dựng lại chiếc xe cho tôi “may mà không có ô tô đi sau, nếu có, nó không thắng kịp là cán người rồi”. Nhìn em học sinh đi dần xa, một cách vô thức, tôi cũng “lẩm bẩm” lại câu nói tương tự của bác xe ôm năm nào.

Xe 2 bánh cải tiến chở quá khổ dễ gây tai nạn giao thông. Ảnh: PHẠM CAO MINH

Thật ra, tình huống xe gắn máy 2, 3 bánh chở hàng cồng kềnh va chạm với các xe gắn máy 2 bánh cùng lưu thông, gây tai nạn, không phải dịp cận tết mới xuất hiện. Nhiều vụ tai nạn ô tô cán chết người thương tâm xảy ra trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua cũng bắt đầu từ những va chạm giữa xe gắn máy chở cồng kềnh móc kéo xe gắn máy trên cùng tuyến. Trên báo SGGP đã phản ánh không ít trường hợp này. Cách nay chưa lâu, một cô gái trẻ mới 22 tuổi điều khiển xe gắn máy chở theo một cô gái khác 20 tuổi, lưu thông trên quốc lộ 1A hướng từ quận Bình Tân đi tỉnh Long An đã bị xe 3 bánh thô sơ chở hàng cồng kềnh tông từ sau tới và kéo lê thêm khoảng 10m. Một cô gái đã ngã lăn ra làn đường của ô tô và bị xe cần cẩu đi tới cán chết. Trên đường Trường Chinh, quận Tân Bình ít nhất đã ghi nhận tới 2 vụ tai nạn giao thông thương tâm do chở hàng quá khổ gây ra. Vụ thứ nhất, xe gắn máy 53P8-87.. chở 2 bao hàng lớn, từ phía sau vượt lên va chạm với xe 53P4-53… khiến người điều khiển xe 53P4-53… bị thương nặng. Vụ thứ hai, một thanh niên bị xe buýt cán chết cũng vì va chạm với xe gắn máy 2 bánh, ngã lăn ra đường và xe buýt đang đi tới đã không thắng kịp.

Xử phạt nặng, giải pháp quan trọng nhất

Thông tư 07/2010 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về xe quá khổ, quá tải và Thông tư 65/2013 của Bộ Giao thông Vận tải bổ sung cho Thông tư 07/2010 quy định khá cụ thể về các trường hợp chở hàng của xe gắn máy 2, 3 bánh. Theo đó, xe gắn máy 2 bánh không được xếp hàng hóa, hành lý vượt quá bề rộng giá đèo hàng theo thiết kế của nhà sản xuất về mỗi bên 0,30m, vượt quá phía sau giá đèo hàng là 0,50m. Chiều cao xếp hàng hóa tính từ mặt đường xe chạy là 2,0m. Xe thô sơ không được xếp hàng hóa vượt phía trước và phía sau quá 1/3 chiều dài thân xe; không được vượt quá 0,4m về mỗi bên bánh xe, không vượt phía trước và phía sau xe quá 1,0m.

Như vậy, vấn đề còn lại hiện nay là… tăng cường xử phạt xe gắn máy 2, 3 bánh chở hàng sai quy định. Việc này, đặc biệt quan trọng đối với các thành phố lớn như TPHCM và Hà Nội bởi trên nhiều tuyến đường trong nội đô, do diện tích có hạn, ngành giao thông buộc phải cho phép xe gắn máy 2 bánh lưu thông cùng làn với ô tô. Chưa kể, còn có tình huống, xe buýt được lưu thông vào làn xe gắn máy 2 bánh khi vào trạm dừng, nhà chờ để đón và trả khách hoặc khi đến gần các nút giao thông mà làn đường dành cho ô tô bị ùn ứ… Riêng đối với trường hợp của xe buýt, thạc sĩ Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý Vận tải thuộc Sở Giao thông Vận tải TPHCM đề nghị, nên chăng ở những tuyến đường có diện tích bề mặt đủ lớn, TPHCM khôi phục lại làn đường ưu tiên cho xe buýt. Động thái này không những giúp cho người đi xe gắn máy 2 bánh lưu thông cùng chiều với xe buýt an toàn hơn mà còn tạo điều kiện cho xe buýt đi lại thuận lợi, đảm bảo đúng lộ trình đã đề ra.

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục