
“Sáng đầu thu trong xanh/Em mặc quần áo mới/Đi đến ngày khai trường/Vui như là đi hội…”. Ngày khai trường giờ không còn trùng với ngày tựu trường, nhưng tình cảm ngày đầu đi học trong lòng các thế hệ HS vẫn không thay đổi với những cảm xúc nôn nao, bồi hồi. Hôm qua 25-8, một năm học mới ở TPHCM đã chính thức bắt đầu với bao niềm tin và cũng không ít trăn trở.
Cơ sở vật chất nâng chất lượng giáo dục
Gần 500 HS của Trường Tiểu học (TH) Bình Quới Tây, thuộc phường 28 – vùng sâu, xa nhất quận Bình Thạnh trong bộ đồng phục màu xanh hài hòa với màu vôi trắng của ngôi trường mới tinh vừa được đưa vào sử dụng.
“Niềm vui trường mới lan tỏa từ thầy đến trò”, ông Trần Anh Kiệt, hiệu trưởng của trường vui vẻ nói. Phụ huynh học sinh (PHHS), giáo viên (GV) của trường phấn khởi lắm nên năm nay chúng tôi phấn đấu đạt danh hiệu trường tiên tiến cấp TP. Mục tiêu này có vẻ cao xa trong ngôi trường cũ xập xệ trước đó chưa bao giờ tuyển đủ HS lớp 1, “cao tay” lắm cũng chỉ được 80 em. Năm nay, mọi chuyện có vẻ suôn sẻ hơn, nhờ trường mới, số HS lớp 1 của trường tăng đến 100%.
Tương tự, 3 năm qua, Trường Trung học cơ sở (THCS) cùng tên Bình Quới Tây cũng thu hút HS chính nhờ “diện mạo” khang trang. Ngày 25-8, vẫn còn PHHS đến trường xin học cho con. Bà Nguyễn Thị Hường, hiệu trưởng của trường, cho biết: Năm nay trường cũng tuyển được nhiều HS có điểm chuẩn cao, dù điểm đầu vào của trường thấp hơn điểm chuẩn công lập Bình Thạnh đến 4 điểm. “Nâng cao chất lượng và trang bị kỹ năng sống cho HS” là hai nhiệm vụ chính nhà trường đặt ra trong năm học này.

Học sinh lớp 1 Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q4 trong buổi học đầu tiên tại ngôi trường mới. Ảnh: Mai Hải
Cách Bình Thạnh khá xa, ngôi trường tiểu học nhỏ mang tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa dù nằm sâu trong ấp Trung Chánh, huyện Hóc Môn nhưng không khí trong buổi học đầu tiên của năm học mới vẫn náo nức, rộn ràng không kém vùng trung tâm.
Trước phòng ban giám hiệu trường, nhiều PHHS mua đồng phục cho con. Một PHHS giải thích: “Mua sát nút như vậy vì hôm nay tôi mới gom đủ tiền”. Có PHHS khó khăn quá nên chỉ mua áo, không mua quần.
Ông Nguyễn Thanh Nhựt, Hiệu trưởng Trường TH Nam Kỳ Khởi Nghĩa cho biết: Sau khi hoàn thành chỉ tiêu 100% HS được học 2 buổi, năm nay là năm đầu tiên trường tổ chức học bán trú cho 120 trẻ lớp 1 nên còn nhiều bỡ ngỡ, tuy nhiên, PHHS hết sức ủng hộ chủ trương của nhà trường. Thầy hiệu trưởng của trường băn khoăn: “Trường muốn tổ chức thêm các buổi học ngoại khóa, dã ngoại để tăng tính tương tác giữa lý thuyết - thực tế, tăng chất lượng đào tạo cho HS, nhưng điều kiện còn khó khăn”.
Ngôi trường Nam Kỳ Khởi Nghĩa là điển hình của vượt qua khó khăn, hàng năm trường có nhiều HS, GV đạt giải cao trong các cuộc thi cấp huyện.
Niềm vui chưa trọn
Khi chúng tôi đến Trường THCS Phan Công Hớn, xã Bà Điểm, Hóc Môn thì trời mưa to, sân trường ngập sâu, HS lội nước bì bõm. Thầy Nguyễn Văn Rộn, hiệu phó nhà trường cho biết: “Trường không có sân tập nên cho HS học thể dục nhờ ở sân đình. Mỗi khi trời đổ mưa thì đành cho HS nghỉ học”.
Cổng trường của Trường TH Bình Quới Tây, Bình Thạnh bị ngập không chỉ do “ông trời” mà còn tại triều cường. Đây là niềm vui chưa trọn đối với ngôi trường mới. Nhiều PHHS phải chạy qua “hồ thiên nhiên” này mới đón được con, nếu chạy nhanh một chút, nước văng tung tóe lên quần áo, cặp sách HS. Một PHHS tiếc rẻ: “Trường xây đẹp quá mà có vũng nước khổng lồ chắn trước mặt tiền”.
Còn Trường THCS Bình Quới Tây không có mặt tiền vì còn vướng di dời, giải tỏa. GV, HS phải chạy vòng vèo trong hẻm nhỏ mới đến được cổng sau của trường. Ban giám hiệu của các trường cho biết: “Nhà trường sẽ ráng vượt qua những khó khăn về cơ sở vật chất. Mối ưu tư lớn nhất là đời sống người thầy chưa được cải thiện, cái gì cũng tăng giá nhưng lương không tăng”.
Đối với những trường thiếu GV, tiền tăng tiết không bù đắp được sức lao động bỏ ra. Năm học 2008 - 2009, Trường THCS Phan Công Hớn tăng hơn 200 HS so với năm học trước trong khi phòng học và phòng chức năng vẫn không “nở” thêm, GV thiếu hơn 10 người ở các môn lịch sử, giáo dục công dân, âm nhạc, vật lý, tin học… nên mỗi GV thường phải dạy trên 30 tiết/tuần.
Trường TH Nam Kỳ Khởi Nghĩa có 17 phòng học với 743 HS nên sĩ số các lớp rất cao, trung bình 44 – 48 HS/lớp, quá tải so với diện tích phòng nhỏ, chứa tối đa chừng 40 em. Trong khi đó, toàn trường chỉ có 26 GV làm việc rất vất vả còn phải “gánh” thêm việc hành chính, làm bảo mẫu. Trường THCS Bình Quới Tây chỉ có 1 GV dạy thể dục “ôm” đến 28 lớp.
GV phải “vắt sức” đang là nỗi khổ chung ở nhiều trường khi ngành GD-ĐT vẫn còn thiếu gần 1.500 GV. Trong khi đó, thay vì giảm tải là bớt nội dung chương trình thì ngành GD-ĐT tăng thời lượng học để giảm kiến thức trong một tiết.
“Ở bậc THCS tăng từ 35 lên 37 tuần/năm học, giảm chỗ này nhưng tăng chỗ khác. Trong khi phân phối chương trình đến nay vẫn chưa có. Văn bản Bộ GD-ĐT ban hành khẳng định vẫn đảm bảo cho GV được nghỉ hè 2 tháng. Nhưng tháng 6 thi cử, tháng 7 mới xong tuyển sinh, GV còn học bồi dưỡng hè, đến tháng 8 lại bắt đầu năm học mới. Thời gian nghỉ còn lại là bao?”, hiệu trưởng một trường THCS quận 1 đặt câu hỏi.
Năm học mới đã chính thức bắt đầu. Bên cạnh bao niềm hân hoan vẫn còn không ít lo toan cho ngành giáo dục, cho mỗi gia đình và cho cả xã hội. Mong rằng với nỗ lực của từng thầy cô, của mỗi học trò, của từng PHHS, cùng sự chăm lo của nhà nước và toàn xã hội, năm học 2008 - 2009 sẽ diễn tiến với những kỳ vọng tốt đẹp.
DOANH DOANH – TIÊU HÀ