Nhờ sự phổ biến của Internet, các ca sĩ có thể phát hành bài hát mới chỉ sau vài giờ thu âm hay bán các clip mới đến bất kỳ máy tính nào. Nếu một nghệ sĩ thật sự có tài và biết cách quản lý, họ có thể tự phát triển sự nghiệp mà không cần bầu show hay khoản tiền tài trợ lớn. Sau khi thành công, họ sẽ tiếp tục giữ liên lạc với người hâm mộ chỉ bằng máy tính xách tay, trí tưởng tượng tốt và nỗ lực bản thân. Sau đây là một số nghệ sĩ tiên phong trên con đường này.
- Nữ hoàng Twitter
Nhiều nghệ sĩ có lượng người theo đông trên mạng xã hội Twitter ít khi chia sẻ vấn đề cá nhân, mà thường là các sản phẩm mới ra mắt kèm theo đường link mua hàng. Tháng 8-2010, ca sĩ nhạc pop Rihanna đã tự tay quản lý trang Twitter của mình và tuyên bố sẽ không bao giờ thương mại hóa nó. Ngay sau đó, lượng người theo trên Twitter của Rihanna tăng vọt từ 1,2 triệu lên 14 triệu người do họ hứng thú với những suy nghĩ thật và thú vị mà cô chia sẻ. Trang Twitter của Rihanna hiện có lượng người theo nhiều thứ 5 (sau Lady Gaga, Justin Bieber, Britney Spears và Shakira) và con số này đang tăng chóng mặt.
- Sản phẩm “virus”
Năm 2005, ban nhạc rock OK Go xuất thân từ Chicago đã tự quay đoạn clip họ cùng khiêu vũ và gửi email cho bạn bè. Đoạn clip đã có tốc độ lây lan khủng khiếp. Vài tháng sau, YouTube mua bản quyền clip đầy đủ lúc đó có tên là All Is Not Lost (được đề cử một giải Grammy) và nó đã tiếp tục thu hút hàng trăm triệu lượt người xem.
- Ngôi sao tự thân vận động
Tháng 7-2011, nữ rapper 20 tuổi Azealia Banks đã bị Công ty Thu âm XL Records từ chối thẳng thừng. Nhưng không vì thế mà ca sĩ vô danh này bỏ cuộc. Cô đã tận dụng mọi kiến thức về mạng để phát triển sự nghiệp của mình trên những trang như YouTube, Twitter, SoundCloud và Tumblr mà không cần sự trợ giúp từ ai. Kết quả, một bài hát của cô là 212 đã đứng đầu danh sách của NME, tạp chí âm nhạc phổ biến tại xứ sở sương mù.
- “Trùm” Podcast trên App Store
Trong nhiều năm gần đây, xu hướng podcast (hệ thống phân phối nội dung thông qua RSS) đã mờ dần, chỉ còn một số nghệ sĩ nhạc dance sử dụng. Một trong số podcast có thể đăng ký miễn phí bằng phần mềm iTunes là chương trình hàng tuần Club Life của DJ hàng đầu thế giới hiện nay Tiešsto. Sau 5 năm, hơn 255 chương trình của anh đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu cho những người đam mê nhạc mix. Điều này đã giúp sự nghiệp DJ người Hà Lan ngày càng lên như diều gặp gió.
- Ngôi sao radio trực tuyến
Tháng 4-2005, thủ lĩnh của ban nhạc dòng New Wave Talking Heads, rocker David Byrne bắt đầu các chương trình radio trực tuyến. Đây là chương trình không lời thoại mà chỉ là những bản nhạc thư giãn được cập nhật hàng tháng về một chủ đề nhất định như Halloween, dòng âm nhạc mới, nhạc cổ điển hay về một đất nước nào đó. Chương trình của anh giờ thu hút hàng triệu người trên thế giới.
- Nghệ sĩ được người hâm mộ yêu thương nhất
Dù không có lượng người hâm mộ khổng lồ nhưng ca sĩ Amanda Palmer của đôi song ca Dresden Dolls lại chiếm được nhiều tình cảm của người hâm mộ bằng những sản phẩm ấn tượng liên tục phát hành trên các trang web, blog… Bằng mối dây liên hệ hữu hiệu này, năm 2010, một bài hát của cô đã kiếm được 15.000 USD chỉ sau 3 phút phát hành. Năm 2011, cô kêu gọi góp 20.000 USD cho một dự án thông qua kickstarter.com. Cuối cùng, số tiền cô nhận được là 130.000 USD từ gần 4.000 người hâm mộ đóng góp.
Thanh Hải