Nơi ước mơ bị chôn vùi

Đứng dưới cái nắng chói chang trên một con phố đầy bụi bặm ở Dải Gaza, Ahmed Al-Massri trông già hơn tuổi 13 rất nhiều. Quan sát một chiếc xe chuẩn bị tiến vào bãi đỗ ở TP Gaza, trung tâm Dải Gaza, cậu bé vội vã lao theo. Cậu rối rít quảng cáo với chủ nhân chiếc xe dịch vụ làm sạch cửa kính của mình. Người phụ nữ Palestine đồng ý và đưa  Al-Massri một ít tiền. Bà khuyên cậu bé hãy về nhà thay vì cứ lang thang trên phố. Al-Massri cảm ơn vị khách tốt bụng. Cậu bé nói với vị khách rằng: cậu không ăn xin, chỉ muốn đi làm kiếm tiền nuôi sống bản thân.

Kể từ khi Israel phong tỏa, thắt chặt kiểm soát Dải Gaza năm 2007, cuộc sống người dân tại Gaza tiếp tục rơi vào khủng hoảng. Nền kinh tế Dải Gaza không thể phát triển khi chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp lạc hậu, công nghiệp manh mún. 98% hàng hóa xuất khẩu từ Dải Gaza có điểm đến là Israel và Jordan. Tuy nhiên, công việc làm ăn bị bóp nghẹt khi Israel dựng các trạm kiểm soát, ngăn cản không cho hàng hóa giao thương. Chính vì vậy, tỷ lệ thất nghiệp không ngừng gia tăng.

Theo một thống kê gần đây, 57% trên tổng số 1,5 triệu dân tại Dải Gaza phải sống dưới mức đói nghèo (dưới 2 USD/ngày). Sống nhờ vào viện trợ là điều không thể tránh khỏi đối với người dân tại vùng đất đau khổ này.

Vì cuộc sống quá khổ cực, đội quân lao động trẻ em tại Dải Gaza không ngừng gia tăng về số lượng trong vài năm trở lại đây. Không giống như Al-Massri, được “làm việc” trên con phố sầm uất, cô bé Samah Afana phải kiếm sống trong điều kiện hết sức nguy hiểm. Mỗi buổi sáng, trước khi đến trường, cô bé 10 tuổi phải đến khu vực biên giới tranh chấp nhặt sỏi. Mất 1 giờ cô bé mới lấy được đầy 1 bao. Cùng làm công việc như Samah còn có hàng chục cô bé, cậu bé khác. Số cát, sỏi được các lao động nhí bán cho các công ty xây dựng. Tuy nhiên, số tiền 1 bao sỏi của cô bé Samah chỉ 50 xu Mỹ. Samah cho biết bố em không có tiền mua đồ dùng học tập cho em và các anh trai. “Biết là nguy hiểm, vất vả nhưng em vẫn làm để có tiền lo cho bản thân và gia đình. Em không muốn phải rời bỏ việc học”, Samah tâm sự.

Trong khi đó, Samir al-Shaer, 17 tuổi, phải gánh trên vai trọng trách nuôi một người mẹ đau ốm và một đàn em nhỏ. Bố Shaer đã chết khi Israel mở cuộc tấn công vào Dải Gaza năm 2007. “Tôi luôn ước mơ được trở thành bác sĩ. Tôi không thể tưởng tượng ngày mình phải rời trường học và lo cho gia đình lại đến sớm như vậy”, Shaer buồn bã nói.

Luật lao động Palestine nghiêm cấm việc thuê nhân công dưới 15 tuổi. Điều luật đặt ra nhằm bảo vệ quyền lợi  trẻ em. Tuy nhiên, đói nghèo, chính trị bất ổn khiến luật pháp trở nên vô giá trị tại vùng đất hỗn loạn này. Theo khảo sát của Trung tâm phân tích Palestine, hiện nay con số lao động trẻ em ở Palestine là 50.000. Trước thời điểm nổ ra phong trào Intifada nổi dậy năm 2000, con số lao động trẻ em ở Palestine là 30.000. Rất nhiều cuộc hội thảo đã diễn ra để tìm kiếm lối thoát cho vùng đất đau thương này, nhưng đa phần đều kết thúc trong bế tắc. Thất học. Đói nghèo. Tương lai thế hệ trẻ của Palestine đang đặt trong tình trạng báo động

ĐỖ VĂN

Tin cùng chuyên mục