Nông dân thu lợi từ nông nghiệp hữu cơ

Xuất phát từ nhu cầu của thị trường và sự chủ động của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), trang trại và hội viên Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất sản phẩm hữu cơ đã hình thành. Qua đó, mang lại thu nhập cao và ổn định cho nông dân.
Theo TS Hà Phúc Mịch, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hiện nay trở thành xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt ở các nước phát triển. Theo thống kê của Liên đoàn Các phong trào nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM), sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã xuất hiện tại hơn 170 nước với tổng diện tích canh tác hơn 51 triệu ha. Quy mô thị trường sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tính bằng tổng giá trị trao đổi thương mại trên 81 tỷ USD.
Nông dân thu lợi từ nông nghiệp hữu cơ ảnh 1 Sản phẩm Organic được giới thiệu đến người tiêu dùng TPHCM
Đến nay, trên cả nước đã hình thành nhiều mô hình sản xuất - tiêu thụ sản phẩm hữu cơ như: Công ty Viễn Phú sản xuất lúa - cá (Cà Mau) với diện tích canh tác trên 250ha, đã có nhiều sản phẩm được chứng nhận hữu cơ và xuất khẩu; Công ty Organic Đà Lạt sản xuất rau hữu cơ; các cơ sở nuôi cá basa hữu cơ tại An Giang, nuôi tôm sinh thái ở rừng ngập mặn Cà Mau đã có chứng nhận hữu cơ khoảng 10.000ha xuất khẩu sang Đức và EU... Đặc biệt, một số tỉnh, thành có chủ trương thành lập hội nông nghiệp hữu cơ như Khánh Hòa, Bình Thuận, Hòa Bình, Tuyên Quang, Cao Bằng... Trong xây dựng nông thôn mới, một số địa phương đã đưa nông nghiệp hữu cơ là một trong những nội dung phát triển nông nghiệp tăng thu nhập, bảo vệ môi trường (như Hà Tĩnh, Tây Ninh…). Đồng thời, nhiều địa phương chủ động quy hoạch đất đai cho phát triển nông nghiệp hữu cơ như Tây Ninh (bước đầu 1.500ha), Sóc Trăng (dự kiến 10.000ha)…
Ông Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐQT HTX Trồng trọt và xuất khẩu nông sản Hiệp Nguyên, đơn vị chuyên sản xuất và xuất khẩu nông sản hữu cơ - Organic, cho biết các sản phẩm theo tiêu chuẩn Organic của HTX được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Năm 2016, giá trị xuất khẩu đạt 3,5 triệu USD và dự kiến năm 2017 là 4,2 triệu USD. Các sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ yếu của HTX gồm cà chua, khoai tây, dưa leo, dâu tây... Giá các sản phẩm này thường cao hơn 4 - 5 lần so với thị trường. Chẳng hạn, cà chua Organic xuất khẩu sang Nhật Bản có giá 60.000 - 80.000 đồng/kg, tùy từng loại. Tuy nhiên, năng suất các nông sản sản xuất theo tiêu chuẩn Organic chỉ bằng khoảng 1/3 so với các sản phẩm cùng loại canh tác theo phương pháp thông thường.
Để sản xuất theo tiêu chuẩn Organic, các hội viên HTX phải tuân thủ theo quy trình sản xuất rất nghiêm ngặt; từ khâu sử dụng giống, nước, phân hữu cơ... dưới sự hướng dẫn chi tiết của các kỹ sư người Nhật Bản, từ khi gieo trồng đến lúc thu hoạch. Sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn Organic tuy năng suất thấp, nhưng có ưu điểm giá bán cao, đầu ra ổn định, phục vụ thị trường xuất khẩu... Do vậy, mỗi năm bình quân trên 1.000m2 đất, mỗi xã viên HTX thu lời khoảng 200 triệu đồng.
Bên cạnh việc đẩy mạnh xuất khẩu, không ít đơn vị sản xuất cũng mong muốn được mở rộng mạng lưới tiêu thụ, đặc biệt là phục vụ thị trường trong nước. Nhưng hiện nay, việc xây dựng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam đang gặp nhiều rào cản vì vẫn chưa có hệ thống tiêu chuẩn quốc gia. Đồng thời, chưa có tổ chức chứng nhận và khung pháp lý chưa đồng bộ cho sản xuất, chứng nhận và giám sát chất lượng nên nhiều HTX, doanh nghiệp sản xuất kỳ vọng Nhà nước cần sớm ban hành bộ tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ - Organic.

Tin cùng chuyên mục