Nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long - nâng tầm để phát triển - Bài 2: Thách thức lớn bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Khó khăn và thách thức lớn
Nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long - nâng tầm để phát triển - Bài 2: Thách thức lớn bài học kinh nghiệm từ thực tiễn

Những thành tựu ngành nông nghiệp ĐBSCL đạt được trong hơn 20 năm đổi mới, đặc biệt trong 5 năm gần đây (2003 - 2007) rất to lớn. Tuy nhiên, so với tiềm năng thì vùng này khai thác còn hạn chế. Có cả nguyên nhân khách quan, chủ quan nhưng vẫn là thiếu tri thức trong lao động, thiếu vốn, tự thân vận động, không có sự gắn kết giữa các địa phương trong vùng; các vùng miền trong nước và thế giới… Đó là những thách thức để rút ra bài học lớn từ thực tiễn, nâng tầm cho nông nghiệp ĐBSCL phát triển.

Khó khăn và thách thức lớn

Kinh tế mũi nhọn của ĐBSCL là nông nghiệp. Hiện có đến 80% trong tổng số 18 triệu dân ĐBSCL sống ở nông thôn và làm nông nghiệp. ĐBSCL là “vùng trũng” của ngành giáo dục Việt Nam. 80% lao động nông nghiệp chưa được đào tạo mà chỉ dựa vào kinh nghiệm theo kiểu “cha truyền con nối”. Do đó, khi chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã nảy sinh nhiều bất cập.

Phần lớn các địa phương vẫn còn độc canh cây lúa. Dù làm 2 - 3 vụ lúa/năm, chỉ có vụ đông-xuân thu lãi khá; vụ xuân-hè và hè-thu lợi nhuận thấp. Đó là chưa kể việc làm lúa vụ 3 cũng tiềm ẩn khả năng phát sinh dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn – lùn xoắn lá... Vụ lúa xuân-hè 2008 này, nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng… bị thiệt hại hàng trăm ngàn hécta do dịch rầy nâu.

Sau phong trào hợp tác hóa kiểu cũ tan rã, nông dân ĐBSCL trở lại sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Bình quân mỗi hộ (4 người) canh tác 1 ha, mỗi năm cho thu nhập 8,4 triệu đồng. Người có thu nhập cao nhất 1,3 triệu đồng; thấp nhất 175.000 đồng/tháng. Thu nhập như trên làm sao nông dân đủ sống? Đó là chưa kể chuyện thất mùa, thiên tai, hoạn nạn; đám ma, đám cưới… “liên chi hồ điệp” thì cảnh thiếu đói không tránh khỏi. Người nông dân sản xuất nhỏ, tự phát nên điệp khúc “được mùa mất giá, được giá mất mùa” liên tục xảy ra. Hễ nơi nào, địa phương nào, nông dân trồng cây gì, trúng mùa được giá là bà con “ùn ùn làm theo”. Vì thế, sản phẩm quá tải, không tiêu thụ được, thất bại cầm chắc.

Nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long - nâng tầm để phát triển - Bài 2: Thách thức lớn bài học kinh nghiệm từ thực tiễn ảnh 1

Cần đưa nhanh máy gặt đập liên hợp vào thu hoạch lúa để giảm thất thoát sau thu hoạch. Ảnh: Cao Phong

Sức mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở ĐBSCL đã đem lại “luồng gió mới” cho nghề nuôi thủy sản. Nhiều người nuôi tôm sú, cá tra, cá ba sa giàu lên nhanh chóng. Nhưng, người giàu nhờ nuôi tôm sú, cá tra, cá ba sa đa phần là các “đại gia”. Họ không phải là nông dân mà là doanh nghiệp, có vốn, biết áp dụng khoa học kỹ thuật.

Cái cảnh “ùn ùn làm theo” cũng không ngoại lệ với nông dân nuôi thủy sản. Theo các nhà khoa học địa phương, việc mở rộng diện tích nuôi thủy sản nóng vội, tự phát, không theo quy hoạch đã dẫn đến những hậu quả khôn lường. Ở các tỉnh ven biển Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… năm nào tôm nuôi cũng chết hàng loạt. Có nhiều nguyên nhân: giống kém chất lượng, thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi; thiếu vốn; đặc biệt là hệ thống thủy lợi nội đồng yếu, xuống cấp trầm trọng. Cùng một con kênh, người nuôi tôm chết, thải nước ra, người khác lấy vào nuôi, lại tiếp tục thiệt hại theo kiểu “dây chuyền” mà địa phương nào ở các vùng ven biển cũng gặp phải.

Tuy ngân hàng chỉ đáp ứng 10% số vốn vay cho người nuôi thủy sản nhưng hiện nông dân bị thất tôm ở các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, không có khả năng chi trả vốn lãi ngân hàng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4-2008, người nuôi cá tra, cá ba sa đang “gặp nạn”. Đó là giá cá rớt thê thảm, nhiều người nuôi phá sản. Nguyên nhân chính là ngân hàng tạm ngưng cho người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến cá vay vốn.

Giá đầu vào cá tra trên 15.500 đồng/kg, nhưng bán ra chỉ 13.000 đồng và lại bán rất khó. Cá tới kỳ thu hoạch, nhiều hộ không còn tiền mua thức ăn cho cá, đành “năn nỉ” doanh nghiệp bán giá rẻ, chịu lỗ rồi “treo hầm”. Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng là diện tích nuôi cá tra, cá ba sa tăng lên chóng mặt, mạnh ai nấy làm, thiếu sự gắn kết giữa người nuôi và doanh nghiệp chế biến. Vì thế, khi cá có giá, người nuôi “làm mình, làm mẩy”; khi cá mất giá “dội chợ”, doanh nghiệp “chê ỏng, chê eo”; âu cũng là lẽ thường tình.

Một vấn đề khác là diện tích cá tra, cá ba sa phát triển tràn lan đã làm nhiều vùng nuôi trở nên ô nhiễm (có hộ cá chết cả trăm tấn) vì thức ăn thừa thải ra các sông rạch. Nhiều nhà khoa học trong vùng lo ngại về tình hình nuôi cá tràn lan không kiểm soát được, tương lai không xa, sông Hậu, sông Tiền và các nhánh kênh rạch “vệ tinh” xung quanh sẽ trở thành “bãi rác”.

ĐBSCL là vùng trọng điểm cây ăn trái, chiếm 70% sản lượng cả nước. Nhưng điều dễ nhận thấy là cây ăn trái đa dạng, phong phú nhưng lại thiếu trái ngon đúng chuẩn và sản lượng lớn để chế biến hàng loạt hoặc xuất khẩu thô. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng: “Muốn có trái ngon phải tổ chức nhiều cuộc thi để chọn”. Những năm qua, các địa phương ĐBSCL đã và đang làm nhưng hiệu quả chưa cao. Trái cây ĐBSCL còn chạy theo số lượng hơn là chất lượng; diện tích manh mún nhỏ lẻ, không theo quy hoạch vùng.

Sự phát triển biệt lập của kinh tế nông nghiệp ĐBSCL được coi là thách thức lớn trên bước đường hội nhập với các vùng trong nước, khu vực Đông Nam Á và thế giới. Giữa các địa phương trong vùng cũng chưa có sự liên kết hợp tác, hỗ trợ nhau. TP Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang đã ký kết hợp tác với TPHCM trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đầu tư khoa học kỹ thuật cho nông nghiệp nhưng mới chỉ bắt đầu.

ĐBSCL chưa có quy hoạch tổng thể để phát triển thành hệ thống với các giải pháp hữu hiệu. Áp lực cao về hoạt động mưu sinh của hơn 18 triệu dân và yêu cầu chung của cả nước về an toàn lương thực; những hạn chế về kỹ thuật công nghệ, quản lý, kiến thức về sinh thái, môi trường học làm cho kinh tế nông nghiệp ĐBSCL phát triển nặng về chiều rộng, chạy theo số lượng nên chất lượng và hiệu quả không cao. Điều này thể hiện rõ trong việc mở rộng diện tích lúa 3 vụ, làm sâu bệnh lây lan; hệ thống đê bao chống lũ triệt để ở khu vực ngập sâu (vùng Châu Đốc, Tân Châu, An Giang) đẩy lũ sang vùng khác. Trong khi hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh, nhiều nơi xuống cấp mà diện tích nuôi tôm sú ngày càng tăng, hiện lên đến trên 700.000 ha, làm cho môi trường bị ô nhiễm nặng.

Các sản phẩm lúa gạo, thủy sản, trái cây gần đây đã được nâng chất nhưng chưa được kiểm soát, dẫn đến việc tăng thị phần và giá trị xuất khẩu bị ảnh hưởng. Gạo xuất khẩu của ĐBSCL chủ yếu là loại 15% - 25% tấm; loại 5% tấm không nhiều và gạo thơm thì 2 năm 2006 - 2007 chỉ xuất vài trăm ngàn tấn. Tình hình xuất khẩu tôm sú hiện đang khó khăn vì vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt của con tôm thẻ chân trắng ở Trung Quốc và Ấn Độ.

Vệ sinh an toàn thực phẩm xuất khẩu dù đã được kiểm soát nhưng vẫn còn trong tình trạng bơm tạp chất (như rau câu) vào tôm xuất khẩu. Việc sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trong nuôi tôm cá vẫn còn ở mức báo động. Bằng chứng là gần đây nhiều lô hàng tôm xuất khẩu bị trả lại. Tôm, cá ở ĐBSCL xuất khẩu chủ yếu ở dạng đông lạnh nguyên con hoặc phi lê. Sản phẩm chế biến chất lượng cao, ăn liền chỉ khoảng 10%.

Việc thực hiện hợp đồng bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với nông dân ở mức rất thấp. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến giá cả nông sản, thực phẩm còn bấp bênh. Ví như, vào chính vụ thì giá mía, tôm, cá tra, cá ba sa chựng lại hoặc tụt xuống; cuối vụ khan hàng thì giá leo thang.

Việt Nam đã gia nhập WTO. Vì thế, nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nông sản ở ĐBSCL sẽ gặp khó khăn trong cạnh tranh vì phải mở cửa thị trường. Nông sản ĐBSCL chỉ có thế mạnh về giá nhưng yếu về chất lượng nên khó vào được thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hoa Kỳ. Công nghệ sau thu hoạch và chế biến tuy có những bước đổi mới nhưng vẫn còn lạc hậu.

Tình trạng tranh mua, tranh bán của các doanh nghiệp kinh doanh hàng nông sản vẫn xảy ra, gây tổn thất cho người sản xuất và lợi ích chung của quốc gia. Với phương thức kinh doanh lạc hậu, các doanh nghiệp ĐBSCL khó duy trì thị phần trên “sân nhà”, vì thị trường Việt Nam mở cửa đón các doanh nghiệp nước ngoài.

Phát triển theo hướng kinh tế mở

Theo ông Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TPHCM, vị trí địa lý của ĐBSCL có nhiều thuận lợi để phát triển theo hướng kinh tế mở: kết hợp giữa nông nghiệp, công nghiệp và kinh tế biển. Chú ý phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa là mục tiêu, vừa là nguồn lực; đồng thời bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai và chủ động sống chung với lũ.

Phát triển công nghiệp (chủ yếu là chế biến) phải gắn với vùng nguyên liệu và thị trường. Xây dựng vùng lúa xuất khẩu, vùng trái cây tập trung và vùng nuôi thủy sản (nước mặn và nước ngọt) quy mô lớn. Chú trọng vai trò kinh tế hộ, trong đó chuyển từ kinh tế hộ tiểu nông sang kinh tế hộ trang trại gắn với hợp tác xã. Khuyến khích và tạo điều kiện phát triển nhanh những doanh nghiệp lớn mạnh, với đội ngũ doanh nhân tầm cỡ làm đầu tàu.

Tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ đưa ra 5 giải pháp thúc đẩy phát triển là: cơ sở hạ tầng (chủ yếu là giao thông), nguồn nhân lực, đô thị hóa, an ninh lương thực và hợp tác với TPHCM. Từ lâu, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, đô thị hóa là 3 điểm yếu cơ bản làm ảnh hưởng đến thu hút đầu tư. Vì thế cần phải làm quyết liệt. Cần chú ý đến cơ sở hạ tầng, đặc biệt là giao thông ở nông thôn để thu hút các nhà đầu tư. Các tỉnh, thành ở ĐBSCL hiện nay hầu hết đã có trường đại học. Tuy nhiên, phải mở nhiều hơn nữa các trường dạy nghề, đặc biệt cho nông dân; về lâu dài sẽ “biến” họ thành công nhân nông nghiệp.

Phải đầu tư để hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, từ đó quy hoạch vùng sản xuất tập trung quy mô lớn. Các tỉnh ĐBSCL cần kết hợp lại, thiết lập trật tự cho vùng nuôi tôm sú; vùng nuôi cá tra, cá ba sa. Từng vùng phải có quy hoạch cụ thể. Nuôi tập trung mới áp dụng được khoa học kỹ thuật tiên tiến, cho năng suất cao, xử lý được môi trường, giảm dịch bệnh, tăng chất lượng hàng hóa; thu hoạch và tiêu thụ thuận lợi. Chuyển dịch mạnh để tiến tới xóa bỏ độc canh cây lúa, đa dạng hóa các sản phẩm.

Sắp tới đây, Ban Chấp hành Trung ương Đảng mở hội nghị lần thứ 7 để bàn về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. ĐBSCL trên tinh thần phát huy nội lực nhưng rất cần sự đầu tư của Trung ương và các nhà đầu tư trong và ngoài nước để phát triển.

Nhóm PV ĐBSCL

- Bài 1: Sức mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp

Tin cùng chuyên mục