Nông sản ngoại tràn ngập thị trường

Càng về những tháng cuối năm, các loại trái cây, rau xanh và nhiều loại nông sản thực phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan lại càng dội vào thị trường nội địa…
Nông sản ngoại tràn ngập thị trường

Càng về những tháng cuối năm, các loại trái cây, rau xanh và nhiều loại nông sản thực phẩm từ Trung Quốc, Thái Lan lại càng dội vào thị trường nội địa…

Lầm tưởng hàng Việt Nam

Chưa bao giờ tình trạng trái cây từ Trung Quốc vào thị trường Việt Nam lại nhiều và đa dạng như hiện nay.

Cán bộ kiểm dịch cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn kiểm tra táo Trung Quốc nhập khẩu

Chị Nguyễn Như Ngọc, một người tiêu dùng, cho biết thường xuyên mua mãng cầu ở các đại lý ngoài chợ về cho gia đình, lâu nay luôn tin tưởng mọi mãng cầu là hàng Việt nhưng mới đây tá hỏa khi được chủ đại lý bưng ra cả thùng còn nguyên hộp các-tông in chữ và hình ảnh mãng cầu Trung Quốc. Không chỉ trái cây, ngay cả các mặt hàng đơn giản như ớt, tỏi, chanh… hiện cũng nhập từ Trung Quốc bằng cả container. Đơn giản vì ở Việt Nam không có vùng nào trồng lớn trong khi bên Trung Quốc đã quy hoạch những vùng chuyên canh từng loại nông sản. Từ đầu tháng 8 và 9 đến nay, các loại rau củ như cà rốt, cải bắp, cải thảo, súp lơ, hành tây, khoai tây… Việt Nam vẫn chưa vào mùa thì hàng từ Trung Quốc đã ngập trên các xe ở cửa khẩu Kim Thành - Lào Cai và Tân Thanh - Lạng Sơn.

Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh cho biết, trong tháng 8-2015, các loại trái cây nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam gồm: táo xấp xỉ 2.000 tấn, nho 971 tấn… Các loại rau gồm cà rốt 2.425 tấn, súp lơ 337 tấn. Trong nửa đầu tháng 9-2015, số lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn chiếm số lượng lớn nhất với 2.589 tấn, tiếp đó là nho với số lượng là 1.226 tấn và cam với số lượng là 55 tấn. Các loại rau củ nhập khẩu chiếm số lượng lớn.

Nhập cả tỏi

Trong một buổi làm việc với PV Báo SGGP, bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch vùng 7 Lạng Sơn thuộc Cục Bảo vệ thực vật, đưa ra danh sách có gần 50 danh mục nông sản mà các doanh nghiệp Việt Nam đang nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu thị trường thuộc Viện Nghiên cứu chính sách NN-PTNT, cho biết, hiện nay nông sản Việt Nam không chỉ đối mặt với nguy cơ nhập ngoại từ Trung Quốc và Thái Lan mà còn xuất hiện cả hàng từ Myanmar sang. Những thông tin ông Nguyễn Trung Kiên đưa ra là nhờ từ chuyến đi điều tra thực địa tại thị trường Trung Quốc ở khu vực tỉnh Quảng Châu, giáp với Việt Nam. Tại đây, các tư thương Trung Quốc cho ông biết, họ đã nhập tỏi từ Myanmar vào Trung Quốc, sau đó tiếp tục xuất sang thị trường Việt Nam. Trong khi lâu nay, tỏi được trồng ở khu vực ĐBSCL do bà con ta làm ra lại không bán được. 

Trả lời câu hỏi vì sao tỏi nhập từ tận Myanmar xa xôi lại “đánh bại” tỏi nội địa, nhiều tư thương và nhà nhập khẩu cho biết, nếu vận chuyển tỏi từ Myanmar qua Trung Quốc vào Việt Nam còn rẻ hơn so với chở từ ĐBSCL ra miền Bắc, vì đường sá bên Trung Quốc rất tốt, các nhà xe không phải gánh chịu quá nhiều phí và lệ phí. Còn Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, thì lo ngại, chúng ta là nước nhiệt đới có lợi thế về trái cây - nông sản nhưng bây giờ gần như chúng ta trồng loại cây gì thì Trung Quốc cũng có loại đó. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc bắt đầu nhảy vào lĩnh vực nông nghiệp để đầu tư, hình thành những vùng chuyên canh lớn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, nhìn nhận, nhiều loại trái cây Thái có ưu thế nổi trội hơn trái cây Việt. “Măng cụt Thái trồng trên những triền đất cao nên không bị xì mủ trái. Dù măng cụt của chúng ta ngon, trái to nhưng lại dễ bị xì mủ trái, chất lượng không đồng đều” -  ông Hòa cho biết. Với sầu riêng, Việt Nam có những giống bản địa chất lượng ngon hơn hẳn Thái Lan nhưng lại thua về công nghệ giống. Thái Lan đã tạo được giống sầu riêng mùi dịu nhẹ để xuất khẩu sang châu Âu, còn giống sầu riêng mùi thơm hơn, cơm vàng, hạt lép dành xuất khẩu ở châu Á…

Vấn đề cần phải mổ xẻ, đó là lâu nay khoa học nông nghiệp ở nước ta đã được Nhà nước đầu tư rót tiền không nhỏ cho nghiên cứu, ứng dụng nhưng trái cây Việt luôn cam chịu cảnh được mùa mất giá, chất lượng thấp và bị hàng ngoại “ép sân”. Nông sản chất lượng cao vẫn là của hiếm, người tiêu dùng vẫn chỉ quen với gánh hàng rong và những biển quảng cáo viết bằng tay kiểu như “thanh long ruột đỏ: 10.000 đồng/kg”, “dưa hấu đại hạ giá 4.000 đồng/kg”…

Văn Phúc

Tin cùng chuyên mục