Hỏi - đáp trực tuyến

“Nóng” với tuyển sinh đầu cấp và vấn nạn chạy trường

click vào đây
“Nóng” với tuyển sinh đầu cấp và vấn nạn chạy trường

Chiều 13-4, tại Báo SGGP, Giám đốc Sở GD – ĐT Huỳnh Công Minh và Trưởng phòng Giáo dục Trung học Lâm An đã tham dự buổi giao lưu trực tuyến “Tuyển sinh các lớp đầu cấp, chuyện chạy trường và những hệ lụy”. Đây là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc báo SGGP khi năm nay ngành GD-ĐT TPHCM áp dụng phương án tuyển sinh mới nhằm ngăn chặn tiêu cực, tạo cơ hội học tập và rèn luyện tốt nhất cho HS, nhằm tiến tới một xã hội học tập thật sự. Chúng tôi xin lược ghi buổi giao lưu cởi mở này. Để xem toàn văn buổi giao lưu mời bạn click vào đây.

  • Xóa chạy trường bằng chất lượng giáo dục
“Nóng” với tuyển sinh đầu cấp và vấn nạn chạy trường ảnh 1

Buổi giao lưu trực tuyến với GĐ Sở GD-ĐT TPHCM TS Huỳnh Công Minh về “tuyển sinh các lớp đầu cấp, chuyện chạy trường và những hệ lụy” trên SGGP Online. Ảnh: Mai Hải

Dù việc “chạy trường” vẫn được Giám đốc Sở GD-ĐT trả lời mỗi năm trước kỳ tuyển sinh đầu cấp, nhưng hàng loạt câu hỏi về vấn nạn này liên tục được gửi về tòa soạn Báo SGGP online.

Bạn đọc đặt vấn đề: “Năm nào ngành GD-ĐT cũng quyết tâm chống chạy trường và năm nay, qua Báo SGGP, chúng tôi thấy ông cũng rất quyết tâm chống hiện tượng này. Nhưng liệu ngành có những biện pháp đủ mạnh để loại bỏ chạy trường?”. Hoặc cụ thể hơn, bạn đọc băn khoăn với cụm từ “loại bỏ chạy trường tiêu cực” và thắc mắc: “Vậy ngành có thông cảm với chạy trường tích cực không? Làm sao phân biệt được chạy trường tiêu cực hay tích cực? Hoặc là có người lợi dụng chạy trường tích cực để làm chuyện tiêu cực thì ngành sẽ giải quyết thế nào?…”.

Ông Huỳnh Công Minh cho rằng “chạy trường” hiểu theo nghĩa đơn giản là tìm trường tốt cho con học và đây là việc làm chính đáng của PH-HS. Ngành GD luôn tìm cách nâng cao chất lượng giáo dục của các trường để đáp ứng yêu cầu tích cực ấy. Tuy nhiên, theo ông Minh, vấn đề chúng ta cần xóa bỏ là chạy trường… tiêu cực. Nghĩa là PH-HS dùng vật chất để thay thế cho điểm số hòng làm sai kết quả tuyển sinh công bằng và đó là chuyện không thể chấp nhận được.

Để loại bỏ vấn nạn này, biện pháp đầu tiên là củng cố chính trị tư tưởng, tiếp tục nâng cao trách nhiệm trong mỗi thành viên của trường cũng như PH-HS để thực hiện tuyển sinh một cách công bằng, đúng luật. Sau là thực hiện tốt công tác tổ chức, từ nghiêm túc trong quá trình ra đề, coi thi, chấm thi cho đến khi có kết quả về điểm số sẽ công bố ngay trên công luận cũng như điểm chuẩn của từng trường. Ông Minh nhấn mạnh điểm đặc biệt của mùa tuyển sinh năm nay là không cho tuyển thêm, không có lớp bán công trong trường công… để loại trừ tận gốc mầm mống chạy trường tiêu cực.

Tuy nhiên, có bạn đọc còn thẳng thắn hơn với việc chạy trường qua “thư tay” - đây là một dạng tham nhũng còn nguy hiểm hơn cả tham nhũng bằng tiền bạc, mà hệ lụy của nó có thể làm hư cả bộ máy hành chánh và cho đến giờ này vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để.

Ông Minh cho biết, Sở GD-ĐT đang rất kiên quyết để tập trung giải quyết triệt để những tiêu cực phát sinh. Năm nay, ngành sẽ không còn thư tay nữa trong quá trình xét tuyển và hạn chế tối đa những trường hợp xét tuyển trái tuyến. Ông cũng cho rằng giải pháp căn cơ nhất là nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường, các quận để có những trường tốt không chỉ ở những quận trung tâm mà còn ở những quận ven, kể cả ngoại thành.

  • Lớp 10: Chọn sao cho trúng nguyện vọng?

Sự thay đổi phương thức tuyển sinh lớp 10 đã khiến buổi hỏi – đáp “nóng” lên với nhiều băn khoăn về đăng ký các nguyện vọng. Bạn đọc thắc mắc: Tại sao chỉ được đề 2 nguyện vọng? Nhiều HS học rất giỏi nhưng không dám đặt nguyện vọng cao? Ông Minh giải đáp: “HS ghi 2 nguyện vọng không có nghĩa là cơ hội được tuyển sẽ ít đi. Điều quan trọng là tổng số học sinh được tuyển năm nay trong toàn thành phố cao hơn năm rồi. Trong thời gian tới, giáo viên chủ nhiệm sẽ hướng dẫn các em chọn nguyện vọng và Sở GD-ĐT sẽ gửi đến từng PH-HS một bảng thống kê 177 trường để các em nắm thông tin cụ thể”.

Giám đốc Sở GD – ĐT cũng tư vấn để PH-HS chọn trường trúng với nguyện vọng: “PH-HS nên căn cứ vào quá trình học tập của con em mình, đặc biệt là kết quả của năm học lớp 9. Một học sinh ghi nguyện vọng đúng là các em sẽ chọn 2 nguyện vọng có độ khó khác nhau. Bởi vì khi chọn 2 nguyện vọng khó như nhau thì có thể sẽ rớt hết. Còn nếu chọn 2 nguyện vọng dễ quá thì khi chọn sẽ không cần thiết”. Nếu HS rớt hết 2 nguyện vọng lớp 10 thì các em có được chuyển sang các trường công lập khác có điểm chuẩn thấp hơn điểm các em đạt được? Trả lời thắc mắc này, Sở GD – ĐT khẳng định: Nếu không đậu 1 trong 2 nguyện vọng đó thì các em phải học tại các trường dân lập, tư thục, trung cấp chuyên nghiệp, giáo dục thường xuyên.

Một bạn đọc đặt dấu hỏi: Tháng 6 mới bắt đầu thi vào lớp 10 nhưng hầu hết các trung tâm đều khẳng định môn thi thứ 3 là môn Anh văn, Liệu đây có phải là sự rò rỉ thông tin? Giám đốc Sở GD – ĐT nói: Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT có hai phương án tuyển sinh, phương án 1 là xét tuyển và phương án 2 là thi tuyển. Phương án thi tuyển thì học sinh sẽ dự thi 3 môn: Ngữ văn, Toán và một môn thứ ba. Môn thứ ba chỉ được công bố trước ngày thi 1 tháng.

Tuy nhiên việc xác định môn thứ ba này tại TPHCM cũng đã được trình bày với Bộ GD-ĐT đó là môn ngoại ngữ. Bởi vì chủ trương của thành phố là phổ cập tin học và ngoại ngữ. Ngoại ngữ là một môn quan trọng phải được chọn làm môn thi, cho nên chính điều này mà nhiều giáo viên đã biết môn thứ ba là môn ngoại ngữ, mặc dù về mặt quy chế chưa được công bố.

  • Sẽ mở thêm nhiều lớp TCTA

Chương trình học tăng cường tiếng Anh (TCTA) ở lớp 1 liệu có ảnh hưởng đến chương trình học chính quy của HS. Trường hợp muốn cho con vào học lớp tăng cường tiếng Anh các cháu phải trải qua kỳ thi tuyển như thế nào? Ông Minh cho biết: Lớp tăng cường tiếng Anh là một lớp học phổ thông theo chương trình của Bộ GD-ĐT nhưng được tổ chức học hai buổi/ngày với sĩ số học sinh ít từ 30 đến 35 em/lớp.

Ngoài chương trình tiếng Việt bình thường thì trong một tuần các em có 8 tiết để học tiếng Anh. Nhưng trong 8 tiết này các em chủ yếu vui chơi hoạt động để tiếp nhận ngôn ngữ. Vấn đề tuyển thì hoàn toàn không dựa vào chương trình nào trước đó, chỉ kiểm tra nhẹ nhàng về năng khiếu ngôn ngữ của các em mà thôi.

Vấn đề mở lớp và tuyển sinh tăng cường tiếng Anh năm nay ở bậc tiểu học không có gì thay đổi. Phụ huynh muốn con em mình học chương trình này phải theo dõi thông báo của phòng giáo dục địa phương để được hướng dẫn cụ thể. Nhiều câu hỏi đặt vấn đề hiện nay nhu cầu học TCTA cao nhưng chỉ tiêu lại ít. Năm nay các quận sẽ mở thêm các lớp TCTA, cụ thể ở cấp 1, 2.

Nhóm PV Khao Giáo

Tin cùng chuyên mục