NSƯT Hồng Vân: Sẽ làm đúng sở trường và những việc trong tầm tay

NSƯT Hồng Vân là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM và vừa đắc cử vào Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa 8 nhiệm kỳ 2011 - 2016…
NSƯT Hồng Vân: Sẽ làm đúng sở trường và những việc trong tầm tay

NSƯT Hồng Vân là Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM và vừa đắc cử vào Hội đồng Nhân dân TPHCM khóa 8 nhiệm kỳ 2011 - 2016…

* Chúc mừng Hồng Vân đắc cử HĐND TPHCM khóa 8. Chị sẽ làm gì trong kỳ họp đầu tiên của HĐND sắp tới?

* NSƯT HỒNG VÂN: Vừa có cuộc gặp gỡ, họp mặt đầu tiên giữa các thành viên trong HĐND vào đầu tháng 6-2011. Mọi người được nhận tài liệu tìm hiểu về công việc của HĐND như thế nào. Đến 22-6 sẽ bầu các chức danh cụ thể. Khi nào được phát biểu, Vân vẫn giữ ý kiến như đã nói trong cuộc họp gần đây giữa Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy TPHCM với văn nghệ sĩ tiêu biểu của TPHCM về việc thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động 45 của Thành ủy TPHCM.

Cụ thể là đã đến lúc Nhà nước phải quan tâm đến các sân khấu hoạt động theo mô hình xã hội hóa ở TPHCM. Không thể bằng lời động viên suông mà phải có định hướng. Bao năm nay, các sân khấu này do tư nhân quản lý nhưng đều phải thuê mướn mặt bằng và đã phải bươn chải quá lâu rồi, nếu tình hình này Nhà nước không có định hướng thì rất khó tồn tại và hoạt động hiệu quả. Trong khi thành công của kịch nói TPHCM đã được cả nước công nhận, thậm chí những người làm nghề ở miền Bắc đã công nhận “thánh địa” kịch nói đã hoán chuyển về miền Nam thì đừng để nó bị tan rã! Tuy nhiên muốn định hướng mô hình hoạt động này phải có sự hỗ trợ cụ thể.

Thời gian qua, khi tiếp xúc với cử tri, Vân càng nhận ra rằng, cái văn nghệ sống không đến được với đồng bào nghèo. Kịch là dạng giải trí rẻ nhất mà cũng không đến được. Thử tính một vé kịch 100.000 đồng, đi coi kịch ít nhất phải có hai người trong gia đình, số tiền này người nghèo đắn đo lắm. Do đó, khi có chính sách đưa đời sống văn hóa văn nghệ (VHVN) tới người nghèo thì Nhà nước phải hỗ trợ, tư nhân không đủ sức.

* Hồng Vân đã làm gì với những trăn trở đó?

* Mấy năm rồi sân khấu Phú Nhuận đã dành 20 vé/suất trong ba ngày (thứ tư, năm, sáu) trong tuần cho người nghèo trong quận, thông qua địa phương. Vân nghĩ đó chỉ là đóng góp quá nhỏ trước nhu cầu giải trí của người nghèo. Ngoài ra, Vân còn làm một số suất diễn đặc biệt, không tính lợi nhuận, TTVH Phú Nhuận cũng không lấy tiền thuê mặt bằng, diễn viên chỉ nhận cát-sê đổ xăng để dành doanh thu hôm đó cho các thầy cô bị ung thư, quà cho các bé mồ côi…

* Sau chuyến đưa hai vở “Nỏ thần”, “Mẹ và người tình” ra Bắc vừa rồi, chị có tiếp tục lên kế hoạch đi lưu diễn nữa không?

* Đi để thử sức. Ở miền Bắc, yếu tố vùng miền thấy rất rõ. Khán giả đến xem kịch là khán giả hướng nội. Đời sống về văn hóa văn nghệ nghiêm túc là có thật và rất cao. Cách khán giả đến rạp, sự thưởng thức của họ thật tuyệt vời - cảm nhận rất nhạy, rất đúng. Nếu làm hài mà nói sàm là thua cái chắc. Nhưng tại sao người ta lại mất thói quen đến rạp? Vấn đề không nằm ở chuyện tiền bạc, bởi Vân đã nghiên cứu một số chương trình ngoài Bắc, giá vé cao nhưng vẫn đông khán giả. Hôm cuối cùng diễn “Mẹ và người tình”, dù đã trực tiếp truyền hình, vé bán đổ đồng 300.000 đồng/vé, khán giả vẫn đến đông.

* Bây giờ thêm trách nhiệm, Vân phân bổ thời gian làm việc như thế nào?

* Khi đi tiếp xúc với cử tri, nghe những kỳ vọng của người ta quá thật, Vân càng thấy trách nhiệm của mình nặng hơn. Vân cho rằng mình sẽ làm đúng sở trường và những việc trong tầm tay của mình. Cụ thể là bền bỉ phấn đấu bằng nhiều cách làm sao đưa VHVN vào trường học và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ VHVN cho người nghèo. 

LIÊN CHI

Tin cùng chuyên mục