
Ba tôi là Nguyễn Kim Cương, sinh ngày 15-7-1906 và qua đời ngày 1-3-1994 tại Hà Nội. Cuộc đời ông gắn với giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc ta từ khi chuẩn bị thành lập Đảng đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất.
Xin ghi lại 2 chuyện có thật, do ba tôi kể lại lúc sinh thời và tôi đã sưu tầm thêm trong sách cũ hoặc từ những người trực tiếp chứng kiến.
Đóng kịch ở nhà tù Côn Đảo

Ông Nguyễn Kim Cương
Thực dân Pháp kết án khổ sai, cấm cố ba tôi tại nhà tù Côn Đảo từ 1930 đến 1936, cùng các bác Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Phạm Hùng, Hà Huy Giáp, Nguyễn Văn Nguyễn, Nguyễn Văn Phát, Trần Văn Giàu, Nguyễn An Ninh và Phạm Quang Chúc... bởi chúng kết tội ông đã tham gia cách mạng chống chế độ thực dân, tham gia các phong trào vận động hợp nhất để thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam).
Trước ngày bắt đầu tham gia cách mạng, ba tôi đã được ông bà nội tôi lo cho học đến hết Thành chung. Vì vậy ông khá giỏi tiếng Pháp, tiếng Anh. Ở tù Côn Đảo, ngoài những giờ đi làm lao công bắt buộc theo quy định của chúa đảo; các tù chính trị đã tự tổ chức ra các lớp học tiếng Pháp, học chủ nghĩa Mác - Lênin... để nâng cao trình độ, chờ ngày ra tù sẽ lại hoạt động cách mạng thêm hiệu quả.
Sách lý luận bằng tiếng Pháp, hầu hết do bác Phạm Văn Đồng có đường dây bí mật cất giấu đưa vào. Nhờ vậy mới có được những lớp học Pháp văn, học lý luận chính trị trong tù mà học viên chăm lo tích cực nhất là các chú bác Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng... Các giảng viên tận tình là các bác Phạm Văn Đồng, Hà Huy Giáp, Trần Văn Giàu... và ba tôi. Họ vừa dịch, vừa học, vừa thảo luận rất sôi nổi.
Bên cạnh các buổi học lý luận chính trị trong tù, các chiến sĩ cộng sản còn tổ chức chơi vui để bọn cai tù đỡ chú ý. Họ bàn nhau đóng kịch, tập vở hát của Môlie. Các đồng chí thợ giày, thợ may cắt bao tải may thành áo, váy; dùng than, gạch tô màu trông ra vẻ quần áo đời Lu-i 14 lắm. Cừ nhất là họ còn làm được tóc giả vàng hoe đội lên đầu, rất đúng mốt Tây nam, Tây nữ đời xưa. Ba tôi thủ vai bà hầu tước trong vở “Trưởng giả học làm sang”, đó một vở kịch hài hước trong số những vở diễn đáng ghi nhớ khác.
Bạn diễn và bạn tù, người đứng, người ngồi, xem xong đều khen đóng thật tuyệt. Các tù chính trị cho cả Tây cai quản nhà tù tới xem, họ phục bò ra bởi các diễn viên đều là tù nhân, lại diễn kịch Pháp bằng tiếng Pháp thông thạo, nhập vai tài tình. Từ đấy bọn gác ngục thay đổi hẳn thái độ, bọn ma tà gặp họ là một điều thầy thầy, hai điều chú chú tử tế, không còn dám khinh thường như trước. Ba tôi còn kể là, không hiểu khi đóng vai bà hầu tước, ông được hóa trang và trang điểm thế nào mà ai cũng khen là đẹp gái, kể cả Tây.
Có điều đáng thương cảm và cũng cười ra nước mắt nữa là, trong bối cảnh lúc đó, các khán giả có nhiều bạn tù không có quần áo để mặc mà họ vẫn thản nhiên đứng xem kịch với những “y phục” thiên nhiên thuần túy, vẫn cổ vũ, cười vui với “diễn viên” trên “sân khấu”.
Cái đồng hồ
Mẹ chúng tôi là một người phụ nữ vui vẻ, thông minh, ưa hài hước. Mỗi khi có dịp gặp lại người thân, bè bạn cũ trong đại gia đình Tuyên huấn và Huấn học Nam bộ thời kháng chiến chống Pháp, bà đều chọn được một vài câu chuyện vui và kể lại cho mọi người nghe, làm không khí gặp gỡ rộn lên tiếng cười rất vui vẻ, thú vị và khó quên.
Một trong những câu chuyện mà chúng tôi từng nghe mẹ kể và cũng từng được chứng kiến, đó là:
Khoảng năm 1949, ở Khu IX Nam bộ, ba tôi đang công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, giữ các cương vị: ủy viên Ban Tuyên huấn, Phó giám đốc Sở Thông tin-Tuyên truyền Nam bộ, Phó Hiệu trưởng Trường Trường Chinh (trường Đảng)... Ba tôi được cơ quan cử 2 thanh niên kháng chiến người Khmer và một chiếc ghe tam bảng để cùng nhau sống, di chuyển nơi vùng sông nước. Hai thanh niên đó là anh ôi và anh Thỵ. Ba mẹ chúng tôi đã cùng các anh nhận nhau là cha mẹ nuôi và con nuôi, ba tôi đã đặt tên cho 2 anh là Nguyễn Kim Ôi và Nguyễn Kim Thỵ.
Có một lần, cả nhà chúng tôi cùng 2 anh Ôi và Thỵ đang di chuyển ở sông Đốc trên chiếc ghe tam bảng ấy. Anh ôi chèo mũi, anh Thỵ chèo lái, ba tôi nằm trong mui ghe miên man đọc sách, các chị em chúng tôi, đứa thì ngủ, đứa thì đùa giỡn vui vẻ, hồn nhiên. Mẹ tôi tranh thủ ôm bộ quần áo bà ba đen của ba tôi ra mạn ghe để giặt.
Trước đó, bà đã cẩn thận lục lọi coi trong các túi áo của ba tôi có sót lại giấy tờ gì không. Vậy là giấy tờ thì không có, mà có chiếc đồng hồ đeo tay trong túi. Cán bộ thời kháng chiến chống Pháp không dễ gì có được chiếc đồng hồ đeo tay, nên rất quý. Mẹ tôi mừng thầm và nghĩ ngay ra cách trêu ông. Mẹ tôi vờ nói nửa chủ ý, nửa bâng quơ: “Anh ơi, em lấy quần áo của anh để giặt, vừa định đưa xuống nước thì nghe thấy tiếng cái gì rơi xuống sông một cái tủm”.
Dù đang đọc sách, ba tôi vẫn cảnh giác với mọi động thái. Khi nghe mẹ tôi nói vậy, ba tôi liền bật dậy la lớn muốn thất thanh: “Cái đồng hồ!... cái đồng hồ!... cái đồng... hồ!” có cả giận, có cả tiếc, làm mọi người trên ghe ai nấy đều giật mình (trừ mẹ tôi). Và để không chậm trễ trấn tĩnh cho ba tôi, mẹ tôi liền cầm chiếc đồng hồ trong tay giơ lên cao cho ba tôi thấy và dĩ nhiên bà cũng nở một nụ cười tươi rói đầy mãn nguyện vì đã thắng ba tôi 1-0 thêm lần nữa.
NGUYỄN KIM KHÔI