Nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: Phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại nhân dân

Đánh giá lại nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, có thể thấy, hoạt động ngoại giao của Việt Nam đã đạt được những kết quả quan trọng.
Các đại biểu Việt Nam và quốc tế dự Đại hội đồng Hòa bình thế giới được tổ chức vào tháng 11-2022 tại Hà Nội.Ảnh: HOÀNG MẠNH
Các đại biểu Việt Nam và quốc tế dự Đại hội đồng Hòa bình thế giới được tổ chức vào tháng 11-2022 tại Hà Nội.Ảnh: HOÀNG MẠNH

Trong đó, đối ngoại nhân dân (ĐNND) là một điểm sáng khi đã phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước, nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của Việt Nam, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc.

Những kết quả quan trọng

Trong công tác ĐNND, chúng ta đã quán triệt sâu sắc tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc lần đầu tiên ngày 14-12-2021 về xây dựng và phát triển một nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại và mang đậm bản sắc dân tộc - trường phái ngoại giao “Cây tre Việt Nam”, là “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”; và Chỉ thị 12-CT/TW ngày 5-1-2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả ĐNND trong tình hình mới, trong đó nêu rõ nhiệm vụ tập trung quán triệt, tạo chuyển biến nhận thức sâu sắc về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác ĐNND, “một trong 3 trụ cột đối ngoại, tạo nên sức mạnh tổng hợp của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”.

Việt Nam đã nỗ lực xây dựng nền tảng xã hội tích cực, thuận lợi, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn tình hữu nghị, thúc đẩy hợp tác với nhân dân với các nước láng giềng, đối tác quan trọng, bạn bè truyền thống và mở rộng quan hệ với đối tác mới. Trong 2 năm qua, chúng ta đã tổ chức thành công một số hoạt động đối ngoại quan trọng, để lại dấu ấn đậm nét như: Đại hội lần thứ 22 Hội đồng Hòa bình thế giới (tháng 11-2022) với sự tham dự của hơn 100 đại biểu quốc tế đến từ 49 quốc gia; các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 - 27-1-2023) với sự tham dự của các nhân chứng lịch sử và bạn bè quốc tế từng tham gia hỗ trợ Việt Nam. Cùng với đó là chuỗi hoạt động ĐNND ở các cấp với Lào và Campuchia chào mừng Năm Đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào (kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam - Lào), Năm Hữu nghị Việt Nam - Campuchia (kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia). Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam (VUFO) đã tích cực phối hợp với các đối tác như: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Cuba, Brazil, Algeria, Italy, Belarus, Azerbaijan… tổ chức nhiều hoạt động tôn vinh, lan tỏa giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Một trong những điểm nổi bật là VUFO đã chủ động, tích cực tham gia tổ chức các hoạt động ĐNND làm phong phú thêm nội hàm của các hoạt động đối ngoại cấp cao, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc (năm 2022); Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Singapore, Campuchia (năm 2022); Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng thăm Lào (năm 2023); Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Campuchia (năm 2022); Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm Cuba, Argentina và Uruguay (năm 2023) cũng như Thủ tướng Cuba thăm Việt Nam (năm 2022); Chủ tịch Quốc hội Mozambique thăm Việt Nam (năm 2022); Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất thăm và làm việc tại Việt Nam (năm 2023)…

Bên cạnh đó, trong công tác ĐNND, Việt Nam đã chủ động tổ chức hàng trăm hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị có nội dung sâu sắc và hình thức rất phong phú cả trực tuyến và trực tiếp trên các kênh nhân dân ở cả cấp quốc gia và địa phương. Trong đó, nổi bật như: chủ động phối hợp với đại sứ quán và các đối tác nước bạn tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm năm tròn, năm lẻ ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, ngày quốc khánh, ngày lễ lớn của Việt Nam và các nước như Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Anh, Áo, Thụy Sĩ, Chile, Argentina, Thái Lan, Sri Lanka, Ukraine, Armenia, Azerbaijan, Uzberkistan… với các hình thức đa dạng như gặp mặt hữu nghị, tọa đàm, giao lưu văn hóa, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật. Nhiều hoạt động giao lưu hữu nghị quốc tế, các cuộc thi đã được tổ chức sôi nổi ở nhiều địa phương. Việt Nam đã ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác Trung Quốc, Singapore; tổ chức và tham gia nhiều hoạt động đoàn kết, ủng hộ nhân dân Cuba; tăng cường quan hệ hợp tác với các đối tác ở Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Đức, Argentina…

Đáng lưu ý, giữa bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát, trong ĐNND, Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác phòng chống dịch Covid-19; đã vận động 115 tổ chức phi chính phủ nước ngoài hỗ trợ nhân dân Việt Nam bằng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, thiết bị y tế, tiền mặt, tập huấn phương pháp, kỹ năng phòng tránh dịch với tổng trị giá hơn 6,5 triệu USD. VUFO và các tổ chức thành viên đã thực hiện sáng kiến công tác ĐNND hỗ trợ bạn bè quốc tế phòng chống dịch Covid-19, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến với thế giới; vận động hội viên, nhà hảo tâm quyên góp và kịp thời gửi hàng triệu khẩu trang, hàng ngàn thiết bị y tế và tiền mặt, với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng ủng hộ nhân dân các nước chống dịch bệnh, thể hiện truyền thống thủy chung, tình nghĩa, sẵn sàng sẻ chia, giúp đỡ bạn bè trong lúc khó khăn.

Cùng với đó, Việt Nam đã tích cực tham gia các diễn đàn nhân dân đa phương khu vực và quốc tế, đặc biệt là Diễn đàn Nhân dân ASEAN (APF), Diễn đàn Nhân dân Á - Âu (AEPF), Hội đồng Hòa bình thế giới, các cơ chế của Liên hiệp quốc và ASEAN, thúc đẩy, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cuối cùng, trong ĐNND, Việt Nam đã tích cực tham gia huy động nguồn lực bên ngoài phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong bối cảnh nguồn lực viện trợ nước ngoài ngày càng eo hẹp, công tác ĐNND đã có nhiều nỗ lực đổi mới phương pháp vận động, tích cực hỗ trợ hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Tính đến thời điểm hiện nay, có hơn 300 tổ chức hoạt động thường xuyên tại Việt Nam với trị giá viện trợ giải ngân trung bình 2 năm qua hơn 230 triệu USD/năm. Điều đó đã góp phần vào việc xóa đói, giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai và giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển nguồn nhân lực và hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Nhiều bài học kinh nghiệm

Từ những kết quả đạt được trong hơn 2 năm qua, về công tác ngoại giao, đặc biệt là ĐNND, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng. Trước hết, mọi chiến lược, kế hoạch và việc triển khai các hoạt động ĐNND cần quán triệt sâu sắc, bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Trên nền tảng đó, thực sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo để vượt ra khỏi khuôn khổ những tư duy cũ, lĩnh vực quen thuộc để có suy nghĩ và hành động vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế.

Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa ĐNND với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước trong chia sẻ thông tin, xây dựng chính sách, triển khai các hoạt động đối ngoại và xây dựng lực lượng, gắn kết giữa Trung ương và địa phương. Đồng thời, củng cố và mở rộng mạng lưới đối tác và huy động, xây dựng nguồn lực cả trong nước và quốc tế. Trong khi củng cố mạng lưới đối tác là các tổ chức cánh tả, tổ chức nhân dân, đối tác ở các nước bạn bè truyền thống, Việt Nam cũng cần mở rộng quan hệ đối tác với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, viện nghiên cứu, các đảng phái, các học giả, chính trị gia và các doanh nghiệp, cá nhân mong muốn quan hệ hữu nghị, hợp tác với Việt Nam; huy động sự tham gia đóng góp của các giai tầng trong xã hội vào công tác ĐNND.

Cuối cùng, đó là phải xây dựng bộ máy cơ quan làm công tác ngoại giao thực sự tinh gọn, tổ chức chặt chẽ, chuyên nghiệp, có đội ngũ cán bộ có chuyên môn và ngoại ngữ, năng động, sáng tạo, tâm huyết, có thể đảm nhiệm được nhiều nhiệm vụ.

Tin cùng chuyên mục