
LTS: Sau suất diễn ra mắt báo chí và giới chuyên môn vào tối 17 - 7, vở diễn “Ngàn năm tình sử” đang tạo sự quan tâm trong dư luận bởi sự lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ và những sáng tạo trong cách dàn dựng nhạc kịch đề tài lịch sử sôi động, dễ tiếp cận khán giả trẻ của NSƯT Thành Lộc. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những ý kiến trái chiều về sự hư cấu của tác giả… Trong số báo hôm nay, chúng tôi giới thiệu bài viết của nhà báo Cát Vũ về vở diễn này và sẵn sàng đón nhận những ý kiến của quý độc giả về “Ngàn năm tình sử”.

Một cảnh trong vở “Ngàn năm tình sử”.
Ngàn năm tình sử (tác giả Nguyễn Quang Lập, đạo diễn NSƯT Thành Lộc) là câu chuyện kể về cuộc đời của danh tướng Lý Thường Kiệt, người anh hùng kiệt xuất của dân tộc với chiến công lẫy lừng phá Tống bình Chiêm.
Nhưng vở kịch không nhằm tái hiện cuộc đời với những chiến công hiển hách của ông, mà là một dấu lặng chìm khuất ở phận người, phía sau ánh hào quang của một tượng đài. Đó là một Lý Thường Kiệt với cuộc tình đau thương mang theo suốt một đời, không thể sẻ chia.
Ngày ấy, nàng Thuận Khanh - mối tình đầu mà ông chưa kịp kết tóc se duyên như hẹn ước, bất ngờ bị tiến cung. Đau đớn, bàng hoàng, ông quyết định trở thành thái giám để vào cung, mong có cơ hội được ở gần người yêu. Và đêm đêm, ông gửi nỗi nhớ thương nàng qua tiếng sáo đong đầy hoài niệm thuở thiếu thời.
Tiếng sáo tha thiết ấy bền bỉ vang lên suốt 24 năm ròng rã, cho đến một ngày tưởng sẽ được trùng phùng khi thiên tử băng hà, các cung nữ được cho về quê, thì ông lại càng đau đớn hơn vì cái “không thể” của mình và rồi bất lực nhìn nàng Thuận Khanh tuyệt vọng gửi thân nơi cửa Phật.
Đó còn là một Lý Thường Kiệt cùng nỗi oan trong mối giao tình với cha nuôi Lý Đạo Thành. Bất đồng chính kiến khi nghĩa phụ vì trọng quân pháp mà phò Thượng Dương hoàng hậu, kẻ bị xem là nghi can trong việc bắt tay với giặc Tống, nhưng trước vận nước lâm nguy, Lý Thường Kiệt đã quỳ đội mưa để tỏ lòng thành, xin cha nuôi quay về triều để cùng nhau chống giặc.
Có thể nói, Ngàn năm tình sử là một “cuộc chơi” thỏa sức của Thành Lộc. Qua vở diễn này, anh đã phần nào thể hiện được tâm nguyện của mình trong quan niệm làm kịch về danh nhân lịch sử. Đó là đưa các “tượng đài” danh nhân vốn được trưng bày khô khan, nhuốm màu thần thánh, trở về với hơi thở vốn có của con người, nhằm tạo sự cảm thông, chia sẻ nơi hậu thế, đồng thời cũng là cách tôn vinh những nỗ lực phi thường nơi họ vì mục đích cao cả là đặt “xã tắc lên đầu”, hiến thân để phụng sự Tổ quốc.
Vở diễn cũng lần nữa cho thấy sức sáng tạo mạnh mẽ, dồi dào của Thành Lộc trong vai trò người dàn dựng. Nếu như trước đây, anh đã thổi vào vở Bí mật vườn Lệ Chi luồng gió của sự trang nghiêm, nặng về suy tưởng thì ở Ngàn năm tình sử, anh lại đốt lên không khí hội hè với nhiều hình thức ca, múa, nhạc, kịch… pha trộn giữa cũ và mới, cổ điển và hiện đại từ hình thức đến nội dung.
Tái hiện một câu chuyện cách nay cả ngàn năm, với trang phục cách điệu nửa tây, nửa ta, các nhân vật lại hát say sưa ca khúc “hit” của nhạc sĩ Đức Trí như Nắng xuân, Có một chút… Tuy nội dung mang đậm chất bi kịch, bàng bạc một nỗi đau khắc khoải từ đầu cho đến cuối, song sàn diễn luôn rộn ràng lời ca tiếng hát với những tiết tấu sôi động cũng như không thiếu những chi tiết hài hước.
Cùng “bay” với nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc là nhạc sĩ Đức Trí, người chịu trách nhiệm tạo nên phần hồn cho vở nhạc kịch. Được xem như là một trong số rất ít ỏi những người hiện nay có khả năng sáng tác và biểu diễn nhiều nhạc cụ dân tộc lẫn Tây phương, Đức Trí gần như là sự lựa chọn duy nhất có thể đáp ứng cho những yêu cầu đa dạng của vở diễn này.
Và quả là anh đã dọn cho khán giả một bữa tiệc âm nhạc khá thịnh soạn, từ nhạc nền cho đến các ca khúc, từ âm điệu nhạc ngũ cung cho đến pop rock thời thượng.
Phải nói là sự kết hợp của Thành Lộc và Đức Trí, với khả năng “pha chế” tài tình, đã dọn ra được một món cocktail sân khấu có hương vị lạ, nhưng không kém phần hấp dẫn. Và đúng như những gì Thành Lộc đã từng bày tỏ, ở Ngàn năm tình sử, nội dung câu chuyện chỉ là cái cớ để anh trút hết vào đó những khao khát cùng khả năng sáng tạo về một vở nhạc kịch mang nhãn hiệu Việt Nam.
Vở kịch được đầu tư cao (400 triệu đồng) và chăm chút đầy thẩm mỹ trong cảnh trí, trang phục và sử dụng hiệu quả ánh sáng, đã đem lại sự mãn nhãn trong cái nhìn.
Ngàn năm tình sử đã quy tụ gần như toàn bộ diễn viên của Sân khấu IDECAF và nhà hát Nụ cười. Sự đều tay của những diễn viên trụ cột như Thành Lộc (Lý Thường Kiệt), Thanh Thủy (Thuận Khanh), Hữu Châu (Lý Đạo Thành), Hoàng Trinh (Thượng Dương hoàng hậu), Đại Nghĩa (Lý thương gia)… cùng với những màn múa đẹp mắt của diễn viên Nhà hát Nụ cười đã góp phần nâng cao bề thế của vở diễn.
Từng tạo được “thương hiệu” độc nhất vô nhị trong cả nước, với gần 20 vở nhạc kịch hoành tráng và đầy màu sắc dành cho thiếu nhi suốt nhiều năm qua trong chương trình Ngày xửa ngày xưa, Sân khấu IDECAF một lần nữa khẳng định thế mạnh của mình ở thể loại kịch này khi “tấn công” vào sân khấu người lớn.
Bởi dẫu có tự cho phép mình sa đà vào nhiều chiêu thức bề ngoài thì khi màn sân khấu khép lại, những người làm vở vẫn gửi được theo trong trái tim người xem không chỉ sự thương cảm, sẻ chia nước mắt về nỗi đau đời mà còn là lòng yêu kính về tấm gương luôn “đội xã tắc lên đầu” của vị danh tướng họ Lý sống cách chúng ta hàng ngàn năm trước.
(*) Công diễn vào lúc 20 giờ ngày 15-8-2009, tại Nhà hát Bến Thành (Q1).
Cát Vũ