Vụ đánh bom ở Boston
Hãng AP ngày 10-5 đưa tin, Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Mỹ đã mở phiên điều trần vụ đánh bom tại Boston làm 3 người chết và hơn 200 người bị thương. Tại phiên điều trần, nhiều nghị sỹ đã tỏ ra giận dữ trước việc các cơ quan an ninh thiếu chia sẻ thông tin tình báo khiến giới chức Boston mù mờ về các nguy cơ tấn công khủng bố ở TP này.
Thay nhau đổ lỗi
Mở đầu phiên điều trần, chủ tịch ủy ban trên, nghị sĩ đảng Cộng hòa Michael McCaul, chỉ trích khả năng phối hợp thông tin của giới chức Mỹ, cho rằng chính thiếu sót này đã giúp các thủ phạm thực hiện thành công vụ đánh bom ở Boston. Giải trình về những cáo buộc này, Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) khẳng định tất cả các thành viên Lực lượng đặc nhiệm phối hợp chống khủng bố (JTTF) đều có thể tiếp cận các thông tin chống khủng bố vì cảnh sát Boston cũng là thành viên của JTTF và từng tham gia quá trình lập hồ sơ về nghi can số 1 trong vụ đánh bom là Tamerlan Tsarnaev hồi năm 2011.
Tuy nhiên, Cảnh sát trưởng Boston Edward Davis đã phản bác các ý kiến của đặc vụ FBI. Ông cho biết cảnh sát Boston không hay biết gì về các điều tra trước đó của FBI đối với nghi can Tamerlan sau cảnh báo của Nga. Cảnh sát Boston chỉ được biết về hồ sơ của tên này sau khi hắn thiệt mạng trong vụ đấu súng với cảnh sát 3 ngày sau vụ đánh bom. Cũng theo ông David, mặc dù có thể tiếp cận tất cả các thông tin về các nghi can khủng bố, nhưng cảnh sát TP Boston chưa bao giờ được cảnh báo về anh em nhà Tsarnaev.
Trước khi phiên điều trần bắt đầu, báo Los Angeles Times đưa tin trước cuộc đua marathon 3 ngày, các cơ quan an ninh và nhà tổ chức đã được cảnh báo rằng khu vực đích đến có thể là khu vực dễ bị tổn thương nhất và các tên khủng bố có thể sử dụng loại bom nhỏ ở đây. Trả lời những chất vấn về thông tin của Los Angeles Times, người phát ngôn cảnh sát bang Massachusetts David cho rằng đó là những cảnh báo thông thường và thường xảy ra với các sự kiện lớn
Lãng phí hàng ngàn tỷ USD?
Tại phiên điều trần cũng xuất hiện nhiều ý kiến kêu gọi tăng cường nguồn lực cho các lực lượng bảo vệ an ninh Mỹ nhằm đối phó với các nguy cơ tấn công khủng bố tại nước này. Cụ thể là tăng cường biện pháp an ninh tại các địa điểm công cộng như triển khai các đơn vị cảnh sát mặc thường phục, lắp đặt các thiết bị giám sát, Cựu Thượng nghị sỹ Joe Lieberman, người xuất hiện tại phiên điều trần với tư cách nhân chứng, cho rằng Quốc hội Mỹ cần rót thêm ngân sách cho các cơ quan an ninh để ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công khủng bố trên nước Mỹ.
Thế nhưng dư luận Mỹ cho rằng sau vụ tấn công khủng bố 11-9, nước Mỹ đã tăng cường hàng loạt các biện pháp an ninh và đổ hàng ngàn tỷ USD vào nỗ lực chống khủng bố, trong đó phần lớn chi cho các hoạt động quân sự ở Iraq và Afghanistan. Các cơ quan an ninh mới, trong đó có Bộ An ninh nội địa Mỹ và Trung tâm Chống khủng bố quốc gia, cũng đã được thành lập để xác định các mối đe dọa, lên danh sách các tổ chức khủng bố và huy động nguồn lực chống khủng bố.
Và câu hỏi đặt ra: tăng ngân sách nhưng có đảm bảo an ninh, hay cần phải thay đổi cách làm việc? Những bình luận của độc giả dưới những tin liên quan đến cuộc điều trần, đa số đều bất bình với FBI và cảnh sát Boston.
Trước đó, vào ngày 1-5, trong bài phát biểu nhân sự kiện tròn 100 ngày cầm quyền, Tổng thống Obama đã bảo vệ các cơ quan an ninh Mỹ trong đó có FBI. Ông cho rằng các cơ quan này đã và đang làm tròn nhiệm vụ của mình. Bài phát biểu này sau đó đã bị giới truyền thông Mỹ mổ xẻ. Một số tờ báo lớn cho rằng Tổng thống Obama đã quá lời. Tờ Washington Post viết: “Chính quyền Tổng thống Obama phải xem xét lại cách thức chống khủng bố”.
THANH HẰNG (tổng hợp)