Nước Mỹ chưa hanh thông

Mặc cho hàng loạt các thông tin tích cực về kinh tế trong tháng 7 cũng như chỉ số quản lý sức mua (PMI) - phản ánh sức khỏe khu vực sản xuất - tăng 0,5% so với tháng 7 nhưng không nhiều người lạc quan với sự hồi phục của nền kinh tế đứng đầu thế giới.

Công ty cung cấp thông tin tài chính Markit (Anh) cho biết mức tăng 0,5% là không đáng kể, trong khi PMI ở mức 51,9 điểm trong tháng 8 là mức thấp nhất trong 3 năm qua. Theo Robbert Van Batenburg, người đứng đầu công ty nghiên cứu thị trường Louis Capital Markets có trụ sở tại New York (Mỹ), điều đó chứng tỏ tăng trưởng kinh tế Mỹ vẫn rất chậm chạp.

Trong khi đó, Bộ Lao động Mỹ giữa tuần qua cũng cho biết, thêm 4.000 người vừa điền vào đơn xin trợ cấp thất nghiệp, mức tăng cao nhất trong vòng 5 tuần qua. Những tín hiệu đó khiến rất nhiều nhà kinh tế tin tưởng rằng Cục Dự trữ trung ương Mỹ (FED) sẽ sớm công bố gói kích thích kinh tế thứ 3 trong cuộc họp của cơ quan này vào ngày 12 và 13-9 tới.

Kể cả khi FED có tung ra gói cứu trợ thứ 3 đi chăng nữa, kinh tế Mỹ chắc chắn cũng sẽ chỉ tăng trưởng trong ngắn hạn. Thực tế đã được chứng minh sau khi Chủ tịch FED Ben Bernanke công bố gói kích thích kinh tế thứ hai (QE2) trị giá 600 tỷ USD năm 2010 chỉ kích thích tinh thần các nhà đầu tư một thời gian để rồi nền kinh tế Mỹ vẫn phát triển ì ạch như hiện nay.

Hơn thế, ông Larry Kotlikoff thuộc Trường Đại học Boston cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công của Mỹ còn lớn và nguy hiểm đối với kinh tế thế giới hơn cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu bởi Liên minh châu Âu (EU) đang giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính của họ, còn Mỹ dường như đang tê liệt.

Theo tính toán của ông Kotlikoff, nếu tính cả nợ công, thâm hụt an sinh xã hội và nợ của khu vực y tế nhà nước, số nợ không có khả năng thanh toán của Mỹ lên tới 222.000 tỷ USD, mức cao nhất trong số các thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).

Như vậy, Mỹ đang gặp khó khăn nhất về tài chính trong số các nước phát triển. Ông Kotlikoff cho rằng cả đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không thể giải quyết vấn đề nợ một cách hiệu quả. Đảng Cộng hòa sẽ không tăng thuế mặc dù sự trầm trọng của vấn đề tài chính đã lớn đến mức cần phải có những nguồn thu nhập mới. Đảng Dân chủ chỉ xem xét việc tăng thuế thu nhập mà không sửa chữa một hệ thống thuế phức tạp và bị bóp méo đang phá hoại tăng trưởng.

Các nhà hoạch định chiến lược đều cho rằng nước Mỹ đang cần những cải cách tài chính mạnh mẽ để tái cấu trúc khu vực công và Quốc hội Mỹ phải hành động  nếu không muốn rơi vào suy thoái trong năm tài khóa 2013. Nhưng trong cuộc chạy đua giành ghế tổng thống và quốc hội hiện nay, các ứng cử viên của các đảng chỉ chú ý những chính sách trước mắt lấy lòng cử tri mà không có một chiến lược dài hạn, tổng thể cho phát triển kinh tế - xã hội.

Đỗ Văn

Tin cùng chuyên mục