Nuôi heo đất

Từ khi con tôi đi học mẫu giáo cho đến tiểu học, tôi không cho tiền bé mang đến lớp, phần vì cháu chưa biết xài tiền, phần nữa là sợ cháu ăn quà bánh có hại sức khỏe. Nhưng gần đây, cháu cứ nằng nặc xin tiền đi học để nuôi heo đất do nhà trường phát động.

Cháu kể: “Cô giáo để trong lớp một con heo đất, dặn dò học sinh cho heo đất ăn. Cuối năm, em nào cho heo ăn nhiều nhất sẽ được thưởng”. Tôi cố giải thích cho con hiểu là ba mẹ không muốn con ý thức về “sức mạnh đồng tiền” khi tuổi còn quá nhỏ. Con cần gì, muốn ăn gì thì ba mẹ sẽ mua chứ không cho con tiền tự mua. Nhưng cháu khóc lóc vì mặc cảm “mình chẳng giống ai”, vì “bạn nào cũng có tiền cho heo ăn, còn con không có. Cuối giờ học, cô hỏi có em nào cho heo ăn không thì con phải nhìn xuống đất…”. Tôi xót xa khi nghe lời con trẻ mà không biết phải làm sao?”.

Chị Hoàng Mai, nhà ở Phú Nhuận thuật lại nỗi khổ tâm của mình khi bị buộc đứng trước hai sự chọn lựa: nói “không” hay “ừ” để trẻ mua sự tự tin trong lớp. Không cho con thì không được, song nếu cho lại thấy… bất ổn.
 
Chuyện nuôi heo đất gây quỹ khuyến học đã thực hiện hơn hai năm gần đây và năm 2009 “thu hoạch” hơn 20 tỷ đồng. Theo Hội Khuyến học TPHCM, những “chú heo” nuôi trong các tổ chức, cơ quan, đoàn thể sẽ được sử dụng vào việc gây học bổng, giúp đỡ những em học sinh, sinh viên nghèo vượt khó học giỏi hoặc mua sắm dụng cụ, trang thiết bị học tập cho những trường thiếu thốn về vật tư giáo dục.

Ý nghĩa của heo đất tập cho trẻ tiết kiệm, không tiêu xài hoang phí đã rõ, nhưng không phải cách vận động nào ở trường học cũng thuyết phục PHHS tâm phục khẩu phục. Bởi, nhiều học sinh tiểu học không được cha mẹ cho tiền. Chính vì vậy, nuôi heo đất ở tiểu học dường như chưa phù hợp và không thoải mái cho PHHS. Một số PHHS sợ con mặc cảm, cuối cùng “đầu hàng” và chấp nhận đi ngược với quan điểm của mình khi đưa tiền vào bàn tay bé nhỏ của con, để giúp con yên tâm học hành, không cần phải “cúi đầu nhìn xuống” mỗi khi cô hỏi “Em nào cho heo ăn?”.

DOANH DOANH

Tin cùng chuyên mục