Thủng ruột do hóc dị vật
Mới đây, Bệnh viện (BV) Bình Dân đã tiếp nhận bệnh nhân Đ.N.M. (ngụ quận 4, TPHCM) bị đau nhói vùng hông không rõ lý do, đau không thể gập người hoặc ngồi xuống được. Qua thăm khám lâm sàng, các bác sĩ nhận thấy người bệnh đau khu trú vùng hố chậu phải nên chỉ định thực hiện siêu âm và CT-scan bụng. Kết quả phát hiện một vật như cây tăm xỉa răng dài 6cm trong ổ bụng. Dưới áp lực của nhu động ruột, cây tăm đã xuyên thủng ruột non, đi vào ổ bụng, tạo khối áp xe ở vùng hố chậu phải khiến bệnh nhân đau đớn kéo dài.
Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa BV Bình Dân đã phẫu thuật nội soi để đưa dị vật ra ngoài, cắt lọc và khâu lỗ thủng ở thành ruột non, loại bỏ khối áp xe, thám sát và rửa toàn bộ ổ bụng.
Trên giường bệnh, anh M. cầm cây tăm đã nuốt và chia sẻ: “Tôi cũng không biết tôi nuốt cây tăm nhọn và dài như vậy lúc nào. Tôi chỉ thấy đau vùng hố chậu phải, nhưng đâu ngờ đến mức thủng ruột”.
Một người bệnh khác là ông T.C.P. (77 tuổi, ngụ Bạc Liêu), nhập viện trong tình trạng đau cấp nửa bụng bên phải lan ra vùng rốn. Trước đó, ông P. đau bụng âm ỉ suốt 3 tháng, dù uống nhiều thuốc vẫn không thuyên giảm. Gần đây, ông sờ thấy một khối u xuất hiện dưới sườn phải, nhấn vào rất đau. Lo mình mắc bệnh hiểm nghèo, ông đến BV Bình Dân để khám và điều trị. Kết quả siêu âm và CT-scan bụng cho thấy một tổn thương khu trú, có dị vật cản quang trong lòng bụng tạo thành ổ áp xe, vị trí gần đại tràng góc gan. Ông P. nhanh chóng được thực hiện phẫu thuật nội soi gắp dị vật, lọc bỏ toàn bộ khối áp xe và khâu chỗ thủng. Dị vật là một chiếc xương cá 3cm, được bao bọc bởi mạc nối lớn trong bụng. Một bệnh nhân khác là bà P.T.X. (77 tuổi, ngụ TPHCM), nhập viện do bị đau bụng nhiều ngày. Kết quả chẩn đoán hình ảnh cho thấy dị vật trong ổ bụng đã đâm xuyên hồi tràng. Các bác sĩ đã lấy ra khỏi ổ bụng chiếc xương cá sắc nhọn, kích thước chừng 3cm.
Trước đó, BV Nhi đồng 1 cũng đã phải cấp cứu lấy nhiều loại dị vật trong cơ thể cho các bệnh nhi, như vỏ thuốc, bóng đèn LED, chi tiết nhỏ của đồ chơi… Điển hình là trường hợp bé trai T.H.L. (6 tuổi, ngụ Tiền Giang). Bé được người nhà đưa đến BV Nhi đồng 1 thăm khám vì ho có đàm, nóng sốt, ói mửa, hơi thở có mùi hôi.
Các bác sĩ đã phát hiện dị vật nằm trong phổi của bé và nội soi gắp dị vật ra. Tuy nhiên, dị vật đã bị ăn quá sâu vào các mô, đồng thời tình trạng nhiễm trùng quá nặng, thùy dưới phổi phải thậm chí còn có một lỗ thủng. Vì vậy, để cứu cháu bé, các bác sĩ buộc phải cắt bỏ thùy dưới phổi phải. Cách đây ít lâu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cũng đã phẫu thuật cắt một phần ruột của cháu bé 4 tuổi, bị nhiễm trùng ruột do nuốt phải những viên bi sắt.
Không nên tự chữa theo mẹo dân gian
Theo bác sĩ Dương Bá Lập, Khoa Ngoại tiêu hóa - BV Bình Dân, xương cá và tăm xỉa răng là 2 dị vật thường bị nuốt phải. Đáng lưu ý, nhiều trường hợp do không biết đã nuốt dị vật nên sau đó phải xử lý bằng phẫu thuật (vì dị vật đã cắm sâu trong lòng thực quản, hoặc đại tràng) thay vì chỉ cần nội soi trong lòng ống tiêu hóa để gắp ra.
“Nếu dị vật không được gắp bỏ kịp thời thì sẽ gây áp xe, nhiễm trùng thực quản, phổi, áp xe phổi, gây nguy hiểm tới tính mạng của bệnh nhân”, bác sĩ Lập cho biết.
Khi không may bị hóc phải xương cá, xương gà, tăm xỉa răng, hàm răng giả…, người dân không nên tự chữa trị tại nhà bằng các mẹo dân gian, mà cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời, tránh hậu quả nghiêm trọng về sau. Tuyệt đối tránh cố nuốt thêm thức ăn hoặc uống nước cho “trôi”, vì có nguy cơ tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa dẫn tới nhiễm trùng và biến chứng nguy hiểm. Khi thấy đau khu trú, thường xuyên ở một vị trí trong ổ bụng, nên đến các bệnh viện để thăm khám.
Theo Th.S - bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, BV thường xuyên tiếp nhận và xử trí những trường hợp hóc dị vật ở trẻ, đặc biệt là vào các dịp lễ, tết. Vì những ngày này trẻ được chơi ở nhà và thường xảy ra những trường hợp đáng tiếc. Vì vậy, phụ huynh phải hết sức cẩn trọng.
“Khi thấy trẻ có những biểu hiện như ho, tím tái mà xung quanh bé có đồ chơi, hoặc bé đang cầm vật gì trên tay, hay đang ăn những loại hạt như hạt dưa, hạt đậu... thì hãy nghi ngờ đến việc trẻ bị hóc dị vật và nên kiểm tra. Nếu có dấu hiệu bất thường thì phải đưa bé đến cơ sở y tế thăm khám. Nếu được phát hiện sớm thì việc xử lý lấy dị vật ra sẽ đơn giản, để lâu thì càng phức tạp và gặp nhiều biến chứng. Phụ huynh không nên cho trẻ nhỏ chơi những đồ vật nhỏ, dễ nuốt, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”, bác sĩ Hiếu khuyến cáo.