Đánh giá sơ bộ của một số cơ quan chuyên trách (Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho thấy, mỗi năm ở Việt Nam có hàng trăm ngàn người mắc bệnh có liên quan đến nguồn nước ô nhiễm, trong đó có bệnh ung thư; hàng chục ngàn người chết do tác động bởi nguồn nước, điều kiện vệ sinh không đảm bảo… Mặc dù, nước ta được đánh giá là có hệ thống sông ngòi dày đặc, nhưng thực tế, nguồn nước sạch đảm bảo cung cấp cho việc sử dụng, ăn uống hàng ngày của người dân đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi tác động từ nhiều nguyên nhân.
Trồng cây mới tăng diện tích xanh tại quận 12. Ảnh: THÀNH TRÍ
Một trong các yếu tố ảnh hưởng mạnh tới nguồn nước chính là thách thức trong việc kiểm tra, giám sát xả thải của các khu công nghiệp, khu đô thị. Ghi nhận thực tế ngay trên địa bàn TPHCM, nhiều con kênh ngập rác thải, mùi xú uế nồng nặc vẫn còn tồn tại năm này qua tháng nọ, dù rằng thành phố rất tích cực nạo vét, xử lý ô nhiễm, tăng thanh tra, xử phạt các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Chẳng hạn, khu vực kênh Tham Lương, đoạn chạy qua quận 12, quận Gò Vấp… công tâm mà đánh giá thì tuyến kênh này đã được nâng chất hơn so với trước đây, tuy vậy mùi hôi nồng vẫn rất nặng, nhất là vào buổi sáng sớm và chiều tối. Nước kênh vẫn có màu nâu sậm bởi tác động từ nguồn thải. Xa hơn, đi về một số tỉnh thành vốn được xem là yên bình, nguồn nước trong lành, thì nay cũng bị khuấy động bởi tình trạng ô nhiễm. Ví dụ, Khu công nghiệp Tâm Thắng (Cư Jút, Đắk Nông) từng bị thanh tra môi trường cảnh báo, xử phạt nhiều lần vì việc xả thải trực tiếp ra sông Sêrêpốk. Dù rằng đã có một số biện pháp khắc phục cụ thể, nhưng cụm công nghiệp này đã và đang gây ra mùi hôi, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân xung quanh. Rõ ràng, cuộc sống của người dân hai bên sông Sêrêpốk đã và đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cụm công nghiệp này, từ ô nhiễm tiếng ồn, không khí đến chất lượng nước dòng sông. Theo các chuyên gia, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, do tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, nên đe dọa trực tiếp đến nguồn nước ngầm. Qua các nghiên cứu của cơ quan chức năng cho thấy, nguồn nước nhiễm khuẩn Coliforms vượt quy chuẩn cho phép hàng trăm lần; nguồn nước nhiễm asen cũng khá phổ biến, chủ yếu tại vùng đồng bằng Bắc bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long…
Một lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, trên 70% người dân đang sinh sống ở nông thôn có hạ tầng lạc hậu. Chất thải của gia súc, con người, xác động vật… không được xử lý, thấm trực tiếp xuống dưới đất hoặc bị rửa trôi khiến tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng. Chưa kể, tại nhiều vùng miền (trồng cà phê, lúa nước…), các loại thuốc bảo vệ thực vật tồn dư được bà con xả thải thẳng ra kênh, mương khiến nguy cơ ô nhiễm nguồn nước cực kỳ cao. Chưa kể, ở các vùng nông thôn, bà con khá chuộng giếng khoan, giếng đào và dùng trực tiếp nguồn nước này cho ăn uống, sinh hoạt nên nguy cơ bị bệnh tật càng cao hơn. Tỷ lệ người dân mắc một số bệnh như tiêu chảy, viêm da, thậm chí ung thư cũng gia tăng… Song song đó, việc ô nhiễm nguồn nước đã và đang tác động trực tiếp, ảnh hưởng đến ngành nông nghiệp như chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản…
Từ thực trạng trên, yêu cầu bức thiết đặt ra chính là các cơ quan chuyên trách về môi trường, y tế, các nhà khoa học… cần đưa ra biện pháp hữu hiệu, thiết thực để hỗ trợ người dân trong việc thanh lọc nguồn nước, làm sạch nguồn nước. Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ (học sinh, sinh viên…) về tác động của ô nhiễm nguồn nước đến sức khỏe; đồng thời khuyến khích người dân sử dụng có trách nhiệm, tiết kiệm nguồn nước sạch. Bởi đây là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô giá, có nguy cơ cạn kiệt.
GIA HÂN