Olympic của tinh thần đoàn kết

Trong phiên họp lần thứ 138 ngày 20-7, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) nhất trí thông qua đề xuất sửa đổi khẩu hiệu của Olympic để phương châm phù hợp với hiện tại hơn.
 Các vận động viên Olympic Ấn Độ
Các vận động viên Olympic Ấn Độ

Phù hợp thời thế

Theo IOC, khẩu hiệu “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh mẽ hơn” sẽ được bổ sung thêm từ “Cùng nhau”, nhằm nhấn mạnh sự cần thiết của tình đoàn kết trong những thời điểm khó khăn như đại dịch Covid-19, như đề xuất của Chủ tịch IOC Thomas Bach. Phát biểu tại phiên họp trên, sau khi thông qua dự thảo sửa đổi của Hiến chương Olympic, Chủ tịch IOC cho biết: “Chúng ta phải điều chỉnh câu khẩu hiệu cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Theo đó, khẩu hiệu mới sẽ là: “Nhanh hơn, Cao hơn, Mạnh mẽ hơn - Cùng nhau” (tên Latin là Citius, Altius, Fortius - Communis). Những nỗ lực hợp tác đang mang lại những kết quả nhanh hơn và tốt hơn so với làm việc độc lập... Đây là một cột mốc quan trọng trong sự phát triển của chúng ta và điều này phát đi một tín hiệu rõ ràng. Chúng ta đặc biệt nhấn vào sự đoàn kết”.

Khẩu hiệu trước đây của Olympic vốn được nhà quý tộc người Pháp Pierre de Coubertin - cha đẻ của Olympic hiện đại - đưa ra khi đề xuất thành lập IOC vào năm 1894. Theo ông Coubertin, 3 tính từ “Nhanh, Cao và Mạnh” thể hiện vẻ đẹp của thể thao. Khẩu hiệu Olympic này được đưa ra lần đầu tiên tại Olympic Paris năm 1924. Ông Coubertin nhấn mạnh: “Điều quan trọng nhất của Olympic không phải là giành chiến thắng mà là việc được tham gia, cũng như điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là sự thành công mà là những thử thách cam go. Điều cần thiết không phải là trông chờ vào chiến thắng mà là chúng ta đã thi đấu hết mình”.

Mỗi thành phố đăng cai tổ chức Olympic trên, được phép lựa chọn khẩu hiệu riêng. Trước đó, khẩu hiệu của Olympic London 2012 (Anh) là “Inspire a Generatio” (tạm dịch Truyền cảm hứng cho một thế hệ), trong khi của Athens 2004 (Hy Lạp) là “Welcome Home” (Chào mừng về nhà) - chỉ nơi khai sinh ra Olympic. Khẩu hiệu Olympic Rio de Janeiro 2016 (Brazil) là “A New World” (Một thế giới mới) và Olympic Pyeongchang 2018 (Hàn Quốc) là “Passion, Connected” (Đam mê, kết nối). Riêng Nhật Bản, các nhà tổ chức Đại hội Thể thao Olympic mùa hè và Đại hội Thể thao dành cho người khuyết tật (Paralympic) Tokyo 2020 đã công bố khẩu hiệu cho 2 sự kiện thể thao lớn này năm nay là “United by Emotion” (Gắn kết bằng cảm xúc). 

Ủy ban tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo 2020 đã lựa chọn khẩu hiệu trên với hy vọng sẽ truyền cảm hứng để khuyến khích tất cả mọi người kết nối với nhau thông qua những cảm xúc được khơi gợi tại sự kiện thể thao của cả thế giới. Theo họ, khẩu hiệu này phản ánh những giá trị chung và sức mạnh gắn kết của thể thao, qua đó đề cao tinh thần đoàn kết giữa mọi người dân trên thế giới. Khẩu hiệu được phát lên tháp truyền hình Skytree cao 634m tại thủ đô Tokyo.

Vì niềm hy vọng mới

Ngày 21-7, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố, Olympic Tokyo 2020 vẫn nên được tổ chức để chứng minh cho thế giới thấy những gì có thể đạt được với kế hoạch đúng đắn và các biện pháp phù hợp trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Phát biểu trước các thành viên Ủy ban Olympic quốc tế tại phiên họp ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản, ông Tedros cho rằng, thế giới cần Olympic lúc này “như một sự kiện của hy vọng”. Ông nhấn mạnh: “Olympic có sức mạnh để đưa thế giới xích lại gần nhau, truyền cảm hứng, thể hiện những gì có thể. Cầu mong những tia hy vọng từ vùng đất này sẽ chiếu sáng một bình minh mới cho một thế giới khỏe mạnh, an toàn hơn và công bằng hơn”.

Nữ Chủ tịch Ủy ban Olympic Nhật Bản Seiko Hashimoto cũng cùng quan điểm trên khi cho rằng, thế giới đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, nguyên nhân khiến Olympic Tokyo 2020 bị lùi sang năm nay, vô số người đã trải qua những đau khổ khủng khiếp. Tuy nhiên, cộng đồng y tế và các bác sĩ đã ngày đêm làm việc hết mình, thậm chí hy sinh cả tính mạng để cứu chữa cho mọi người. “Biết ơn ngày hôm nay dẫn đến hy vọng cho ngày mai, việc tổ chức sự kiện Olympic như một hành động bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến với mọi người trên thế giới. Cuộc thi năm nay thể hiện bản chất của Olympic: tôn vinh hòa bình, tiềm năng của cả nhân loại”, bà Seiko khẳng định.

Ưu tiên đầu tiên và quan trọng nhất của Nhật Bản là giữ môi trường an toàn cho các vận động viên. Cùng với Ủy ban Olympic quốc tế và Ủy ban Paralympic quốc tế, Nhật Bản đã thiết kế một bộ hướng dẫn, hay còn gọi là Playbook để tất cả vận động viên và người tham gia Thế vận hội Tokyo thực hành. Theo đó, các ứng dụng đặc biệt sẽ theo dõi thông tin sức khỏe của mọi người tham gia bắt đầu từ hai tuần trước khi họ đến Nhật Bản.

Muôn màu Olympic

Khi chọn vị trí cho Olympic, IOC luôn dành danh dự này cho một thành phố chứ không phải là một quốc gia. Trong buổi lễ khai mạc, một người sẽ thay mặt toàn bộ vận động viên đọc lời thề có nội dung: “Thay mặt tất cả vận động viên, tôi hứa tất cả chúng tôi sẽ tôn trọng những luật chơi đề ra với tinh thần thể thao chân chính, vì vinh quang thể thao và danh dự của cả đội”.


Các huy chương Olympic được thiết kế một cách đặc biệt cho mỗi kỳ Olympic do Hội đồng thành phố đăng cai Olympic quyết định. Mỗi huy chương phải có độ dày ít nhất 3mm và đường kính 60mm. Chiếc huy chương vàng và huy chương bạc phải có 92,5% bạc, riêng huy chương vàng phải có 6 gam vàng được mạ bên ngoài.

Tin cùng chuyên mục