Ông Biden bắt đầu hiện thực hóa cam kết

Trong ngày làm việc đầu tiên, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký 15 sắc lệnh hành pháp nhằm giải quyết những vấn đề như đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng giữa các sắc tộc, đồng thời đảo ngược một số chính sách do ông Donald Trump triển khai.

Triển khai nhiều quyết định

Theo thông báo của Bộ An ninh Nội địa Mỹ vào ngày 21-1, chính quyền mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ ngừng một số quyết định trục xuất trong 100 ngày tới nhằm đảm bảo thực thi nhập cư hiệu quả, công bằng và đảm bảo an ninh tại biên giới Mỹ - Mexico cũng như chống dịch Covid-19. 

Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden ký một loạt sắc lệnh hành pháp đảo ngược chính sách cũ
Các sắc lệnh trên nhằm hiện thực hóa cam kết hành động nhanh chóng trong ngày đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ của ông J.Biden, khởi đầu tiến trình đưa Washington quay trở lại tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, quyết định hủy bỏ giấy phép triển khai xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL với Canada. Các biện pháp đang triển khai của ông J.Biden cũng chấm dứt lệnh cấm đi lại do ông D.Trump đặt ra đối với một số quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Ông J.Biden cũng kêu gọi đẩy mạnh chương trình DACA dành cho những người nhập cư được đưa tới Mỹ là trẻ em. 
Ông Biden bắt đầu hiện thực hóa cam kết ảnh 2 Ông J.Biden ngừng trục xuất trong vòng 100 ngày với người nhập cư
Để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả, ông J.Biden ra lệnh đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại mọi tòa nhà liên bang và khu vực liên bang, đồng thời sẽ chấm dứt tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Một trong những ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn đầu nhiệm kỳ của ông J.Biden là cuộc chiến chống Covid-19. Ông J.Biden dự kiến chi 415 tỷ USD cho công tác phòng, chống dịch, trong đó 50 tỷ USD cho hoạt động xét nghiệm và 20 tỷ USD để đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm chủng vaccine quốc gia và cam kết mục tiêu chủng ngừa cho 100 triệu người dân Mỹ trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ. 

Không chỉ tập trung vào vấn đề đối nội, chính quyền mới cũng sẽ nhanh chóng thực hiện các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, đặc biệt là tái gia nhập các tổ chức, liên minh và thỏa thuận mà cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm cách làm suy yếu hoặc chấm dứt trong 4 năm qua. 

Mong muốn hợp tác

Tại châu Âu, các nhà lãnh đạo thế giới đã gửi lời chúc mừng nhân ngày ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen bày tỏ vui mừng và khẳng định: “Châu Âu đã sẵn sàng cho một khởi đầu mới”. Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel bày tỏ: “Tôi trông đợi được hợp tác với ông Joe Biden. Đã đến lúc chúng ta phải làm mới mối quan hệ EU - Mỹ”.

Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định mong muốn làm việc với ông Joe Biden và chính quyền mới của ông để tăng cường quan hệ đối tác Anh - Mỹ, cũng như thúc đẩy các ưu tiên chung về vấn đề biến đổi khí hậu, phục hồi sau đại dịch và củng cố an ninh xuyên Đại Tây Dương. Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier và Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng gửi lời chúc mừng và bày tỏ kỳ vọng vào sự hợp tác với Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh người đồng cấp J.Biden quyết định đưa Mỹ tham gia trở lại Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (COP21). 

Tại châu Á, Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide đã chúc mừng ông J.Biden và bày tỏ hy vọng liên minh song phương sẽ tiếp tục được củng cố, đồng thời bày tỏ hy vọng sẽ sớm sang thăm Mỹ, có thể là vào tháng 2 tới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in gửi lời chúc mừng và nhấn mạnh quan hệ đồng minh giữa Seoul và Washington sẽ phát triển mạnh mẽ hơn thông qua sự hợp tác trong hàng loạt vấn đề còn tồn tại.

Chứng khoán Mỹ đã đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Mỹ. Các thị trường chứng khoán khác trên toàn cầu cũng rực sắc xanh nhờ tâm lý phấn chấn của các nhà đầu tư trước kế hoạch của tân Tổng thống Mỹ bơm gần 2.000 tỷ USD để kích thích nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cùng lúc, giá dầu và vàng cũng tăng với hy vọng chính phủ của ông Biden sẽ ban hành các biện pháp kích thích mới và thực hiện các chính sách nhằm thắt chặt nguồn cung dầu. Giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 2 chốt phiên ở mức 53,24 USD/thùng (tăng 26 cent). Giá dầu Brent giao tháng 3 tăng 18 cent, lên 56,08 USD/thùng tại sàn London. Giá vàng giao ngay tăng 1,6% lên 1.868,00 USD/ounce, vàng giao kỳ hạn tăng 1,4% lên 1.866,50 USD/ounce.

Tin cùng chuyên mục