Ông J.Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ

Ngày 7-1, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, trên cương vị Chủ tịch Thượng viện đã chủ trì phiên họp của lưỡng viện quốc hội, xác nhận ông Joe Biden giành được 306 phiếu đại cử tri, giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020. Ông Joe Biden sẽ  nhậm chức vào chiều 20-1 (theo giờ Mỹ). Tổng thống đắc cử Joe Biden khẳng định công việc trong 4 năm tới của ông chính là khôi phục nền dân chủ Mỹ. 

Bạo động tại tòa nhà quốc hội

Cuộc họp lưỡng viện quốc hội do ông Pence chủ trì chỉ là thủ tục mang tính hình thức được quy định trong Hiến pháp Mỹ để xác nhận phiếu đại cử tri do các bang gửi lên. Tuy nhiên, sự kiện này đã thu hút sự chú ý không chỉ ở nước Mỹ, mà trên cả toàn cầu, do Tổng thống D.Trump quyết không thừa nhận thất bại, liên tục đưa ra cáo buộc gian lận bầu cử và hối thúc ông M.Pence hành động để ngăn quốc hội chứng nhận chiến thắng của ông J.Biden. 

Ông J.Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ ảnh 1 Người ủng hộ ông Trump tìm cách xông vào bên trong tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: REUTERS
                                                                                                                            
Khi phiên họp chung của Quốc hội đang diễn ra, hàng chục ngàn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump từ khắp nơi trên nước Mỹ đã đổ về khu vực trung tâm thủ đô Washington D.C cũng như Đồi Capitol, nơi đặt trụ sở Quốc hội, nhằm phản đối việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Các cuộc biểu tình bên ngoài khu vực Quốc hội đã biến thành bạo động khi nhóm người biểu tình quá khích đụng độ với cảnh sát và tràn vào tòa nhà Quốc hội.

Trước diễn biến căng thẳng và phức tạp, cảnh sát Mỹ đã phải phong tỏa các tòa nhà, yêu cầu các nhân viên sơ tán khỏi tòa nhà Cannon và tòa nhà Madison trên Đồi Capitol. Đồng thời phải sử dụng hơi cay và đạn không sát thương để giải tán đám đông biểu tình. Có ít nhất 4 người thiệt mạng vì các vụ bạo động.

Cuộc họp lưỡng viện được nối lại sáng 7-1 (giờ Việt Nam). Các nghị sĩ đảng Cộng hòa liên tiếp đưa ra kiến nghị phản đối phiếu đại cử tri ở 5 bang chiến trường, nhưng chỉ có kiến nghị ở 2 bang là Arizona và Pennsylvania được xem xét vì có đủ chữ ký của hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ. Sau nhiều giờ thảo luận ở Thượng viện và Hạ viện, các kiến nghị này lần lượt bị bác bỏ với đa số phiếu, trong đó có nhiều phiếu của các thành viên đảng Cộng hòa.

Ông Trump trước nguy cơ bị phế truất

Về phần mình, Tổng thống D.Trump ra tuyên bố dù hoàn toàn không đồng ý với kết quả bầu cử, nhưng cam kết sẽ chuyển giao quyền lực trong trật tự và hòa bình vào ngày 20-1.

Sau vụ bạo loạn của người ủng hộ ông D.Trump, nhiều lãnh đạo đảng Cộng hòa muốn tước bỏ quyền lực của tổng thống trước khi nhiệm kỳ kết thúc vào ngày 20-1.

Theo CNN, 4 nghị sĩ đảng Cộng hòa kêu gọi kích hoạt Tu chính án thứ 25 của Hiến pháp Mỹ, qua đó chính thức xem ông Trump không còn phù hợp để đảm đương chức vụ tổng thống và cần thay thế bởi Phó tổng thống Mike Pence.

Các quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đang ủng hộ thảo luận về Tu chính án thứ 25. Theo hai nguồn tin liên quan đến những thảo luận này, nhiều quan chức tại Nhà Trắng và các bộ khác cũng có cùng quan điểm.

Các nghị sĩ đảng Cộng hòa cho rằng Tổng thống Trump đã khơi mào cuộc tấn công vào nền dân chủ, bôi nhọ hình ảnh đảng và đánh vào Điện Capitol. Họ lo ngại đất nước không thể trụ thêm 2 tuần khi ông Trump còn ở vị trí quyền lực nhất chính phủ, cùng với những hỗn loạn và chia rẽ trong tương lai.

Theo biên tập viên Margaret Brennan của CBS, các bộ trưởng trong nội các của ông Trump đang thảo luận khả năng này để tước quyền lực khỏi tay tổng thống. Tuy nhiên, nhóm này vẫn chưa đưa ra được phương án nào cụ thể cho Phó tổng thống Mike Pence.

Khoảnh khắc vô cùng hổ thẹn 

Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc (LHQ) Volkan Bozkir đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình hình bạo lực và tình trạng phá vỡ quy trình dân chủ tại chính nước Mỹ. Trước đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg gọi các cuộc biểu tình bạo lực tại Washington là “cảnh tượng hãi hùng”, đồng thời khẳng định kết quả cuộc bầu cử dân chủ tại Mỹ cần phải được tôn trọng. Thủ tướng Canada Justin Trudeau nêu rõ bạo lực sẽ không bao giờ thành công trong việc chế ngự ý nguyện của người dân. Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi chấm dứt tình hình bạo loạn tại Washington. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng kêu gọi Mỹ phải thực hiện tiến trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. 

Các cựu Tổng thống Mỹ cũng chỉ trích kịch liệt. “Lịch sử sẽ ghi nhớ vụ bạo lực hôm nay tại Điện Capitol, được chính một tổng thống đương nhiệm kích động, như một khoảnh khắc vô cùng đáng hổ thẹn với đất nước của chúng ta”, cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố; cựu Tổng thống Bill Clinton cũng cáo buộc Tổng thống D.Trump đã kích động bạo lực: “Cuộc biểu tình được châm ngòi từ Donald Trump và những người ủng hộ nhiệt thành của ông ta, bao gồm nhiều người trong quốc hội, nhằm lật ngược kết quả bầu cử mà ông ta đã thua”.

Tài khoản Twitter của ông Trump bị khóa

Mạng xã hội Twitter khóa tài khoản của Tổng thống Trump trên nền tảng này trong 12 giờ, sau khi ông D.Trump viết tweet ngỏ ý ủng hộ người biểu tình gây bạo loạn. Facebook cũng cho biết hãng này chặn không cho trang của ông D.Trump đăng bài trong 24 giờ. Đây là động thái chưa từng có của 2 mạng xã hội lớn nhất thế giới đối với ông D.Trump.

Tin cùng chuyên mục