Theo AFP, trong bài diễn văn quan trọng ngày 14-6 về chính sách hòa bình, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu lần đầu tiên tán thành việc thành lập một nhà nước Palestine song nhấn mạnh rằng, một thực thể như thế sẽ phải “phi quân sự hóa” và không liên kết với Iran hay Hezbollah để tấn công Israel.
Ông Netanyahu cho rằng một nhà nước Palestine sẽ không có vũ trang và không kiểm soát không lưu. Nhưng trước tiên, Palestine phải công nhận Israel là quê hương người Do Thái, điều tới nay Palestine vẫn bác bỏ. Ngoài ra ông Netanyahu không chấp nhận việc ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine.
Ngay sau bài diễn văn của Thủ tướng Netanyahu, chính quyền Palestine và các phe phái chính trị tại vùng lãnh thổ Palestine đã lên tiếng bác bỏ. Nhà đám phán hàng đầu Palestine, Saeb Erekat tuyên bố: “Chúng tôi không hề ngạc nhiên về bài diễn văn của ông Netanyahu cũng như tất cả vấn đề bài diễn văn đề cập. Ông ta đã từ chối đình chỉ hoạt động của các khu định cư Do Thái và bác bỏ nguyên tắc giải pháp 2 nhà nước”.
Cố vấn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, ông Nemer Hammad, cho rằng bài diễn văn của Thủ tướng Netanyahu không có gì mới và nhấn mạnh: “Đây không phải là cánh cửa hướng tới hòa bình và giải quyết xung đột”. Phong trào Hồi giáo Hamas cũng kịch liệt phản đối bài diễn văn của Thủ tướng Netanyahu, cho rằng bài diễn văn này phản ánh “tư tưởng phân biệt chủng tộc và cực đoan của Netanyahu, cũng như bác bỏ tất cả quyền của người Palestine”.
Trong khi đó, Nhà Trắng lại hoan nghênh và cho rằng việc Thủ tướng Netanyahu tán thành việc thành lập một nhà nước Palestine là “một bước tiến quan trọng”. Vấn đề là Nhà Trắng sẽ xử lý thế nào trước việc Israel vẫn phớt lờ yêu cầu của Washington về ngưng xây dựng các khu định cư Do Thái.
K.M.